25/03/2024 14:19 GMT+7

Đưa nước từ miền Đông về miền Tây, được không?

Trước tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp và nguồn nước ngọt sông Mekong đang bị các nước thượng nguồn chi phối, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đề xuất nghiên cứu dẫn nước từ sông Đồng Nai, Sài Gòn về để sử dụng.

Ngoài phương án dẫn nước ngọt về, các địa phương còn có phương án trữ nước ngọt tại chỗ. Trong ảnh: hồ nước ngọt Kênh Lấp tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre với sức chứa hơn 800.000m3 - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Ngoài phương án dẫn nước ngọt về, các địa phương còn có phương án trữ nước ngọt tại chỗ. Trong ảnh: hồ nước ngọt Kênh Lấp tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre với sức chứa hơn 800.000m³ - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Nếu thực hiện được sẽ giúp giải quyết phần nào bài toán hạn mặn cho người dân "xứ dừa". Nếu dẫn về Bến Tre được thì các địa phương miền Tây lân cận cũng có thêm cứu cánh trong tương lai.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh, phó viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, cho rằng việc chuyển nước từ sông Đồng Nai, Sài Gòn về Bến Tre cần một nghiên cứu thấu đáo.

* Thưa ông, với địa hình Nam Bộ hiện nay thì đề xuất của chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre có khả thi hay không?

- Bằng nhãn quan của người làm công tác thủy lợi, tôi cho là khó khả thi do một số vấn đề sau: Đầu tiên, vào mùa khô, nước ngọt về Đồng bằng sông Cửu Long từ sông Mekong.

Tại trạm thủy văn Kratie (phía bắc Campuchia) trên sông Mekong, lưu lượng bình quân ba tháng kiệt nhất (dòng chảy yếu nhất) là 2.600m³/s.

Trong khi mùa khô lượng nước ngọt đổ về sông Sài Gòn từ hồ Dầu Tiếng bình quân chỉ có 36m³/s. Về nguồn nước, xét về lượng thì nước của sông Sài Gòn không thấm tháp gì so với sông Mekong.

Mặt khác, nước trên lưu vực sông Mekong khi về đến Đồng bằng sông Cửu Long còn chảy ra biển nhiều, do đó nên có công trình khai thác nguồn nước này hiệu quả hơn. Đây là nguồn nước trực tiếp sẽ dễ khai thác hơn chuyển từ xa về.

Thứ hai, hạ lưu vực sông Đồng Nai là khu vực kinh tế trọng điểm đã và đang phát triển với tốc độ nhanh. Lượng nước cần cho phát triển các ngành kinh tế, môi trường là rất lớn, yêu cầu về an ninh nguồn nước rất cao.

Hiện tại, vì thiếu nước cung cấp cho vùng kinh tế trọng điểm hạ lưu sông Sài Gòn nên cơ quan chức năng đang phải chuyển nước từ hồ Phước Hòa sang bổ sung. Như vậy, có thể nói vui là "bản thân còn phải đi xin thì sao lo được cho người khác".

Thứ ba, nếu chuyển nước về Bến Tre, vùng nhận sẽ là vùng ven biển. Như vậy, điểm xuất phát là sông Sài Gòn đoạn qua huyện Củ Chi (TP.HCM) hoặc sông Đồng Nai về điểm cấp là vùng ven biển Bến Tre.

Chiều dài tuyến chuyển nước theo đường chim bay khoảng 100km, cắt qua hàng trăm con kênh, rạch. Với địa hình bằng phẳng, muốn chuyển được phải có các trạm bơm điều áp. Từ đó dẫn tới chi phí cho việc chuyển này sẽ rất cao, không khả thi.

* Hiện nay vấn đề nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long khá nan giải. Tỉnh nào cũng cần và "muốn" giữ nguồn nước ngọt cho mình, nên dẫn tới các tỉnh đầu nguồn dẫn nước vào nội đồng thì các tỉnh cuối nguồn lại khan hiếm nước.

Vậy dẫn nước là phương án lâu dài, còn quy chế phối hợp giữa các tỉnh mới là quan trọng, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

- Trước hết cần phải nói rằng không có tỉnh nào được phép giữ nước cho riêng mình. Việc lấy nước và kiểm soát mặn được thực hiện thường xuyên hằng năm.

Việc này được điều phối bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường kết hợp chặt chẽ với các địa phương.

Tuy vậy, việc kiểm soát mặn cũng cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ hơn nữa để tránh tình trạng mặn vào trong vùng sinh thái ngọt và ngược lại. Việc này cần có quy chế phối hợp hợp lý hơn của các tỉnh.

Giải pháp kiểm soát nguồn nước ngọt đặc biệt là các tỉnh ven biển cần chú trọng thời kỳ khan hiếm nước. Tại những khu vực này, tôi thấy cần đầu tư công trình kiểm soát để giữ nước ngọt tránh thất thoát ra biển.

Đồng thời cần có giải pháp xây dựng thật nhiều hồ trữ nước ngọt phân tán, điều phối, dẫn nước từ vùng sinh thái ngọt về các khu vực cần.

Mặt khác, cần có những giải pháp mềm như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu lịch thời vụ để thích nghi tốt hơn với chế độ dòng chảy. Đây cũng là cách để giảm áp lực cho việc xây dựng và vận hành công trình.

Bến Tre và Tiền Giang có giải pháp

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, ngay tại Bến Tre đang có giải pháp để người dân Bến Tre và Tiền Giang có đủ nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt.

Cụ thể, ở bắc Bến Tre, bộ đang triển khai dự án quản lý nước Bến Tre (dự án JICA 3). Theo kế hoạch, đến hết năm 2025 cơ bản sẽ xong, khi đó có một số cống lớn như cống Bến Tre, cống Thủ Cửu... đi vào hoạt động sẽ đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất.

Ở nam Bến Tre, bộ sẽ dùng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để làm cống Vàm Thơm và Vàm Nước Trong, khi làm xong sẽ đảm bảo nước cho khu vực. Như vậy ở Bến Tre thì không cần phải chuyển nước từ nơi khác về vì ngay tại chỗ có đủ giải pháp để có nước.

Miền Tây lại thêm đợt xâm nhập mặn mớiMiền Tây lại thêm đợt xâm nhập mặn mới

Dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng dần từ nay đến giữa tuần sau, người dân cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp