13/01/2016 14:00 GMT+7

Đưa tiền thưởng tết vào lương có nên không?

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - TS Nguyễn Ngọc Điện cho rằng sẽ tốt hơn nếu tiền thưởng tết được nhập vào tiền lương và chi trả cho người lao động trong những ngày bình thường. Bạn có đồng tình với ý kiến này? Mời bạn cùng tham gia bàn luận.

Chị Triệu Thị Hoa (trái, quê Thái Nguyên) - công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM - cho biết nghe nói công ty thưởng tết năm nay không bao nhiêu và chỉ thưởng cho những người gắn bó lâu năm. Vì mới đi làm được gần một năm nên chị không có trong danh sách thưởng tết phải đi phụ bán quần áo kiếm thêm tiền về quê ăn tết - Ảnh: Hữu Khoa
Chị Triệu Thị Hoa (trái, quê Thái Nguyên) - công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM - cho biết nghe nói công ty thưởng tết năm nay không bao nhiêu và chỉ thưởng cho những người gắn bó lâu năm. Vì mới đi làm được gần một năm nên chị không có trong danh sách thưởng tết phải đi phụ bán quần áo kiếm thêm tiền về quê ăn tết - Ảnh: Hữu Khoa

Không biết từ lúc nào đã thành lệ, cứ vào dịp tết lại rộ lên chuyện thưởng. Người làm công ăn lương, kẻ nhiều người ít, nhận được một số tiền mang tính chất bổ trợ vào thu nhập bình thường, gọi nôm na là tiền ăn tết.

Có thưởng, giá cả lại tăng

Với những người nhận thưởng đến sáu, bảy trăm triệu đồng cho một cái tết thì có thể thưởng tết cũng chỉ là một khoản thu nhập bất thường, làm gia tăng của cải tích lũy. Thưởng to thì hẳn trong những ngày thường doanh nghiệp cũng đã trả lương cao, người nhận thưởng vốn đã sống khỏe và không cần dựa vào tiền thưởng để ăn tết.

Trái lại, đối với người lao động có thu nhập từ mức trung bình trở xuống, tiền thưởng tết thật sự là chìa khóa mở cánh cửa đón xuân. Họ mong đợi nhận được số tiền này và thường đã hoạch định trước phương án sử dụng.

Có thể chỉ đơn giản là dùng tiền mua thức ăn dự trữ, sắm ít quần áo mới, đồ đạc trang hoàng nhà cửa; có người dùng tiền đi chơi một chuyến; người thì trích được một ít tiền gửi về quê cho cha mẹ nghèo; người khác nhờ đó trả bớt nợ nần...

Vấn đề là ở tầm vĩ mô, việc thưởng tết có tác dụng làm tăng lên một cách đột biến và đáng kể lượng tiền mặt lưu thông trong dân cư. Ngày thường chỉ có tiền lương, ngày tết thì ngoài lương còn có tiền thưởng. Theo đúng các quy luật của thị trường, một khi tiền xuất hiện nhiều hơn trong lưu thông so với hàng hóa thì hàng sẽ tăng giá.

Năm nào giá cả mọi thứ cũng tăng vọt vào dịp tết, đặc biệt là sản phẩm tiêu dùng trong sinh hoạt hằng ngày và dịch vụ vận chuyển, ăn uống, vui chơi giải trí. Có thêm tiền nhưng người lao động lại phải chi trả ở mức cao hơn so với ngày thường.

Rốt cuộc, tiền thưởng tết có thể không giữ được vai trò thu nhập tăng cường cho người lao động như mong đợi, mà lại mang ý nghĩa trợ cấp nhiều hơn, để giúp người ta trụ được giữa đợt dông bão tăng giá bất thường và trong điều kiện có nhiều nhu cầu chi tiêu hơn, do tết.

Tránh đột ngột, ồn ào

Các khoản tiền thưởng mà người lao động nhận được ngoài lương chính thức, đặc biệt là thưởng tết, chỉ thật sự có ý nghĩa một khi nó giúp cải thiện năng lực ngân sách và khả năng chi tiêu của cá nhân, gia đình.

Muốn đồng tiền giữ được sức mua ổn định, một trong những điều kiện cần là nó không xuất hiện trong lưu thông ở một thời điểm nào đó với khối lượng quá lớn, bởi vậy sẽ tốt hơn nếu tiền thưởng tết được nhập vào tiền lương và chi trả cho người lao động trong những điều kiện bình thường, không đột ngột, ồn ào.

Ở nhiều nước tiên tiến, không có chuyện thưởng nhân dịp Noel và Tết dương lịch. Thu nhập của người lao động trên nguyên tắc được thanh toán theo các thỏa thuận đã ghi nhận trong hợp đồng lao động, nghĩa là ổn định suốt năm.

Tự người được trả lương phải xây dựng kế hoạch chi tiêu dựa vào thu nhập, để đến những ngày lễ hội, người ta có đủ khả năng tài chính để đáp ứng các nhu cầu đặc thù chỉ phát sinh vào những dịp đó.

Trong khi tiền bạc vẫn chỉ đến với người ta theo nhịp điệu bình thường, vào những ngày cuối năm, các trung tâm mua sắm lại thường mở cửa sớm vào cả thứ bảy, chủ nhật và đóng cửa rất muộn, với nguồn hàng rất dồi dào đa dạng, bởi vậy thường xuất hiện một xu hướng giảm giá mạnh mẽ để kích thích chi tiêu.

Người tiêu dùng được hưởng lợi nhờ mua được hàng giá rẻ. Hàng bán được nhanh và nhờ đó giảm được áp lực phí lưu kho, bảo quản đối với nhà sản xuất, phân phối, đồng thời giúp họ thu hồi vốn nhanh để quay vòng tiếp.

Giá hạ nhưng nhờ bán được nhiều, số lợi nhuận tuyệt đối cũng không giảm, thậm chí còn tăng. Rốt cuộc, mọi người đều có thể có được những niềm vui cho mình trong những ngày tiễn năm cũ và đón năm mới.

Thưởng tết không phụ thuộc lợi nhuận

Các cơ quan quản lý về lao động và tổ chức đại diện tập thể lao động luôn nhắc nhở doanh nghiệp sớm công bố tình hình lương, thưởng và lịch nghỉ tết để người lao động yên tâm làm việc nhưng vì nhiều lý do khác nhau, nhiều người lao động vẫn không thể biết chính xác khoản thưởng mình sẽ có cho đến khi thực nhận.

Và hệ quả là những ngày cận Tết Nguyên đán tàu xe chen chúc, sức tiêu thụ hàng hóa phập phồng phụ thuộc tình hình phát thưởng của các công ty; đã có những giọt nước mắt lặng thầm hay các cuộc điện thoại xót xa vì đến ngày cuối năm không đủ chi phí về quê...

Theo pháp luật lao động, tiền thưởng tết nói riêng và các khoản thưởng khác do “người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm...”.

Nếu có số liệu thống kê của các năm trước về lý do những doanh nghiệp không có tiền thưởng tết hoặc chỉ thưởng mang tính tượng trưng thì câu trả lời là “công ty gặp khó khăn trong kinh doanh, công ty không có lợi nhuận”.

Tuy nhiên, thưởng tết của doanh nghiệp không hoàn toàn phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có lợi nhuận hay không mà chủ yếu do doanh nghiệp có kế hoạch tài chính dành cho việc chi thưởng hay không.

Thực tế cho thấy những doanh nghiệp mới đi vào hoạt động hoặc những doanh nghiệp hoạt động nhiều năm nhưng chưa có lợi nhuận vẫn phát thưởng cho người lao động vì khoản tiền thưởng này đã được thỏa thuận và hạch toán vào chi phí.

Đối chiếu với các quy định thuế hiện hành, để các khoản tiền thưởng, hỗ trợ ngày lễ, tết được tính vào chi phí được trừ, khoản chi đó phải được ghi ở một trong những văn bản sau của doanh nghiệp: hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế tài chính, quy chế thưởng.

Nếu doanh nghiệp thực hiện đúng quy định này, người lao động mặc nhiên được biết các khoản thưởng và phương pháp tính thưởng của doanh nghiệp vì đã thể hiện rõ trong các văn bản nêu trên.

Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp, một trong những loại văn bản có tên gọi như trên vẫn tồn tại nhưng không được công khai cho người lao động mà chỉ để xuất trình khi cơ quan thuế yêu cầu vì thực chất văn bản này được ký sau khi phát thưởng nhằm “hợp thức hóa” khoản thưởng đã chi.

Nghị định 60/2013/NĐ-CP về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đã quy định rõ những nội dung người sử dụng lao động phải công khai (điều 5) và những nội dung người lao động kiểm tra, giám sát (điều 9) trong đó có “kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.

Nếu các doanh nghiệp thực hiện đúng tinh thần của nghị định này thì người lao động sẽ hiểu rõ thực trạng hoạt động của doanh nghiệp và có sự đồng cảm, chia sẻ trước những quyết định về mức lương, thưởng nói chung.

SONG PHƯƠNG (Đồng Nai)

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp