24/04/2021 14:45 GMT+7

Đua xe trái phép: cần xử như 'đại án'

MẬU TRƯỜNG - HOÀI THƯƠNG - CHÍ HẠNH - ĐOÀN CƯỜNG
MẬU TRƯỜNG - HOÀI THƯƠNG - CHÍ HẠNH - ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Rất nhiều ý kiến cho rằng để ngăn nạn đua xe trái phép bùng phát, cần phải xử thật mạnh như 'đại án' để có tác dụng răn đe không chỉ cho người đua xe và cả phụ huynh có con em đua xe.

Đua xe trái phép: cần xử như đại án - Ảnh 1.

Hàng trăm thanh niên chặn xe trên quốc lộ để đua xe trái phép và một số “quái xế” bị công an bắt giữ - Ảnh: N.KHẢI

Ngày 23-4, tại Tiền Giang đã diễn ra hội nghị "Sơ kết công tác phối hợp phòng chống đua xe trái phép trên địa bàn giáp ranh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL". Các báo cáo tại hội nghị cho thấy tình trạng đua xe trái phép diễn ra hết sức nhức nhối ở khắp các tỉnh đồng bằng.

Chặn quốc lộ làm đường đua

Theo báo cáo của Công an tỉnh Vĩnh Long, từ giữa tháng 12-2020 đến giữa tháng 4-2021 lực lượng công an tỉnh này đã phát hiện 26 nhóm thanh thiếu niên tụ tập đua xe, cổ vũ đua xe trái phép với trên 1.000 phương tiện và hơn 1.400 người tham gia. 

Một cán bộ Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết: "Trước đây, có thời điểm khi đơn vị tiến hành vây bắt, ngăn chặn đua xe trái phép trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Long Hồ còn bị "quái xế" tông vỡ đầu xe tuần tra. Khi cảnh sát giao thông đưa người này đi cấp cứu còn bị đồng bọn quay clip tung lên mạng vu vạ rằng cảnh sát giao thông tông người rồi bỏ chạy".

Thượng tá Nguyễn Văn Dũng - trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tiền Giang - cũng thừa nhận tình hình đua xe trong thời gian qua diễn biến phức tạp. Đặc biệt trong quý 1, trên quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Tiền Giang, các đối tượng đua xe đã chặn đường để đua xe vài lần. 

Theo thượng tá Nguyễn Văn Tuấn - phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tiền Giang, phương thức, thủ đoạn của các nhóm đua xe trái phép ngày càng tinh vi nên việc bắt giữ, xử lý gặp khó khăn. 

Các đối tượng đua xe thường thông qua các ứng dụng mạng xã hội để kêu gọi tụ tập thành từng nhóm nhỏ, không theo quy luật, có thể tụ tập bất kỳ đêm nào trong tuần, phóng nhanh, lạng lách với các nhóm từ 30 - 50 xe và có những nhóm trên 100 xe. 

Những xe đua trái phép là xe biển số giả, che biển số hoặc không biển số khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xác minh, xử lý.

Đua xe trái phép: cần xử như đại án - Ảnh 2.

Hàng trăm xe máy cùng 90 thanh thiếu niên bị cảnh sát bắt giữ khi tổ chức đua xe trái phép - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Cảnh sát giao thông bàn cách trị "quái xế"

Mới đây Công an thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) đã khởi tố vụ án, bắt 11 bị can tham gia vụ đua xe trái phép náo động trên quốc lộ 1 để điều tra hành vi tổ chức đua xe trái phép và gây rối trật tự công cộng. Đây là lần đầu tiên một vụ đua xe trái phép bị cơ quan công an tỉnh này khởi tố điều tra.

Trong khi đó, theo trung tá Lê Thắng Lợi - phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh An Giang, các vụ đua xe trên địa bàn tỉnh chủ yếu chỉ bị xử lý hành chính chứ rất khó để khởi tố. 

"Việc xử lý hình sự gặp rất nhiều khó khăn dù các đối tượng này đã thừa nhận hành vi của mình. Vì để xác định hành vi đua xe trái phép thì buộc phải làm rõ cuộc đua đó phải có trọng tài, thời điểm xuất phát, thời điểm kết thúc cuộc đua" - trung tá Lê Thắng Lợi nói.

Thượng tá Thái Viết Vũ - trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Tháp - cho rằng tỉnh Đồng Tháp chủ trương phòng ngừa là chính. Các trường hợp bị bắt và xử lý hành chính về hành vi đua xe trái phép, cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng phối hợp với gia đình để tuyên truyền, giáo dục. 

"Các đối tượng này hoạt động chủ yếu dựa vào các hội, nhóm kín. Do đó thời gian tới cần có sự phối hợp giữa lực lượng cảnh sát giao thông và an ninh để xử lý" - ông Vũ nói.

Mặt khác, theo một lãnh đạo cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hậu Giang, có tình trạng các đối tượng tổ chức đua xe tại nhiều địa phương, khi bị xử lý lần thứ nhất tại tỉnh này thì chuyển qua địa phương khác để đua. 

"Nếu như có bị bắt và bị xử lý hành chính thì vẫn là lần đầu vì giữa các địa phương chưa có sự liên thông với nhau. Do đó, cần có sự liên thông giữa các địa phương để xác định hành vi tái phạm của đối tượng đua xe trái phép mới có thể xử lý hình sự" - vị này nói.

Đua xe trái phép: cần xử như đại án - Ảnh 3.

“Quái xế” chặn xe đoạn đường Khu công nghệ cao TP.HCM đua xe rạng sáng 19-3 - Ảnh: T.D.

Cả nước khởi tố 15 vụ đua xe trái phép

Tại hội nghị, trung tá Phạm Đức Đông - phó trưởng Phòng 8 Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an - cho biết trong năm qua cả nước đã khởi tố 15 vụ đua xe trái phép và xử lý hành chính hàng trăm vụ.

Theo ông Đông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đua xe trái phép rộ lên trong thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Khi thực hiện giãn cách xã hội, đường sá trống hơn trước nên các đối tượng đua xe trái phép đã hoạt động mạnh. 

Bên cạnh đó, kinh tế phát triển, hầu như gia đình nào cũng có một vài chiếc xe máy trong nhà cùng với việc quản lý con cái không chặt chẽ, không có sự giáo dục khiến nạn đua xe rộ lên.

Trung tá Phạm Đức Đông đề nghị các tỉnh, thành ĐBSCL xem xét xử lý hình sự những đối tượng đua xe trái phép khi đủ điều kiện và lấy đó làm kinh nghiệm xử lý những vụ việc tương tự.

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội):

Cần xử lý hình sự theo thủ tục rút gọn

Ý thức pháp luật của một bộ phận tổ chức đua xe, đua xe trái phép rất kém làm mất trật tự, an toàn xã hội. Hành vi vi phạm pháp luật này hiện nay đã có công cụ để điều chỉnh.

Cụ thể, nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về hành vi, hình thức, mức độ xử phạt từng hành vi đua xe trái phép, tổ chức đua xe...

Mặt khác, Bộ luật hình sự cũng quy định tội tổ chức đua xe trái phép, đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng. Như vậy chúng ta có đủ công cụ pháp luật điều chỉnh và chế tài không phải không nghiêm khắc.

Lấy ví dụ hành vi đua xe trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất là 15 năm tù. Không cần sửa luật, vấn đề là cơ quan chức năng phải quyết liệt, có giải pháp mạnh tay bắt được những đối tượng vi phạm để xử nghiêm.

Theo tôi, cần thiết phải xử theo thủ tục rút gọn quy định trong Bộ luật hình sự để xử lý nhanh người sai phạm. Nếu theo thủ tục tố tụng bình thường thì vụ án kéo dài hàng tháng. Thậm chí có những vụ phải xử điểm công khai để răn đe, tuyên truyền ý thức pháp luật cho những người khác.

TIẾN LONG ghi

Trị nghiêm "quái xế", kiên quyết xử lý lò "độ" xe

Thượng tá Trần Nguyễn Phương - phó Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM - cho biết mặc dù đã quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống đua xe trái phép nhưng tình trạng này vẫn phức tạp. Các đối tượng đua xe trái phép với các thủ đoạn tinh vi nhằm tránh lực lượng chức năng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự.

Nguyên nhân là do một bộ phận thanh thiếu niên có ý thức chấp hành pháp luật kém, manh động, cộng với tâm lý lứa tuổi vị thành niên thích cảm giác mạo hiểm, thích thể hiện mình, chứng tỏ bản thân qua việc đua xe.

Các nhóm này sẵn sàng cắt cử người đi khảo sát tình hình xem có lực lượng chức năng hay không trước khi tụ tập, nên việc phát hiện và xử lý các nhóm thanh thiếu niên tụ tập còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe.

Theo thượng tá Phương, thời gian tới Phòng cảnh sát giao thông sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, nắm bắt tình hình và kiên quyết xử lý các lò "độ" xe cho "quái xế".

Thời gian gần đây "quái xế" thường sử dụng mạng xã hội để hẹn hò, lôi kéo tụ tập đua xe nên cảnh sát giao thông tăng cường sử dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống đua xe. Đặc biệt, tới đây nếu có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố, xử lý hình sự để răn đe.

MINH HÒA

Đà Nẵng: chặn từ trong "trứng"!

Đua xe trái phép: cần xử như đại án - Ảnh 6.

Cảnh sát 911 - Công an Đà Nẵng thường xuyên hoạt động, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, trong đó có biểu hiện đua xe - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Gần 15 năm trước, nạn đua xe trái phép nở rộ ở Đà Nẵng. Những đêm cuối tuần có đến gần 1.000 "quái xế" tham gia đua xe. Cuối năm 2005, lần đầu tiên trên cả nước, Công an Đà Nẵng đã thành lập đội tuần tra kiểm soát chống đua xe với quyết tâm lập lại trật tự.

Đại tá Lê Ngọc - nguyên trưởng Phòng CSGT Đà Nẵng - cho biết đội tuần tra kiểm soát chống đua xe gồm 14 cán bộ, chiến sĩ do ông làm đội trưởng (khi đó là thiếu tá), trực chiến 24/24 giờ. Chỉ trong 2 tháng triển khai, đội đã xử lý 800 trường hợp vi phạm, tạm giữ 700 xe máy.

Việc tịch thu xe đua trái phép được Đà Nẵng áp dụng triệt để. Những xe không có giấy tờ hoặc gửi giấy mời nhiều lần theo quy định nhưng chủ xe không đến, chủ xe bị phạt nặng nên bỏ xe đều bị tịch thu, sung công bán đấu giá.

Theo đại tá Lê Ngọc, Đà Nẵng xử được nạn đua xe trái phép là nhờ chủ trương đúng đắn và quyết liệt của lãnh đạo TP. 

Ngoài ra, TP cũng có những chính sách động viên kịp thời, bắt được trường hợp đua xe trái phép nào là lực lượng làm nhiệm vụ được khen thưởng ngay nên kích thích sự năng động, hăng hái của anh em cảnh sát. Nhờ đó, nhiều năm liền nạn đua xe trái phép hầu như vắng bóng tại Đà Nẵng.

Thời gian qua tại Đà Nẵng, một số nhóm manh nha tụ tập lạng lách, đánh võng, nẹt pô... đều bị chặn bắt, xử lý. Đại tá Phan Ngọc Truyền - trưởng Phòng CSGT Công an Đà Nẵng - cho biết Công an TP và Phòng CSGT đều mở kênh tiếp nhận thông tin trên Facebook, kết nối với các trang Facebook của người dân. 

CSGT khai thác triệt để thông tin trên mạng xã hội, báo chí và chủ động xử lý khi phát hiện mầm mống đua xe. Ngoài ra, khi người dân nghi có tụ tập đua xe, gọi điện hoặc phản ảnh trực tiếp đều được tiếp nhận, xử lý hiệu quả và có phản hồi cho người dân biết. 

"Đây là sức mạnh của toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại Đà Nẵng" - đại tá Truyền nhận định.

Theo đại tá Truyền, Phòng CSGT đã tham mưu giám đốc Công an TP phân cấp cho mỗi địa phương, lực lượng CSGT quận huyện quản lý bao nhiêu tuyến, đường. Khi ngoài tầm thì có lực lượng của Công an TP chi viện. Cấp TP có tổ công tác cảnh sát 91, cảnh sát trật tự, CSGT thường xuyên tuần tra, kiểm soát phủ kín địa bàn. 

"Các biểu hiện tụ tập đông người, chạy xe thành đoàn, nẹt pô, lạng lách, đánh võng... đều bị xử lý rốt ráo. Còn hành vi nhen nhóm đua xe đều bị bóp chết từ trong trứng nước" - đại tá Truyền khẳng định.

7 "quái xế" lãnh án sau khi và chạm khiến 2 CSGT chết

Hơn một năm trước, ngày 27-7-2020, TAND quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đã tuyên phạt 7 bị cáo tổng cộng 22 năm 6 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng trong vụ tụ tập chạy xe với tốc độ cao khiến 2 CSGT Đặng Thanh Tuấn và Võ Văn Toàn trong lúc ngăn chặn đã bị nạn, hi sinh.

Theo cáo trạng, tối 2-4-2020, các bị cáo lái xe tốc độ 60 - 100km/h, lạng lách, đánh võng, bấm còi, nẹt pô, la hét, vượt đèn đỏ. Công an quận Sơn Trà nhận tin báo của trung tâm chỉ huy tiến hành truy đuổi. Các chiến sĩ công an bật đèn, còi báo hiệu và yêu cầu dừng xe nhưng các "quái xế" không chấp hành.

Quá trình truy đuổi, xe của 2 cảnh sát xảy ra va chạm với xe của các quái xế khiến 2 CSGT Đặng Thanh Tuấn và Võ Văn Toàn hi sinh.

Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đăng An 5 năm tù, Lê Ngọc Cường 2 năm 6 tháng tù, Nguyễn Đình Hoàn 4 năm tù, Phạm Hồng Thái 2 năm tù và các bị cáo Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Giang, Nguyễn Văn Vinh mỗi người 3 năm tù.

Các nước xử đua xe trái phép ra sao?

Một đạo luật vừa được đề xuất trong tháng 4-2021 tại Singapore đưa ra mức phạt rất nặng. Theo đó, người vi phạm lần đầu có thể bị phạt tù đến 1 năm và tiền phạt gần 3.800 USD (hơn gấp đôi quy định cũ), nếu tái phạm sẽ bị phạt đến 2 năm tù và 7.600 USD.

Quy định này đưa ra sau khi 26 người bị phạt vì đua xe trong năm 2020, trong khi từ năm 2015 - 2019 chỉ có 17 trường hợp. Cảnh sát đảo quốc này chỉ cần ghi hình hành vi đua xe mà không cần kiểm tra tốc độ, theo Channel News Asia.

Thái Lan cũng đau đầu với nạn đua xe gia tăng sau khi chính phủ nới lỏng các biện pháp chống dịch COVID-19. Chỉ trong 11 ngày sau khi bỏ giới nghiêm hồi tháng 6-2020, cảnh sát đã bắt 5.600 tay đua.

Nhiều chuyên gia Thái Lan đã đề xuất xử lý cả những nơi độ xe để đua, chủ xe, giáo dục thanh niên và khuyến cáo cha mẹ quản lý con cái khi mua xe máy cho con.

Tại Malaysia, kể từ tháng 7-2020 chính quyền nước này tuyên bố sẽ cân nhắc áp dụng Luật ngăn chặn tội phạm, nhắm vào những người tổ chức đua xe. Theo đó, người tổ chức đua xe trái phép có thể bị đưa vào các khu cách ly, trong khi những người tham gia đua xe sẽ bị lưu dấu trong hệ thống của cảnh sát và có thể ảnh hưởng đến xin việc làm sau này.

Trong khi đó, Quốc hội Philippines cuối năm ngoái cũng đưa ra luật cấm đua xe trên mọi con đường công cộng với mức phạt tối đa 10.000 USD và 1 năm tù.

NGÔ HẠNH

UBND TP.HCM yêu cầu lên phương án ngăn đua xe trái phép dịp lễ 30-4, 1-5 UBND TP.HCM yêu cầu lên phương án ngăn đua xe trái phép dịp lễ 30-4, 1-5

TTO - Ủy ban nhân dân TP.HCM có văn bản yêu cầu các đơn vị thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp lễ 30-4 và 1-5 này.

MẬU TRƯỜNG - HOÀI THƯƠNG - CHÍ HẠNH - ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp