Nhân viên an ninh trước nhà máy của lò mổ Tonnies đang bị cách ly - Ảnh: AP
Những ngày qua, ổ dịch tại nhà máy Tonnies, cũng là nhà máy giết mổ thịt lớn nhất ở châu Âu, đang đặt ra nhiều lo ngại về nguồn gốc lây nhiễm lẫn khả năng lây nhiễm cho sản phẩm ở đây.
Theo Hãng tin AFP, trong số 1.106 nhân viên của Tonnies đã được cho xét nghiệm, có đến 730 người được xác định bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và đã được cho cách ly lập tức.
Các ca mắc COVID-19 này được xác định ở nhà máy chế biến thịt Rheda-Wiedenbruck, tại quận Gutersloh, gần Bielefeld, do Tonnies điều hành ở tây bắc Đức.
Khoảng 7.000 người trong khu vực đang được cách ly do khả năng phơi nhiễm với virus. Tất cả các trường học và trung tâm giữ trẻ trong vùng đã bị đóng cửa cho tới kỳ nghỉ hè ngày 29-6.
Nhưng các chuyên gia cho rằng đây chỉ là "phần nổi của tảng băng" và quy mô lây nhiễm mức nào sẽ được xác định trong vài ngày tới, khi có thêm 5.350 nhân viên của công ty được xét nghiệm.
Hiện tại các nhân viên của Tonnies đang được yêu cầu cách ly trong các nhà máy mà mình đang làm việc và tiếp tục hoàn thành công việc với số thịt đã nhập vào và cần xử lý.
Đài DW cho hay, người phát ngôn của Tönnies Andre Vielstädte thông tin: "Chúng tôi chỉ biết xin lỗi". Theo người phát ngôn, doanh nghiệp đã làm việc tích cực để loại virus khỏi nhà máy.
Nhà máy cũng cho biết hiện chưa rõ liệu có nhiều cụm dịch hay không, nhưng dịch bùng phát trong bối cảnh chỉ 3-4 tuần trước kết quả xét nghiệm của nhà máy đều cho kết quả âm tính.
Tonnies cho rằng có khả năng người lao động của nhà máy, chủ yếu là lao động nhập cư từ Romania và Bulgaria, trở về nhà trong dịp cuối tuần và mang virus trở lại Đức.
Quan điểm này cũng được chính trị gia Armin Laschet - người được xem là ứng viên kế thừa Thủ tướng Angela Merkel - ủng hộ nhưng đã gặp phản ứng mạnh mẽ trong xã hội Đức. Do vậy, Armin sau đó phải rút lời.
Người dân Đức biểu tình phản đối chuyện chủ lò mổ Tonnies trục lợi dựa trên lao động nhập cư. Biểu ngữ ghi "Tonnies phải ngừng khai thác bóc lột" - Ảnh: AP
Câu chuyện ổ dịch ở lò mổ Đức đã gây ra nhiều bất an bởi có những câu hỏi về độ an toàn của các sản phẩm xuất phát từ đây.
Kế đến, nó đặt ra câu hỏi vì sao sự lây nhiễm nhiều đến vậy khi yêu cầu tuân thủ "giãn cách xã hội", đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động thời dịch đã được thông báo đến các chủ doanh nghiệp.
Tình trạng lây nhiễm nhiều ở lò mổ thuộc Tonnies đã làm lộ ra mảng tối về sử dụng lao động tại đây: người lao động nhập cư bị đối xử như công dân hạng hai, chỉ có các hợp đồng tạm thời, bị nhồi nhét vào các khu nhà ở không đảm bảo vệ sinh và đó cũng được cho là nguyên cớ gây ra sự lây lan nhanh giữa các nhân công.
Theo Viện Robert Koch của Đức, tỉ lệ lây nhiễm khắp đất nước vẫn ở mức thấp dù có bùng phát cục bộ. Khoảng 156/412 quận không ghi nhận bất kỳ ca nhiễm mới nào trong 7 ngày. Không quận nào vượt quá ngưỡng 50 ca mới/100.000 dân.
Người dân Đức biểu tình phản đối chuyện chủ lò mổ Tonnies gây ra việc đóng cửa trường học, làm rối loạn sinh hoạt của người dân trong khu vực. Biểu ngữ ghi "Tonnies kiếm lợi, còn trẻ em phải trả giá" - Ảnh: AP
Tính đến tối 20-6, theo trang https://www.worldometers.info, Đức ghi nhận thêm 43 trường hợp nhiễm virus corona trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 190.703 trường hợp; không có ca tử vong mới và tổng cộng Đức có 8.960 ca tử vong đến nay. Hiện Đức chỉ còn 376 ca nặng đang phải điều trị tích cực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận