23/10/2023 08:02 GMT+7

Dubai và 'AI trong mọi thứ'

Từ những con tàu đánh cá neo bên làng chài nhỏ, hình ảnh Dubai ngày nay được thay bằng du thuyền xa xỉ, những tòa cao ốc chọc trời và… trí tuệ nhân tạo (AI).

Sự kiện GITEX Global và Expand North Star năm 2023 tại Dubai - Ảnh: NHẬT ĐĂNG

Sự kiện GITEX Global và Expand North Star năm 2023 tại Dubai - Ảnh: NHẬT ĐĂNG

Trong suốt tuần qua, AI lại trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm tại Dubai, nơi diễn ra GITEX Global và Expand North Star, những sự kiện công nghệ và khởi nghiệp lớn nhất thế giới.

Công nghệ, về tổng thể, cần được giải phóng thay vì giới hạn và kìm kẹp.

Omar Sultan Al Olama - bộ trưởng về AI, kinh tế số và ứng dụng làm việc từ xa của UAE

Kỳ vọng kinh tế số

Năm nay, GITEX Global đón hơn 6.000 nhà triển lãm từ 180 quốc gia. Sự kiện công nghệ này là nơi trưng bày những sáng kiến và xu hướng mới nhất trong lĩnh vực AI, điện toán đám mây, web 3.0, an ninh mạng, công nghệ khí hậu, sáng kiến đô thị… Trong khi đó, Expand North Star quy tụ hơn 1.800 công ty khởi nghiệp (start-up) từ 100 quốc gia.

Hai sự kiện chính kéo dài từ ngày 15 tới 18-10 này phản ánh nỗ lực của Dubai và UAE nói chung trong việc thu hút những doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ. 

Đây là những nhân tố có thể chia sẻ và đóng góp vào việc hỗ trợ cho tham vọng phát triển nền kinh tế số của UAE và quốc tế nói chung, bao gồm tăng tốc cho sự phát triển của 30 công ty để trở thành "kỳ lân" tính tới năm 2033.

Ông Mohammad Ali Rashed Lootah, chủ tịch và giám đốc điều hành Dubai Chambers, cho biết Expand North Star mang tới cơ hội để nhìn nhận đầy đủ về tiềm năng của kinh tế số thông qua việc kết nối các tổ chức chính phủ, nhà đầu tư và các bên khác. 

Ông khẳng định nền kinh tế số UAE đang trên đường mở rộng, trong khi Dubai cũng đặt mục tiêu thu hút 300 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực số hóa tới năm 2024. 

"Hiệp hội Kinh tế số Dubai cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng số tốt nhất thế giới, đồng thời củng cố vị thế của Dubai như một trung tâm công nghệ dẫn đầu trên toàn cầu", ông Lootah nói trong phát biểu khai mạc Expand North Star vào ngày 15-10.

Dữ liệu kinh tế mới nhất về tăng trưởng nửa đầu năm 2023 của Dubai vừa công bố tuần trước cho thấy các ngành truyền thống vẫn chiếm tỉ trọng cao. 

Cụ thể, Dubai ghi nhận tăng trưởng 3,2% trong sáu tháng qua so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó kho và vận tải vẫn áp đảo với 42,8%, và thương mại xếp sau với 12,9%.

Tuy nhiên, lãnh đạo Dubai và UAE nói chung đã lên kế hoạch tăng cường đóng góp của kinh tế số vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP). 

Đầu năm nay, Dubai đã ra mắt kế hoạch Chương trình kinh tế Dubai (D33), đưa kinh tế số vào trọng tâm chiến lược phát triển của tiểu vương quốc này. Một trong những mục tiêu then chốt của D33 là tạo ra đóng góp kinh tế hằng năm 27 tỉ USD từ các dự án chuyển đổi số. 

"Chúng tôi đang nỗ lực hướng tới việc đạt được mục tiêu tham vọng của D33, nhằm tăng gấp đôi đóng góp của kinh tế số vào GDP trong 10 năm tới" - ông Lootah nói, đồng thời nhấn nhá một cách thú vị rằng: "Liệu các bạn có sẵn lòng bỏ lỡ việc tham gia cùng hành trình của Dubai trong việc trở thành kinh đô khởi nghiệp của thế giới không?".

Cởi mở với AI

Là một trong những tiểu vương quốc thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Dubai đang đi đầu trong lĩnh vực công nghệ không chỉ ở UAE. 

Hình ảnh một Dubai làng chài với những con tàu đánh cá nhỏ ngày nay đã được thay bằng du thuyền bên những tòa nhà cao tầng. Đằng sau sự chuyển mình của tiểu vương quốc này là một câu chuyện thú vị về sự thay đổi trong cách tiếp cận với công nghệ mới.

Ông Omar Sultan Al Olama - bộ trưởng về AI, kinh tế số và ứng dụng làm việc từ xa - cũng thể hiện sự cởi mở với công nghệ và vấn đề quản lý AI. Trong cuộc trao đổi với phóng viên ngày 17-10, ông Al Olama đã dành thời gian bàn về sự phát triển của AI và vai trò của AI trong đời sống.

Năm nay, GITEX Global lấy chủ đề "Một năm để mường tượng AI trong mọi thứ". Tuy nhiên, vẫn có nhiều lo ngại về sự nguy hiểm của AI cũng như khó khăn trong khâu quản lý. 

Theo ông Al Olama, sẽ không có một "mô hình chuẩn" nào về mặt quản lý đối với AI, vì trước hết "mô hình chuẩn" chỉ có thể là một mô hình mà chính phủ và người dân tại quốc gia đó đồng thuận.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng các nỗ lực của Dubai và UAE nói chung xuất phát từ sự cởi mở, và sự cởi mở này được nảy sinh từ một bài học đau thương trong quá khứ.

Ông kể câu chuyện về việc Trung Đông, từ năm 813 tới 1515 từng xuất khẩu khoa học, công nghệ, phát minh và kinh tế ra thế giới. Đó là những năm tháng vàng son mà Trung Đông sau đó đánh mất và thụt lùi. 

Nguyên nhân dẫn tới sự thụt lùi ấy là việc Trung Đông từng bảo thủ, thể hiện qua câu chuyện về việc cấm in ấn gần 200 năm thay vì tận dụng phát minh đột phá về ngành in ấn của Johannes Gutenberg những năm 1400.

"Chúng tôi không muốn lặp lại sai lầm ấy. Vì vậy chúng tôi chỉ quản lý (AI) vừa đủ để đảm bảo rằng cuộc sống và sinh kế của con người không bị ảnh hưởng… Sẽ có những điều tốt mà chúng ta cần tăng tốc, có những mặt xấu mà các chính phủ cần hành động", ông nói.

UAE là đối tác hàng đầu của Việt Nam

Bộ trưởng AI của UAE Omar Sultan Al Olama tới thăm GITEX Global và Expand North Star vào ngày 17-10 - Ảnh: NHẬT ĐĂNG

Bộ trưởng AI của UAE Omar Sultan Al Olama tới thăm GITEX Global và Expand North Star vào ngày 17-10 - Ảnh: NHẬT ĐĂNG

UAE là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong khu vực Trung Đông. Ngược lại, Việt Nam là đối tác hàng đầu của UAE tại Đông Nam Á và nằm trong tốp 10 đối tác nhập khẩu lớn nhất của nước này.

Nếu không tính các giao dịch dầu mỏ, thương mại Việt Nam - UAE đạt 8 tỉ USD năm ngoái. Hiện nay hai nước cũng nỗ lực tiến tới đàm phán ký kết thỏa thuận Đối tác kinh tế toàn diện.

Trả lời Tuổi Trẻ ngày 17-10 về cách UAE và Việt Nam có thể hợp tác trong kinh tế số, Bộ trưởng Al Olama nhấn mạnh tầm quan trọng của tầm nhìn.

Ông lấy ví dụ từ chính UAE, một quốc gia có quy mô dân số nhỏ nhưng lại kết nối và trở thành đối tác thương mại lớn của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới: "Làm thế nào một quốc gia có 10 triệu dân lại trở thành đối tác thương mại quan trọng như vậy?

Đó là bởi chúng tôi không phải là một thị trường địa phương, không phải một nhân tố địa phương. Chúng tôi là quốc gia đại diện cho một khu vực rộng lớn hơn. Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa công ty của các bạn tiếp cận với một khu vực có 3 tỉ dân.

Và để làm được điều đó, bạn không cần đầu tư lặp đi lặp lại ở 10 thị trường khác nhau. Khi xây dựng quan hệ đối tác với UAE, bạn sẽ tiếp cận 10, 20, 50 thị trường. Tôi cho rằng đó là sức mạnh của chúng tôi trên tư thế một quốc gia".

"Đó là những gì chúng tôi đang dồn tâm huyết. Vì vậy dù đó là Việt Nam, Ấn Độ, dù là Singapore, Trung Quốc hay bất kỳ ai, chúng tôi cũng muốn mang tới nhiều giá trị chung hơn", ông nói.

Hôm 20-10, trong khuôn khổ chuyến thăm Saudi Arabia và tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn các quỹ đầu tư của UAE tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn.

Người Nga chiếm lĩnh thị trường bất động sản Dubai "như cơn bão"Người Nga chiếm lĩnh thị trường bất động sản Dubai 'như cơn bão'

Các lệnh trừng phạt khiến công dân Nga ngừng đầu tư vào các nước phương Tây và họ đang đứng đầu danh sách mua bất động sản tại Dubai.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp