Anh Võ Nguyên Bảo Duy và chị Bùi Minh Thảo - hai nhà gây quỹ của Đùm bọc
Chuyển biến xấu của COVID-19 ở Việt Nam đến với vợ chồng Võ Nguyên Bảo Duy - kiến trúc sư và Bùi Minh Thảo - chuyên viên marketing - qua chiếc điện thoại. Nỗi xót xa xuyên qua 14.000km. Duy và Thảo quyết định phải làm gì đó.
Họ tìm cách nối kết những người đồng hương trong thành phố New York dân số hơn 8,4 triệu. Gạch nối được tìm ra là những món ăn Việt truyền thống và dự án mang cái tên bình dị: Đùm bọc.
Chiến dịch từ thức quà quê
"Chúng tôi gửi chút quà về hỗ trợ gia đình nhưng chẳng bõ bèn gì với những trường hợp cần được giúp đỡ - chị Thảo kể - Mong muốn làm gì đó cho số đông dường như là bất khả nếu không có cộng đồng giúp đỡ.
Vì vậy ý tưởng đặt ra là kêu gọi sự chung tay của người Việt sống ở New York, đồng thời cung cấp thông tin diễn biến của COVID-19 ở Việt Nam" .
Đùm bọc không phải là nỗ lực gây quỹ đầu tiên của Duy và Thảo. Tết Tân Sửu 2021, dư chấn nặng nề của đại dịch không chỉ tác động đến y tế, kinh doanh mà còn sự kỳ thị vô cớ với người gốc Á, hai vợ chồng đã quyết định trích tiền bán tranh do Duy tự vẽ để ủng hộ ba tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ hỗ trợ cộng đồng.
Lần góp quỹ thứ hai Duy và Thảo quyên góp cùng hai tổ chức chuyên giúp đỡ các nhóm yếu thế - phụ nữ gốc Á, gốc Phi.
Với Đùm bọc, họ đặt ra một cách tiếp cận hoàn toàn khác. "Chúng tôi nghĩ thức ăn truyền thống như là mối dây đem mọi người đến gần với nhau - nhất là nơi người Việt sống rải rác và không hình thành cộng đồng như New York.
Thông qua việc hiểu thêm về ẩm thực, về người nấu người ăn, chúng tôi hy vọng sẽ gầy dựng được sự kết nối cảm xúc, giúp chiến dịch duy trì dài hơi và không mất đi động lực ban đầu" - chị Thảo chia sẻ.
Những phần xôi mặn, bánh lọc, cơm gà, bún thang, xíu mại trứng cút và nhiều món ăn thân thương khác được nấu bởi những đầu bếp, kiến trúc sư và nhà thiết kế trong thành phố mà hai vợ chồng kết nối được thông qua Instagram, bạn bè.
Người Việt dù sống ở đâu trên thế giới cũng cùng chung cội nguồn, Duy nghĩ vậy và đặt cho dự án cái tên Đùm bọc, cảm hứng từ câu tục ngữ "lá lành đùm lá rách".
Để gầy dựng niềm tin, một bàn tròn giữa Đùm bọc với Saigon Children và Catalyst Foundation - hai tổ chức nhân đạo uy tín ở Việt Nam - được diễn ra trước khi chiến dịch bắt đầu, giúp cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình dịch bệnh cũng như người thụ hưởng ở Vũng Tàu và TP.HCM.
Hơn 20 người tham gia nấu ăn và ủng hộ vật phẩm. Để tham gia bốc thăm trúng thưởng, mỗi người quyên góp cho quỹ 10 USD. Chiến dịch nhanh chóng vượt qua mục tiêu ban đầu và cán đích ngày 21-10 với tổng quỹ gây được 13.200 USD.
Nấu để hiểu
Gần hai mươi năm sinh sống và làm việc ở Mỹ, đối với Duy và Thảo, ẩm thực là một phần của căn tính Việt Nam, là ngôn ngữ của tình thương mà bất cứ ai đều có thể hiểu được.
"Khi nhắc đến ẩm thực Việt, phần lớn mọi người vẫn chỉ nghĩ đến phở. Vì thế giới thiệu thêm những món ăn, khuếch trương cộng đồng người Việt đang sống, làm việc ở New York và những tiểu bang khác là điều quan trọng với chúng tôi" - anh Duy nói.
Làm việc tại nhà trong những tháng COVID-19 cho Thảo có thời gian để thử nghiệm nhiều công thức cho món xôi mặn, thức quà sáng quen thuộc những ngày còn ở Việt Nam. "Việc tìm tòi sáng tạo trong nấu nướng cho tôi cơ hội hiểu thêm về văn hóa của chính mình.
Với Đùm bọc, đó là lần đầu tiên tôi phục vụ món ăn mà mình làm ra cho người lạ thưởng thức. Nhận được những lời khen, đối với tôi đó là niềm hạnh phúc lớn" - chị Thảo nói. Còn khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Duy là khi được gặp và trao món ăn cho những người bạn đã tham gia quyên góp.
"Chỉ trong vài phút ngắn ngủi thôi nhưng chúng tôi đã hiểu thêm về họ, về những món ăn mà họ lớn lên cùng, sự trân trọng mà họ dành cho những người đầu bếp. Và bỗng dưng chúng tôi nhận thấy được sức mạnh của cộng đồng. Từ những người xa lạ chỉ kết nối với nhau qua mạng trở thành bạn bè thông qua một cầu nối không thể nào tốt hơn - ẩm thực" - anh Duy chia sẻ.
Ẩm thực cho tôi biết mình là ai
Khoảng 4 năm về trước, hai vợ chồng hầu như không đón Tết. Ngày đầu năm âm lịch, họ chỉ xuống khu phố Tàu mua ít thịt quay và hưởng chút không khí.
Thời gian giãn cách trong đại dịch đã cho họ cơ hội nghĩ nhiều hơn đến cội nguồn nơi mình sinh ra và thuộc về. "Những năm đầu sống xa gia đình, chúng tôi đã nghĩ có nhiều điều quan trọng hơn lễ Tết.
Đến bây giờ chúng tôi mới hiểu được thời gian là hữu hạn và cố gắng để giữ gìn những giá trị mà qua đó cho biết mình là ai. Khi có con, chúng tôi cũng sẽ muốn cho cháu biết thế nào là một người Việt" - chị Thảo nói.
"Qua những món ăn mình yêu thích và nấu hằng ngày, chúng tôi muốn ghi lại lịch sử của gia đình và những điều mà mình trân trọng. Thật tuyệt khi năm nay, sau Đùm bọc, sẽ có nhiều hơn những người cùng chia sẻ niềm vui năm mới" - anh Duy tiếp lời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận