Học sinh xem hình ảnh về các hành vi ứng xử trong xã hội tại khuôn viên trường - Ảnh: Thanh Ba |
Đó là kết quả của việc đưa đề án “Hội An nhân tình thuần hậu” vào trường học do Phòng giáo dục và Trung tâm Văn hóa - thể thao & du lịch TP Hội An phối hợp triển khai.
Giờ học đặc biệt
Không báo cáo xếp loại vị thứ từng lớp, không xử phạt học sinh vi phạm và chỉ tổ chức nghi thức chào cờ, hát Quốc ca. Đó là những điều lạ trong buổi chào cờ đầu tuần vừa diễn ra tại Trường THCS Kim Đồng (phường Sơn Phong).
Hàng trăm học sinh 4 khối xếp thành hàng dài vây chật kín không gian sân trường. Hết thảy đều hướng mắt về dàn máy chiếu khổ lớn, nơi sắp sửa bắt đầu tiết học ngoại khóa đặc biệt thay cho buổi chào cờ thường tuần. Âm thanh du dương, nhẹ nhàng cùng dòng chữ to tướng “Xin giữ chút tình thơm thảo” chạy lách cách trên màn hình ngay lập tức thu hút sự tò mò của đám học trò phố cổ.
15 phút chăm chú dõi theo thước phim ngắn, ghi lại những cảnh rất đời thường mà ở đâu đó trên những con phố thân quen của Hội An, các em đã chứng kiến tận mắt. Ví như phân đoạn mô phỏng một đám tang đi qua giữa dòng người đông đúc, tất cả mọi người đang tham gia giao thông bỗng dừng lại ngả mũ cúi chào; hay chứng kiến bà lão loay hoay tìm cách băng qua đường, một bạn nhỏ đã nhanh nhảu nắm tay nâng bước cụ bà... Tất tần tật được chuyển tải sinh động bằng trực quan nhằm giúp học sinh dễ dàng cảm thụ.
Xuyên suốt khung thời lượng trình chiếu clip, ánh mắt cô Phan Thị Liên (phó hiệu trưởng nhà trường) dường như không rời khỏi màn hình.
Gương mặt biểu lộ sự hài lòng, cô Liên tấm tắc: “Thực ra những hành vi ứng xử, bài học đạo đức trên đã được thầy cô giáo dục các em từ hồi mới cắp sách tới trường. Thế nhưng việc truyền đạt nhờ hình ảnh trực quan thế này sẽ thuyết phục hơn rất nhiều so với đứng lớp dẫn dắt bằng lý thuyết chay.
Với tiết học ngoại khóa lần đầu tiên tổ chức này, tôi nghĩ đã góp phần rất lớn giúp học sinh thay đổi nhận thức, từ đó điều chỉnh hành vi ứng xử của bản thân trong đời sống hằng ngày”.
Phổ biến cho học sinh toàn thành phố
Đề cập đến việc phổ biến đề án vào các đơn vị trường học, ông Nguyễn Đức Minh (chủ biên đề án) cho biết: “Năm 2013, trước thực trạng văn hóa Hội An bị lấn át bởi yếu tố ngoại sinh do bên ngoài du nhập, chính quyền TP đã đặt ra nhiệm vụ “đánh bóng” lại các giá trị văn hóa đánh mất, nhất là văn hóa ứng xử.
Ngay lập tức, tôi cùng các cộng sự đã bắt tay xây dựng đề án, tập trung vào 4 mối quan hệ ứng xử: ứng xử giữa cá nhân với chính mình, ứng xử giữa cá nhân với cá nhân khác, ứng xử giữa cá nhân với gia đình và ứng xử giữa cá nhân với xã hội.
Từ đó, tổ đề án triển khai thành 10 điều thuộc 3 nhóm. Tất nhiên, học sinh chính là đối tượng nòng cốt cần phổ biến nếu muốn các giá trị văn hóa mà chúng tôi ra sức xây dựng thực sự lan tỏa trong cộng đồng”.
Trao đổi về kế hoạch trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Dung (trưởng Phòng giáo dục TP Hội An) cho hay: “Với những thành công bước đầu, phòng giáo dục dự kiến phổ biến nội dung đề án “Hội An nhân tình thuần hậu” cho tất cả 41 trường học với hơn 17.000 học sinh trên toàn thành phố”.
Không chỉ giới thiệu clip, các cán bộ của hai đơn vị phối hợp triển khai đề án “Hội An nhân tình thuần hậu” còn đan xen chương trình giao lưu với học sinh. Hàng loạt hình ảnh sưu tầm, tập hợp trong khoảng thời gian dài về các hành vi ứng xử trong xã hội đã được ban tổ chức giới thiệu, hỏi đáp các bạn nhỏ, qua đó góp phần tạo nên bầu không khí vô cùng sôi nổi. Đó là tập hợp hình ảnh ở phố cổ “Hội An đẹp và chưa đẹp”: vứt rác bừa bãi, phóng xe nhanh qua đám tang, buôn bán lấn chiếm vỉa hè gây nhếch nhác... “Trước đây có rất nhiều hành vi ứng xử cho đúng chuẩn mực đạo đức mà em thấy rất mơ hồ thì nay đã được bổ sung, giải đáp. Em cảm thấy giờ học rất thú vị và nghĩ mình đã được trang bị thêm rất nhiều bài học đạo đức để hoàn thiện bản thân” - em Nguyễn Nhật Uyên (lớp 7) vui vẻ chia sẻ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận