Đến nay núi Cấm đã có 7 khu homestay và dự báo sắp tới sẽ có nhiều homestay khác khi người dân thấy mô hình này ăn nên làm ra - Ảnh: BỬU ĐẤU
Nhiều người dân địa phương phản ảnh nếu chính quyền không quản lý chặt, không có chủ trương rõ ràng để quản lý thì việc xây dựng homestay trên núi Cấm trong thời gian tới sẽ trở nên phức tạp.
Chấp nhận phạt để tồn tại
Ngày 31-5, ghi nhận của Tuổi Trẻ tại đỉnh núi Cấm có ít nhất 4 điểm homestay nằm ở quanh khu vực lòng hồ Thủy Liêm và gần tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi gồm: Mai Tùng, Nhà Của Mây, Phú Sĩ và một điểm dành cho giới trẻ đi phượt. Ngoài ra, một số hộ dân ở khu vực khác cũng đang chuẩn bị làm những khu homestay đón khách mùa du lịch hè.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - chủ homestay Mai Tùng - cho biết từ đầu năm 2022 đến nay ông xây cất 5 căn phòng dạng homestay sau lưng tượng Phật Di Lặc cho giới trẻ check-in và trải nghiệm ngắm cảnh núi rừng. Lượng khách đến thuê rất đông, luôn trong tình trạng hết phòng. Hiện nay giá thuê phòng homestay, tùy theo vị trí dao động từ giá 300.000 đồng đến 450.000 đồng/đêm. "Khi tui làm homestay thì địa phương có xử phạt 4 triệu đồng vì xây dựng trái phép. Thế nhưng họ thấy chúng tôi làm ăn được nên cũng "ngó lơ" đến nay" - ông Tùng nói.
Còn ông S. - chủ homestay P. - cho hay gia đình ông làm 4 căn nhà bằng cây, lá và 1 nhà sàn bằng gỗ loại lớn để phục vụ du khách nghỉ ngơi và check-in cùng núi Cấm. "Khi chúng tôi làm, địa phương cũng lại lập biên bản và yêu cầu nộp phạt 4 triệu đồng, vì xây dựng không phép. Chúng tôi chấp nhận nộp phạt để tồn tại mô hình du lịch này. Tôi cho rằng chính quyền nên tạo điều kiện để bà con có công ăn việc làm với mô hình mới đầy triển vọng này" - ông S. nói.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, các mô hình homestay này chủ yếu xây các chòi bằng lá và cây, bên trong có giường, gối để phục vụ việc nghỉ ngơi của du khách. "Du khách đặt homestay Phú Sĩ của chúng tôi chỉ có giá từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/ngày đêm và có phục vụ thêm ăn uống với phí tính riêng. Homestay Phú Sĩ có đủ điều kiện điện, nước và WiFi cho giới trẻ check-in vui chơi thỏa thích" - ông Sĩ, chủ homestay Phú Sĩ, nói thêm.
Một cán bộ ở Ban quản lý khu du lịch Núi Cấm cho rằng hiện nay du khách có xu hướng đi trải nghiệm các điểm homestay ở vài ngày để tham quan, thưởng ngoạn và thưởng thức đặc sản núi Cấm. Tuy nhiên hơn hai chục năm nay, chính quyền tỉnh An Giang không cho người dân xây nhà mới cũng như không cho làm nhà lưu trú cho du khách. "Năm nào cũng đề ra giải pháp tăng chất lượng dịch vụ du lịch nhưng chúng ta không cho xây dựng hay không cho du khách ngủ lại qua đêm trên núi Cấm làm sao phát triển du lịch. Tôi cho rằng mô hình homestay tại núi Cấm chỉ sử dụng tre, lá làm tum, chòi cho khách trải nghiệm mà có hiệu quả thì nên mạnh dạn ủng hộ" - vị này nói.
Tỉnh nên linh hoạt?
Nói về thực trạng trên, ông Trần Minh Hòa - trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Tịnh Biên - cho biết hiện nay đã có tình trạng người dân đổ xô làm du lịch cộng đồng theo dạng homestay. Vừa qua ông đã thành lập đoàn công tác kiểm tra tại núi Cấm thì phát hiện có 7 hộ kinh doanh mô hình homestay. Bước đầu có 2 hộ đã cơ bản đáp ứng được mô hình này và đã có đầy đủ điện, nước, vệ sinh... Còn các hộ khác đã và đang hoàn thiện để phục vụ du lịch theo dạng homestay.
"Quan điểm của tôi là mong muốn người dân núi Cấm phát triển tốt. Vì vậy tôi đang tham mưu trình UBND huyện sẽ cho phép sử dụng một số loại vật dụng không kiên cố để làm homestay. Quan trọng là các điểm homestay có nước và nhà vệ sinh môi trường. Đây là khu vực đất rừng nên không cấp phép xây dựng theo quy định được thì chúng tôi có thể ra công văn cho họ làm theo vật liệu phù hợp nhất để phát triển du lịch sắp tới" - ông Hòa nói thêm.
Còn ông Lê Trung Hiếu - giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang - khẳng định: Núi Cấm cao nhất vùng Bảy Núi, có thời tiết mát mẻ và cây trái đa dạng nên rất phù hợp với mô hình du lịch homestay. Thậm chí người dân có thể xây dựng dưới chân núi cũng làm du lịch được. "Tuy nhiên ở khu vực núi Cấm vướng quy định nên chưa phát triển được tương xứng. Hiện nay một số người đã làm homestay ở núi Cấm từ đất của gia đình rất thành công và du khách rất thích thú. Nếu tỉnh tạo điều kiện thì nơi này phát triển mạnh", ông Hiếu nói.
Theo chỉ thị 05/2002 do phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Hoàng Việt ký vào ngày 22-1-2002 có quy định: "Yêu cầu huyện Tịnh Biên rà soát lại số người được và số người không được ở khu vực trên núi Cấm. Nghiêm cấm không cho người mới định cư và áp dụng mọi biện pháp không cho xây dựng trái phép. Cấm việc mua bán, sang nhượng đất đai khu vực quy hoạch (các cao điểm) trên núi Cấm... UBND huyện Tịnh Biên và xã An Hảo có trách nhiệm tổ chức lực lượng công an, dân quân tuần tra ngày đêm vừa bảo vệ an ninh trật tự cũng kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý các vi phạm".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận