Phóng to |
Người nước ngoài làm việc trong Công ty sản xuất game Wooga tại trụ sở chính ở Berlin. Mỗi lá cờ đại diện cho quốc tịch một nhân viên Wooga - nhà sản xuất game cho các thiết bị di động và mạng xã hội lớn thứ 3 thế giới. Hiện cờ VN chưa xuất hiện ở đây nhưng hi vọng điều đó sớm thay đổi - Ảnh: QUỐC THOẠI |
Toàn cầu hóa đang làm Đức dần mất lợi thế cạnh tranh về giá trong việc sản xuất các sản phẩm công nghiệp, do vậy Đức cần tăng hàm lượng các gói dịch vụ và giải pháp công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp cơ khí truyền thống của mình và qua đó sẽ bán được giá cao hơn. Thomas Mosch - trưởng bộ phận chính trị và doanh nghiệp của Hiệp hội CNTT, viễn thông và truyền thông mới của CHLB Đức (BITKOM) - cho biết trong một cuộc gặp với đoàn nhà báo quốc tế tại Berlin cuối tháng 4 vừa rồi.
Đơn cử như Tập đoàn Bosch - nhà sản xuất các sản phẩm cơ khí hàng đầu thế giới của Đức, đã mua một công ty CNTT đang sẵn có 1.000 nhân viên để tăng thêm nhân lực nghiên cứu cho đơn vị sẵn có của mình. Các công ty lớn khác ở Đức cũng đang có những bước đi tương tự.
Vì sao là 4.0?
Ngoài ra Bộ Kinh tế và công nghệ CHLB Đức còn không dưới 10 chương trình tương tự nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp non trẻ trong lĩnh vực CNTT - công nghệ cao, chưa kể các chương trình tương tự đặt dưới sự quản lý của Bộ Văn hóa. |
Chính quyền Berlin đã và đang rót ngân sách cho nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, và coi đây là trọng tâm của chương trình R&D cấp quốc gia trong vòng 10 năm tới.
Theo các chuyên gia Đức, ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây bao gồm cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất khởi đầu ở Anh vào thế kỷ 19 với sự ra đời của máy hơi nước, cuộc cách mạng công nghiệp ở Mỹ giữa thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 với sự ra đời của động cơ đốt trong và dây chuyền sản xuất hàng loạt. Internet được cho là đại diện cho cuộc cách mạng công nghiệp lần 3.
“Cách mạng công nghiệp 4.0” là thuật ngữ mà các đại diện chính phủ, các nhà nghiên cứu và hiệp hội các ngành công nghiệp của Đức mô tả cách thức Internet cải thiện quy trình quản lý các chu trình kỹ thuật, sản xuất, hậu cần của các ngành công nghiệp và cuộc sống trong thế kỷ 21.
Cuộc cách mạng này cung ứng những giải pháp mới trong tổ chức sản xuất công nghiệp: với hệ thống máy móc, hệ thống kho bãi và hàng hóa được kết nối thông qua mạng Internet, chúng ta có thể tạo ra hệ thống sản xuất thông minh, về cơ bản kiểm soát lẫn nhau và tự điều phối mà không cần bất kỳ sự can thiệp thủ công nào.
Đức đang học hỏi nhiều từ Mỹ - quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này. Chương trình German Silicon Valley Accelerator (tạm dịch Hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực CNTT), dưới sự quản lý của Bộ Kinh tế và công nghệ CHLB Đức, cho phép 10 doanh nghiệp mới thành lập sang San Francisco, bang California, Mỹ, trong vòng một năm. Chương trình thường niên này, được tài trợ bằng tiền ngân sách, nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trình bày ý tưởng kinh doanh để tìm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế cũng như từ Mỹ và học hỏi về công nghệ và kỹ thuật từ các công ty bản địa.
Giải pháp săn đầu người
“Tôi ước gì các phim Hollywood thay thế hình tượng các siêu anh hùng xuất thân từ giới luật sư hay dân văn phòng bằng hình tượng các kỹ sư. Thanh niên Đức, có lẽ bị ảnh hưởng từ trào lưu phim ảnh Hollywood, ngày càng ít chọn các ngành học kỹ thuật ở bậc đại học. Rất nhiều trong số họ chọn học luật hay kinh tế” - ông Thomas Mosch phàn nàn về thực tế thiếu hụt nhân lực.
Nhìn tổng quát, nền kinh tế Đức vẫn tăng trưởng tốt, tăng 2% trong năm 2012, tỉ lệ thất nghiệp thấp, nhưng Đức đang thiếu hụt trầm trọng nhân lực có trình độ và chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ cao và CNTT. Đó là nhận định của ông Harald Summa, tổng giám đốc Hiệp hội Ngành công nghiệp Internet CHLB Đức. Ông không giấu giếm: “Trong lịch sử, nước Đức phát triển chủ yếu dựa vào bộ não con người. Vấn đề bây giờ là chúng tôi đang thiếu não, và để giải quyết vấn nạn này chỉ còn cách mua những bộ não xuất sắc từ nước ngoài thôi”.
Thực tế đó đã tạo ra chuyển động nhanh trong các quyết sách chính trị. “Đức đã dần nới rộng chính sách nhập cư cho công dân ngoài khối Liên minh châu Âu, đặc biệt là đối với các chuyên viên CNTT. Thậm chí chúng tôi đã ban bố các văn bản luật liên quan từ hơn sáu tháng trước” - ông Sebastian Blumenthal, nghị sĩ kiêm chủ tịch tiểu ban truyền thông mới của Quốc hội Đức, cho biết trong cuộc gặp với đoàn nhà báo quốc tế tại văn phòng quốc hội ở Berlin.
“Những chuyên viên đầu tiên từ Nam Mỹ và Đông Âu đã đến làm việc tại Đức, mang theo cả gia đình họ. Theo quy định thì họ sẽ được ở tối đa 12 tháng, nhưng sau đó nếu họ và công ty thuê họ muốn, cơ quan nhà nước sẵn sàng xem xét cấp visa làm việc dài hạn” - ông Sebastian Blumenthal cho biết thêm. Hiện có 7 triệu người nước ngoài sống và làm việc trên nước Đức.
Người Đức vẫn đang mạnh dạn bước đi con đường của mình. Tháng 12 tới đây, trong hội nghị thượng đỉnh về CNTT lần thứ 8 diễn ra tại Hamburg, sẽ có tám cuộc làm việc cấp cao bàn về các vấn đề của công nghệ cao, trong đó có chương trình “Nền kinh tế kỹ thuật số trẻ” do ông Philipp Roesler, phó thủ tướng - bộ trưởng Bộ Kinh tế và công nghệ, khởi xướng vào tháng 1 năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận