Trụ sở công ty Aixtron vừa bị chính quyền Berlin ngăn vụ "bán mình" cho Trung Quốc - Ảnh: AFP |
Chính thức mà nói, quan hệ giữa Berlin và Bắc Kinh hiện rất tốt, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Xuất khẩu từ Đức sang Trung Quốc đã tăng gấp tám lần tính từ năm 2000, biến Trung Quốc thành đối tác thương mại thứ tư của Đức và là nguồn xuất khẩu xe hơi cao thứ ba.
Đổi lại Đức hiện cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc trong khối nước châu Âu.
Tuy nhiên sự “hăm hở quá mức” của các nhà đầu tư Trung Quốc đối với các công ty công nghệ hàng đầu của Đức đang khiến cho chuyến thăm năm ngày (bắt đầu từ hôm nay, 1-11) của bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel gặp trở ngại.
Chẳng là trong tuần trước, chính Bộ trưởng Sigmar Gabriel đã phải ngăn chặn hai hồ sơ mua lại doanh nghiệp Đức từ các nhà đầu tư Trung Quốc.
Hồ sơ đầu tiên liên quan công ty Aixtron, nhà sản xuất bán dẫn của Đức. Quĩ đầu tư Fujian Grand Chip Investments (FGC) từ Trung Quốc đã công bố ý định mua công ty trên từ tháng 7 vừa rồi. Quĩ đầu tư của Trung Quốc đã đặt lên bàn 670 triệu euro và được đến 65% cổ đông ủng hộ cho thương vụ này.
Nhưng đến ngày 21-10 vừa qua, khi đến hạn trả lời về yêu cầu của bên mua, chính quyền Berlin rút lại quyết định cho phép bán vì “lý do an ninh” liên quan lĩnh vực công nghệ quốc phòng.
Vài ngày sau đó, Bộ trưởng Sigmar Gabriel lại công bố quyết định ngưng cuộc thương lượng giữa công ty bóng đèn Osram của Đức với tập đoàn điện tử San’an Optolectronics của Trung Quốc.
Theo luật của Đức, chính phủ có quyền phủ quyết chuyện mua công ty Đức từ một đối tác nước ngoài nếu xét thấy “trật tự xã hội hoặc an ninh” của nước Đức bị đe dọa.
Tuy nhiên trong hai trường hợp vừa rồi, Bộ Kinh tế Đức không đưa ra chi tiết về quyết định ngăn chặn mua bán của mình.
Hai vụ việc trên đây cho thấy mối quan ngại của chính quyền Berlin liên quan “cuộc đổ bộ rầm rộ” của các nhà đầu tư từ châu Á nhằm mua lại các công ty sản xuất chất lượng của Đức
Theo văn phòng tư vấn Ernst&Young, trong sáu tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư từ Châu Á đã mua xong 37 công ty của Đức, bằng với con số của cả năm 2015.
"Nỗi lo của các nhà quản trị là hiểu được", bà Galina Kolev, thuộc Trung tâm nghiên cứu DIW ở Cologne, nhìn nhận.
"Họ đang tự hỏi công nghệ, vốn hiểu biết, công ăn việc làm của họ sẽ ra sao. Nhưng trong phần lớn các trường hợp, kinh nghiệm cho thấy những mối lo đó là không có căn cứ. Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc thường giữ lại công nhân sẵn có và củng cố thêm cho doanh nghiệp họ đã mua".
Bộ trưởng Sigmar Gabriel tuy vậy hẳn muốn đảm bảo an toàn về mặt chính trị ngay trước kỳ bầu cử diễn ra trong một năm nữa tại Đức. Vị lãnh đạo của đảng Dân chủ Xã hội Đức, muốn thể hiện mình như một người đảm bảo những lợi ích kinh tế cốt lõi của quốc gia.
Ông đã đề ra một kế hoạch sáu điểm trình lên chính phủ liên bang và lên các thể chế của Liên minh châu Âu (EU) để giới hạn các nhà đầu tư nước ngoài mua lại các công ty châu Âu.
Ông nêu ra lập luận là “cần phải thiết lập các công cụ để bảo vệ các công nghệ liên quan vấn đề an ninh” và kêu gọi cảnh giác trước những “doanh nghiệp có liên quan nhà nước” muốn mua lại các công ty ở châu Âu “với mục đích tiếp cận công nghệ vì các tham vọng địa chính trị”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận