Sáng 7-6, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM tổ chức đại lễ tưởng niệm 60 năm ngày Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân.
Tại đây, trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng - Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - đã có những chia sẻ về cuộc đời của Bồ tát Thích Quảng Đức.
Khoảnh khắc tự thiêu định mệnh
Là một trong những người sống cùng Bồ tát Thích Quảng Đức những ngày cuối đời tại chùa Ấn Quang, Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhớ khoảnh khắc tự thiêu vào ngày 20-4 năm Quý Mão (tức ngày 11-6-1963).
Theo lời kể của trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng, Bồ tát Thích Quảng Đức nộp đơn xin tự thiêu với lời khẳng định: "Nếu cho phép ngài tự thiêu thì sẽ hóa giải được cuộc tranh đấu của Phật giáo".
Khi đó tất cả các hàng rào dây thép bao bọc các cửa chùa được mở ra.
“Ngài từ trên xe bước xuống, ngay giữa ngã tư ngồi xuống tự tay châm lửa, vì lúc đó hộp quẹt trong túi ướt xăng nên ngài bật không cháy. Ngài nhìn qua chư tăng, hòa thượng Đức Nghiệp ném hộp quẹt cho ngài, ngài mỉm cười và bật hộp quẹt lên. Mọi người nhìn thấy ngài ngồi trong lửa nhưng thanh thản đến khi lửa tàn", trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng xúc động kể lại.
Trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng cho biết Bồ tát Thích Quảng Đức luôn quan tâm tới các vị tu sĩ trẻ.
“Tôi theo dõi cuộc sống của Bồ Tát Quảng Đức, tôi thấy ngài là một con người rất bình dị, nhưng mà nhìn chiều sâu của đời sống tu hành thì có những điểm chúng ta có thể học hỏi và phát huy năng lực của mình, để rồi có thể làm một số việc cho giáo hội, cho dân tộc.
Cái bình dị, giản dị của cuộc sống ẩn chứa bên trong một tâm hồn cao thượng của một vị Bồ Tát đi vào đời. Cho nên chúng ta thấy ở bất cứ cương vị nào, Ngài cũng đem hết tâm lực và nguyện lực để phục vụ cho đất nước, cho dân tộc cũng như cho đạo pháp. Đó là cái điều mà tất cả hậu thế chúng ta cần phải học theo”.
Đức Pháp chủ kể Bồ Tát Thích Quảng Đức đã có ba năm không tiếp xúc với bên ngoài để nuôi lớn giới thân huệ mạng của một vị thánh A la hán. Nhờ kiết thất và tu tập, đạo đức của ngài phát huy và trí tuệ của ngài khai mở.
Sau khi kiết thất, tâm sáng rồi, Ngài bắt đầu đi giáo hóa, từ Khánh Hòa, ngài sang Lào, sang Campuchia, vào miền Nam, rồi từ Huế về trụ trì chùa Long Vĩnh (Q.3, Sài Gòn)....
Trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng cũng cho biết Bồ tát Thích Quảng Đức luôn quan tâm tới các vị tu sĩ trẻ.
“...Ngài là trụ trì nhưng ít ở chùa, mỗi lần chư tăng thấy ngài về là vô cùng vui mừng vì ngài về là có thức ăn, cuộc sống được tốt hơn một chút, ngài đi hoa viên mà được bất cứ cái gì đều đem về chia sẻ cho tăng trẻ. Chính vì vậy, các vị tăng trẻ luôn luôn biết ơn, học được ở ngài nhiều việc", trưởng lão hòa thượng nhớ lại.
Sau 60 năm Bồ tát Thích Quảng Đức thiêu thân
Đại biểu tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Hồ Hải - phó bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Trần Xuân Điền - phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM; bà Phan Kiều Thanh Hương - phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM...
Về đại diện Phật giáo có trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng - Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; trưởng lão hòa thượng Thích Thiện Nhơn - chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; hòa thượng Thích Lệ Trang - ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM.
Tại sự kiện, hòa thượng Thích Thiện Nhơn, chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - đã tuyên đọc lời tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức.
“Thấm thoát 60 năm đã trôi qua, lịch sử có sang trang, nhưng công đức mà Bồ tát và chư thánh tử đạo sẽ còn sống mãi trong lòng những người con Phật và lịch sử Phật giáo.
Để kỷ niệm và tri ân Bồ tát Thích Quảng Đức, chư thánh tử đạo, tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải nỗ lực phát triển giáo hội và làm cho truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam trên đường phát triển. Gắn kết một cách nhuần nhuyễn trong tinh thần dân tộc Việt Nam và giữ vững nền hòa bình thế giới”, hòa thượng Thích Thiện Nhơn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận