Một tổ rùa biển đang trong thời khắc nở con - Ảnh: B.D.
Những con rừ này mang theo mầm hi vọng hồi sinh loài rùa biển từng tồn tại rất nhiều trong quá khứ tại hòn đảo nhỏ này...
Cách đây chỉ 30 năm, các bãi cát quanh hòn đảo nhỏ này đã từng là nơi quần cư đông đúc của hàng ngàn cá thể rùa biển. Mùa đẻ trứng, rùa bò lên bãi nhiều vô kể.
Lúc ấy, người dân coi việc bắt rùa ăn thịt, lấy mai, rồi đi đào trứng rùa về tấp từng sọt lùi trong đống than nóng làm thức ăn là việc hết sức bình thường.
Nhưng giờ đây, để có thể nhìn thấy những chú rùa ấy, người Cù Lao Chàm phải vào... bảo tàng để xem các tiêu bản được trưng bày.
Khoảng chục năm nay tôi mới chỉ gặp rùa về đúng 2 lần.
Ngư dân Trần Quốc Ngào
Rùa gặp nạn
Cuối tháng 6-2018, tài khoản Facebook một cán bộ của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đưa hình ảnh về cái chết của một con rùa biển nặng 80kg. Với những người đang nỗ lực bảo vệ loài rùa biển ở Cù Lao Chàm, những hình ảnh đó không mới nhưng luôn gây nhức nhối.
Người vớt xác rùa là ông Bùi Dũng - ngư dân thôn Bãi Hương. Ông Dũng thả lưới quanh đảo Cù Lao Chàm để kiếm cá, tới tảng sáng thì thấy phao lưới cựa quậy, dây chì trĩu nặng. Khi lặn xuống để kiểm tra thì ông thấy một con rùa lớn mắc lưới, chết ngạt.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu rùa biển, ông Lê Xuân Ái - cán bộ ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - khẳng định rùa mắc lưới đó là rùa đã trưởng thành, bụng đang lặc lè trứng non.
Con rùa này đang trên đường trở về Cù Lao Chàm để làm tổ, tái tạo giống nòi. Đáng tiếc là cuộc trở về này đã nhận lấy một kết cục đau xót.
Theo các cán bộ bảo tồn rùa và ngư dân Cù Lao Chàm, mỗi năm có tới 5-10 trường hợp rùa gặp nạn như thế. Và như vậy, chả có con rùa nào thành công trong việc đổ bộ lên bờ đảo để ấp trứng.
Trong trụ sở ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có một góc trưng bày tiêu bản các cá thể rùa biển mắc nạn.
Trong tủ kính căm lạnh, chật chội, các con rùa được làm khô và đặt ngay ngắn để giúp khách tham quan bảo tàng có cái nhìn sơ bộ về hình ảnh của rùa Cù Lao Chàm không còn tồn tại.
Rùa trên đường về đẻ trứng tại Cù Lao Chàm đã mắc lưới cá và bị chết - Ảnh: Lê Xuân Ái
Lỗi của con người
Tại Cù Lao Chàm hiện nay, các ngư dân từng tiêu diệt rùa ngày trước giờ đã tự nguyện chuyển qua làm
tình nguyện viên... bảo vệ rùa. Ông Trần Quốc Ngào - thôn Bãi Ông - nhớ lại những con rùa mà ông và người Cù Lao Chàm đã thấy hằng ngày cách đây mấy chục năm về trước. "Những năm trước 1975, Cù Lao Chàm rùa nhiều vô kể.
Trẻ con chúng tôi ngày nào rảnh việc là ra bãi đào trứng rùa về ăn. Ăn không hết thì đem vùi vào tro nóng để dành. Mùa đẻ trứng của rùa, chúng tôi chỉ cần "xăm" xuống cát vài chỗ là gặp những tổ cả trăm trứng. Nhưng giờ thì những hình ảnh ấy chả bao giờ thấy lại nữa..." - ông Ngào nói.
Rùa Cù Lao Chàm tuyệt chủng do môi trường sống thay đổi, nguồn thức ăn khan hiếm, bãi cát mà rùa lên đẻ trứng vào mùa sinh sản đã bị chiếm dụng làm du lịch, đặc biệt là rùa biển không thể vượt qua được trùng trùng lưới đánh cá của ngư dân. Cho nên chúng đã bỏ đi mãi mãi.
Nhiều người dân sống lâu đời ở Cù Lao Chàm cũng khẳng định các bãi cát quanh đảo như Bãi Bấc, Bãi Làng... 20-30 năm về trước hầu như không có dấu chân người.
Từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm, từng đàn rùa biển nặng hàng tạ, mai rộng như chiếc thuyền thúng đổ bộ lên đảo để làm tổ đẻ trứng. Nhưng con người đã tàn phá tất cả, trong đó có loài rùa và các bãi cát của chúng.
Cứu vãn
Không có con số nào thống kê lượng rùa ở Cù Lao Chàm đã từng có, nhưng theo kỹ sư Nguyễn Văn Vũ - trưởng phòng nghiên cứu và hợp tác quốc tế ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - chính những tư liệu mà người dân cung cấp, cùng với việc điều tra khảo sát môi trường sống, các bãi cát rùa biển về đẻ trứng hằng năm đã chứng minh rằng Cù Lao Chàm từng là một trong những vùng biển sinh sống rất đông đúc của rùa biển.
Các bãi cát quanh đảo chính là bãi đẻ trứng để tái tạo bầy đàn, cung cấp rùa con cho đại dương.
Tuy nhiên, số lượng rùa biển và các chỉ dấu về sự xuất hiện của loài động vật biển này những năm gần đây đã cho thấy sự sút giảm rất đáng báo động. "Khoảng chục năm nay tôi mới chỉ gặp rùa về đúng 2 lần" - ngư dân Trần Quốc Ngào cho biết.
Trước sự nguy cấp cùng với quyết tâm trả lại ngôi nhà cho các loài động vật biển, trong đó có loài rùa, năm 2016 ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã đề xuất đề tài khoa học "Phục hồi và bảo vệ rùa biển tại Cù Lao Chàm".
Đề tài được UBND tỉnh Quảng Nam xét duyệt và cho khởi động với mục tiêu kéo loài rùa biển trở lại với hòn đảo đã được UNESCO xếp vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Một kho báu của tự nhiên
Bãi Bấc - nơi từng là “vương quốc” của rùa biển ở Cù Lao Chàm
Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam) là cụm đảo nhỏ chưa đầy 3.000 dân sinh sống bao quanh diện tích gần 16km2.
Nơi đây đang chứa những kho báu vô giá của biển cả về giá trị tự nhiên. San hô, cỏ biển, tôm hùm, cua đá, các loài cá đặc hữu và đặc biệt là câu chuyện lưu truyền về một loài rùa biển khổng lồ từng chọn nơi đây làm nơi sinh sản…
Tuy nhiên hòn đảo này đón nhiều khách du lịch gây áp lực lên hệ sinh thái tự nhiên ở đây. Đáng lo hơn, mấy năm gần đây Cù Lao Chàm trở thành tâm điểm của các dự án xẻ thịt, khai thác dưới danh nghĩa "đầu tư phát triển du lịch"…
--------
Kỳ tới: Tái tạo đàn rùa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận