15/02/2017 08:14 GMT+7

Sẽ xem lại mức kỷ luật sinh viên đưa giáo trình photo vào trường

TRẦN HUỲNH - TÂM LỤA
TRẦN HUỲNH - TÂM LỤA

TTO - Đó là ý kiến của GS.TS Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM chiều 14-2, khi trao đổi với Tuổi Trẻ. Bà Quỳ cho biết có thể là giảm thời gian đình chỉ học còn một học kỳ.

minh hoa 14-2

Những ngày qua, việc một sinh viên của Trường ĐH Luật TP.HCM bị đình chỉ học tập vì mang nhiều cuốn tài liệu photo vào trường đang gây ra các ý kiến tranh luận trái chiều.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình với Trường ĐH Luật TP.HCM vì sinh viên học ngành luật phải tuân thủ pháp luật, cũng có nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng quyết định kỷ luật của trường chưa đủ căn cứ, quá nặng đối với sinh viên vi phạm.

Từ câu chuyện nêu trên cũng đặt ra vấn đề cần lưu ý trong trường hợp nào sẽ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Vi phạm lần đầu vẫn xử nghiêm

Theo ông Phan Văn Tuyến - trưởng phòng công tác chính trị sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM, hội đồng kỷ luật nhà trường ra quyết định đình chỉ học một năm đối với sinh viên N.T.N.A., lớp dân sự 40A1, với hành vi tàng trữ và đưa vào trường trái phép tài liệu photo vi phạm bản quyền của trường.

Ông Tuyến cho rằng việc sao in và phát hành các loại giáo trình, tài liệu học là những hành vi bị cấm tuyệt đối với cán bộ, giảng viên, chuyên viên, người lao động, sinh viên, học viên học tập và làm việc tại Trường ĐH Luật TP.HCM.

Cụ thể, sinh viên N.T.N.A. đã vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, nội quy của trường và các thông báo về việc sử dụng tài liệu phục vụ học tập của sinh viên...

“Trước khi xử lý những trường hợp vi phạm, nhà trường tuyên truyền rộng rãi trong sinh viên. Chủ trương của nhà trường là thông qua việc kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm để xây dựng ý thức, hình ảnh sinh viên luật nghiêm túc trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và các quy định của nhà trường” - ông Tuyến nhấn mạnh.

Đình chỉ học tập: không đúng luật?

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, năm 2012 Trường ĐH Luật TP.HCM ban hành nội quy của trường. Trong đó có quy định sinh viên không được “sao in và phát hành các loại giáo trình, tài liệu học tập trái với các quy định của nhà trường và của pháp luật”.

Tuy nhiên, bản nội quy này không quy định rõ mức kỷ luật đối với hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, theo quy chế công tác sinh viên ban hành kèm thông tư số 10 năm 2016 của Bộ GD-ĐT thì việc đình chỉ học tập có thời hạn áp dụng với ba trường hợp: đang bị cảnh cáo mà vẫn vi phạm; vi phạm nghiêm trọng các hành vi sinh viên không được làm; vi phạm pháp luật bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

Trong trường hợp nêu trên, sinh viên vi phạm lần đầu, chưa bị nhắc nhở hay cảnh cáo trước đó.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho rằng việc ban hành kỷ luật với hình thức đình chỉ học tập đối với sinh viên nêu trên là chưa đúng so với Luật giáo dục ĐH, các văn bản hướng dẫn luật, Luật sở hữu trí tuệ cũng như quy chế của Trường ĐH Luật TP.HCM.

Theo ông Hưng, Luật giáo dục ĐH, các văn bản hướng dẫn cũng như quy chế nội bộ của trường không có quy định nào cho phép nhà trường được đình chỉ học tập sinh viên vì mang tài liệu photo vào trường.

Theo luật sư Hưng, nếu Trường ĐH Luật TP.HCM đình chỉ học tập của sinh viên theo quy chế nội bộ của trường thì quy chế này phải phù hợp với các luật chuyên ngành, phù hợp với Luật sở hữu trí tuệ, quy chế do trường ban hành không được vượt quá quy định của luật.

“Việc ban hành quy chế với mục đích để sinh viên có ý thức thượng tôn pháp luật là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, biện pháp chế tài đưa ra cũng phải phù hợp với môi trường giáo dục. Việc đình chỉ học tập với sinh viên trong trường hợp này là chế tài rất nặng.

Một vấn đề nữa đặt ra là khi quy định sinh viên phải mua giáo trình gốc của nhà trường thì giá bán của trường có cao hơn giá bên ngoài hay không, nhà trường có đáp ứng đầy đủ, kịp thời số lượng và chất lượng giáo trình gốc không” - luật sư Hưng cho biết.

Có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ?

Việc sinh viên photo tài liệu để sử dụng trong học tập có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không vẫn có nhiều ý kiến khác nhau.

Theo luật sư Đậu Thị Quyên, giáo trình là một đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ quy định trong trường hợp tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân thì được sử dụng tác phẩm đã công bố mà không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút.

Vì vậy, hành động của sinh viên nêu trên không được xem là “mục đích nghiên cứu khoa học và giảng dạy cá nhân” như luật định.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho rằng sinh viên photo tài liệu phục vụ mục đích nghiên cứu, học tập là thuộc quy định của điều 25 Luật sở hữu trí tuệ (được sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học).

Trong trường hợp này, sinh viên photo tài liệu tham khảo, chưa rõ có mục đích trục lợi hay có vi phạm Luật sở hữu trí tuệ?

Theo ông Hưng, việc xác định hành vi có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không phải do một cơ quan có thẩm quyền tiến hành, cụ thể là tòa án xác định, trường không có đủ thẩm quyền để kết luận.

Giả sử trường hợp này quy chế của nhà trường là đúng thì Trường ĐH Luật TP.HCM cũng không đủ thẩm quyền kết luận sinh viên có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không.

Có thể đình chỉ học một học kỳ

Chiều 14-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết trước khi nhà trường ra quyết định kỷ luật vụ này đã cân nhắc rất nhiều, nên quan điểm của nhà trường là không thay đổi quyết định này.

“Tuy nhiên qua thông tin trên báo chí, tôi được biết sinh viên này cũng nhận thức được hành vi sai phạm của mình và đã biết hối lỗi. Sau khi bị kỷ luật, em sinh viên này đã tập trung học tiếng Anh.

Trên cơ sở có nhiều ý kiến cho rằng nhà trường giảm mức kỷ luật cho sinh viên này, tôi sẽ chỉ đạo hội đồng kỷ luật nhà trường họp lại để xem xét cụ thể hơn, có thể là giảm thời gian đình chỉ học còn một học kỳ” - bà Quỳ cho biết.

Sinh viên biết rõ quy định

Sinh viên L.V.H.P. (Luật K40) cho biết không chỉ đầu khóa học, mà mỗi đầu năm học nhà trường đều có phổ biến đến sinh viên những quy định của nhà trường qua các kênh thông tin trên mạng và gửi văn bản đến từng lớp, nêu rõ đối với những trường hợp sinh viên vi phạm bản quyền tài liệu của nhà trường sẽ bị xử lý như thế nào...

Sinh viên Đ.H.N.D. (Luật K37) cũng cho biết trong tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, nội dung này được nhà trường nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Sinh viên còn được trường phát sổ tay sinh viên, trong đó có nội dung về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với tài liệu học tập.

“Hầu hết sinh viên trong trường đều biết trước đây đã có nhiều sinh viên mang sách photo vào trường bị trường xử lý kỷ luật cảnh cáo và cũng đã có sinh viên bị đình chỉ học một năm” - D. cho biết.

TRẦN HUỲNH - TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp