Anh Thắng trên đường chinh phục Everest, nguồn cơn đưa anh trở thành một runner thứ thiệt - Ảnh: NVCC
Thể thao giúp tôi đủ sức khỏe và minh mẫn để giải quyết một khối lượng công việc rất lớn mỗi ngày. Tôi muốn điều đó lan tỏa đến các nhân viên. Do đó khi chạy, tôi không quan trọng thành tích cá nhân của mình, mà phải cùng đồng đội hoàn thành mục tiêu. Vì vậy, tôi vẫn luôn là người về đích cuối cùng các giải chạy để dìu các đồng đội yếu hơn. Đó là điều tôi hạnh phúc nhất.
Anh ĐẶNG NGUYỄN ĐỨC THẮNG
Là một runner thứ thiệt, sáng cuối tuần, chỉ sau vài giờ trò chuyện cùng chúng tôi, anh Thắng đã lên máy bay đi Quy Nhơn tham gia giải chạy marathon cự ly 42,195km.
Lúc này, điện thoại của anh liên tục sáng đèn hiệu bởi lời nhắn của các "đồng run" (cách anh Thắng gọi những đồng đội có chung niềm đam mê chạy bộ) báo cáo "thủ lĩnh" đã có mặt ở phố biển. Những lời nhắn này khiến anh cũng nhấp nhổm…
Từ nỗi khát khao chinh phục Everest
Nhiều người lo cho anh Thắng khi anh bày tỏ nỗi niềm "khát khao một lần chinh phục Everest" khi đã bước vào tuổi trung niên. Mọi người lo bởi mục tiêu này là chuyện cực khó đối với một thanh niên, chứ chưa nói đến một ông làm công tác ngân hàng đã hơn 40 tuổi, dù thời sinh viên anh cũng là người mê thể thao.
Nhưng không ai cản nổi ý tưởng "điên rồ" này, kể cả vợ anh với lời dọa "lên Everest sẽ bị điên". Anh Thắng mất trọn 2 năm chuẩn bị cho chuyến chinh phục Everest. Để chuẩn bị đối phó với các thử thách như: thiếu không khí, áp suất thấp, lạnh và đói khi leo lên Everest, anh bắt đầu bằng tập chạy.
Ban đầu, việc chỉ chạy khoảng 500m vòng quanh sân cầu lông đủ khiến anh mệt lử. Nhưng quãng đường cứ tăng lên, dần dà quãng đường 30km, rồi 42km đã không còn là chuyện khó với anh. Ngoài tập chạy, anh Thắng còn đi tập bơi, tập lặn để tăng sức chịu đựng trong điều kiện thiếu oxy...
"Dấn bước lên Everest mới cảm nhận hết sự khắc nghiệt của nó. Thực tế có người đã đi lên Everest nhưng không về. Mười mấy ngày ròng rã, tôi chịu đói, rét, thiếu oxy, sốc độ cao và đấu tranh tâm lý dữ dội giữa đi tiếp hay quay về. Nhưng rốt cuộc tôi cũng chinh phục được mục tiêu của mình là tầng áp chót của đỉnh Everest. Đó là dịp tết năm 2018" - anh Thắng kể.
Sau Everest, anh Thắng vẫn giữ lịch tập luyện đều đặn. Mỗi tuần có hai buổi tối chạy bộ và một buổi đi bơi. Sáng nào cũng đạp xe hơn một giờ, xen lẫn là những chuyến dã ngoại bằng xe đạp đi Vũng Tàu, Bình Thuận... Chưa hết, anh Thắng tham gia hầu như đủ các giải chạy lớn trên toàn quốc, kể cả cuộc thi khắc nghiệt dành cho "người sắt" Ironman 70.3 Vietnam.
Anh Thắng thi đấu tại Giải Ironman 70.3 2019 ở Đà Nẵng - Ảnh: NVCC
Chạy để lan tỏa thông điệp sống khỏe, hạnh phúc
"Mình không phải là dân chuyên nghiệp, nên việc chơi thể thao được xác định để có được sức khỏe tốt nhằm làm việc tốt hơn, lo cho gia đình tốt hơn, bản thân sống hạnh phúc hơn. Khi đã làm được, thấy được hiệu quả quá rõ của việc rèn luyện thể thao, mình bắt đầu nghĩ đến việc làm thế nào để lan tỏa đam mê chạy bộ, mà cụ thể là giúp các đồng nghiệp đến với chạy bộ, với thể thao. Giờ đây, đối với mình, vào dịp sinh nhật được bạn bè tặng vé tham gia giải chạy bộ là mình thấy ý nghĩa nhất" - anh Thắng nói.
Kết quả của mục tiêu làm "lan tỏa tình yêu chạy bộ" của anh Thắng là hiện Sacombank đã có CLB chạy bộ, với hơn 1.000 thành viên sinh hoạt thường xuyên do anh làm phó chủ nhiệm. Mỗi tháng, CLB đều có một slogan (khẩu hiệu) định hướng phát triển riêng phù hợp với mọi người cùng những buổi offline hướng dẫn dinh dưỡng thể thao và một giải chạy.
Hiện CLB đang tổ chức cuộc chạy trong vòng 30 ngày để khuyến khích các nhân viên Sacombank tham gia.
Ngoài ra, CLB còn giúp các thành viên xây dựng lối sống văn hóa, đề cao tinh thần thể thao. Bài học ý chí "không bỏ cuộc" của anh Thắng vẫn được thành viên rỉ tai nhau, qua hình ảnh bước chạy khập khiễng do một chân bị chấn thương của anh tại giải marathon quốc tế ở Đà Nẵng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận