Dịp cuối năm 2023, khán giả Việt dành nhiều sự chú ý cho Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, dựa trên phim truyền hình kinh điển Đất phương Nam và tác phẩm văn học của nhà văn Đoàn Giỏi.
Nhưng danh sách phiên bản điện ảnh của phim truyền hình Việt nổi tiếng sắp tới còn nhiều hơn thế.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đang lên kế hoạch để làm mới Số đỏ, tái hiện xã hội Việt Nam thời kỳ 1930-1945 với những nhân vật điển hình: Xuân Tóc Đỏ, Phó Đoan, vợ chồng Văn Minh, ông Típ-phờ-nờ, cô Tuyết...
Số đỏ từng nhiều lần được dựng thành kịch và phim truyền hình.
Trong khi đó, phim điện ảnh Người đẹp Tây Đô - Chuyện đời chưa kể được CGV công bố sẽ khai thác góc độ khác so với bản phim truyền hình đình đám năm 1996.
Biên kịch - đạo diễn Kay Nguyễn (phim Mắt biếc, Cô ba Sài Gòn, Người bất tử) chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng việc chuyển thể phim điện ảnh từ bản truyền hình nổi tiếng là điều thường thấy trong ngành do khán giả Việt Nam thường thích những gì quen thuộc, gần gũi với mình.
Những bộ phim truyền hình nổi tiếng vốn đã có số lượng fan nhất định sẽ dễ nhận được sự chú ý của nhà đầu tư, nhà phát hành... hơn trong việc kêu gọi vốn cũng như các phương án truyền thông.
"Trong tương lai, tôi nghĩ sẽ còn nhiều dự án điện ảnh được chuyển thể từ các bộ phim truyền hình nổi tiếng vì nó dễ dàng cho nhiều thứ" - Kay Nguyễn nhận định.
Diễn viên - đạo diễn Kathy Uyên lại nghĩ rằng đây là cách làm phim sáng tạo để kể lại những cốt truyện với những nhân vật từng được yêu mến, có sức ảnh hưởng lớn với khán giả Việt.
Dịch COVID-19, khán giả quen với việc ở nhà xem phim nhiều hơn. Những bộ phim có sức thu hút sẵn từ phiên bản truyền hình sẽ thúc đẩy mọi người trở lại rạp, tìm lại ký ức xa xưa.
Nhưng dù là một xu hướng tốt, theo biên kịch - đạo diễn Kay Nguyễn, dòng phim này có những khó khăn khi thực hiện. Thị trường điện ảnh Việt Nam vẫn non trẻ nên nhà làm phim phải có sự tiết chế nhất định khi sáng tạo.
"Đừng nghĩ rằng bộ phim đã cũ rồi nên phải làm cho nó khác đi, vì nếu khác quá, khán giả khi ra rạp không nhận ra nguyên tác họ từng xem, họ sẽ đánh giá bản điện ảnh đã phá nát tác phẩm gốc và quay lưng.
Những phim thời kỳ đầu của Hollywood, khi chuyển thể từ những tác phẩm kinh điển, họ rất trung thành với nguyên tác, những lần sau đó mới dám phá cách.
Theo tôi, lần đầu đưa phiên bản truyền hình lên màn ảnh lớn, nhà làm phim Việt hãy cho khán giả những cảm nhận quen thuộc, chỉ nên làm họ ngạc nhiên bằng những thuộc tính khác của điện ảnh như diễn viên, hình ảnh, âm thanh..." - Kay Nguyễn nói.
Kathy Uyên thì chia sẻ chị nghĩ điều khiến những dự án điện ảnh chuyển thể từ bản truyền hình gặp khó khăn là phim điện ảnh phải kể được câu chuyện trong 2 tiếng đồng hồ, không thể kéo dài hàng chục tập như trên truyền hình.
Ngoài ra, chuyển thể từ phim truyền hình nổi tiếng thường dễ bị so sánh, xét nét hơn những tác phẩm thông thường.
"Tôi hy vọng điện ảnh ở Việt Nam phát triển hơn để làm tốt việc biến những cốt truyện xưa mang màu sắc điện ảnh hiện đại hơn, là cách để khán giả ra rạp xem phim nhiều hơn" - Kathy Uyên nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận