Mới đây, "món quê" cá nục kho rim Bà Ba Hội ở Quảng Nam chính thức xuất khẩu lô hàng đầu tiên đi Mỹ khiến ngay chủ thương hiệu này cũng bất ngờ.
Xuất khẩu cá nục kho, mì Quảng, phở sắn...
Bà Huỳnh Thị Thu Thủy - chủ thương hiệu cá nục kho rim Bà Ba Hội - nói rằng cơ duyên đến từ một chuyến gặp gỡ Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM. "Tôi đi theo đoàn vào TP.HCM để giới thiệu tiệm bánh, các mặt hàng món quê của mình rồi tình cờ gặp được một đơn vị chuyên phân phối hàng đặc sản từ Việt Nam qua Mỹ. Qua lời giới thiệu, phía nhà phân phối ấn tượng ngay và đặt vấn đề sẽ tìm hiểu hợp tác" - bà Thủy kể.
Chỉ vài tuần sau, sau khi ra Quảng Nam để đi thực tế, kết nối các đơn vị kiểm tra nguồn hàng, chất lượng, các tiêu chuẩn thì hợp đồng nguyên tắc đã được đơn vị phân phối ký với cơ sở của bà Thủy. Sáng 27-7, container chở đầy cá nục kho rim thành phẩm từ Quảng Nam được đưa vào TP.HCM để thông quan qua Mỹ.
Tại làng nghề bún, mì Quảng nổi tiếng Quảng Nam nằm ở khối phố Phương Hòa Tây (phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ) vừa qua cũng đã có một đơn hàng gần 4 tấn mì Quảng được lên đường qua Hàn Quốc. Đơn hàng này được đối tác đặt cho xưởng mì của bà Phan Thị Huệ.
Bà Huệ vẫn chưa hết hồi hộp khi nhớ lại khoảnh khắc một container chở đầy những gói mì Quảng khô của bà được đối tác về lấy hàng rồi chở đi. "Từ lúc đặt hàng tới lúc họ lấy chỉ trong thời gian ngắn. Lâu nay tui mở xưởng rồi gọi công nhân tới làm, hàng bán khắp cả nước, vào nhiều siêu thị nhưng không nghĩ một ngày sẽ được qua Hàn Quốc" - bà Huệ nói.
Ở Quế Sơn, từ lâu món phở sắn cũng đã được chủ một cơ sở nâng tầm, đầu tư dây chuyền để xuất qua Úc, Thái Lan. Phở sắn (nguyên liệu từ củ khoai mì, hay còn gọi là củ sắn) là một món ăn quen thuộc, một món "chống đói" của người quê nhưng nhờ biết nâng tầm, kết nối và làm theo tiêu chuẩn mà trở thành hàng có giá trị cao.
Lãnh đạo tỉnh đi giới thiệu đặc sản
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng hóa đặc sản truyền thống tại Quảng Nam cho biết trong câu chuyện đưa sản phẩm của mình đi xa hơn, họ luôn được sự tiếp sức, tạo điều kiện từ chính quyền địa phương.
Bà Huỳnh Thị Thu Thủy nói rằng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam từ lâu đã đứng ra làm "bà đỡ" cho các cơ sở sản xuất, tổ chức kết nối với nhà phân phối, cơ sở sản xuất. Như thông qua các chương trình khuyến công, các hội nghị xúc tiến thương mại, các diễn đàn… Tỉnh cũng có những nhóm Zalo chuyên trao đổi, quảng bá làm ăn như nhóm Zalo khởi nghiệp sáng tạo, nhóm đặc sản ba miền…
"Thông qua các diễn đàn này thì đối tác biết và tìm tới mình. Tỉnh cũng đứng đằng sau hỗ trợ về mặt chính sách, thương hiệu, hướng dẫn cơ sở sản xuất nâng tầm vóc hình ảnh và tiêu chuẩn của mình. Ngoài ra tại các hội đồng hương, mỗi chuyến đi ra các tỉnh để gặp gỡ bà con Quảng Nam xa quê làm ăn thì lãnh đạo tỉnh cũng mời các cơ sở đi, họ giới thiệu hàng hóa của mình và từ đó có thêm kênh quảng bá" - bà Thủy nói.
Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Quảng Nam Phạm Ngọc Sinh cho biết Quảng Nam đang có rất nhiều đặc sản có thể trở thành nguồn hàng thương mại giá trị cao như phở sắn, nem chả, nước mắm truyền thống, mì Quảng…
"Để món quê đi xa hơn thì mỗi mặt hàng phải thực sự truyền tải được cảm xúc cùng với nhận diện mẫu mã chuyên nghiệp, tinh tế. Các cơ sở cũng gấp rút bảo hộ tài sản trí tuệ và hoàn thiện chất lượng sản phẩm theo yêu cầu, nâng cấp năng lực cung ứng sản phẩm để kịp vận hành theo phân phối của mạng lưới thương mại, tránh "đứt gãy" nguồn cung ứng khi thị trường cần" - ông Sinh nói.
Ông Hồ Quang Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - nói việc hỗ trợ, kết nối giúp doanh nghiệp, các làng nghề, chủ cơ sở sản xuất tìm thấy cơ hội làm ăn được xem là nhiệm vụ của lãnh đạo tỉnh, người đứng đầu các sở ngành. Hiện nay Quảng Nam đã xây dựng mạng lưới rộng khắp, đưa nhiều sản vật từ làng quê thành hàng hóa có giá trị lớn trên thị trường, nhiều mặt hàng đã xuất khẩu.
"Mỗi lần đi ra ngoài tỉnh gặp gỡ các đối tác, các doanh nghiệp lớn chúng tôi đều tranh thủ cơ hội để kết nối và mời doanh nghiệp về Quảng Nam tìm hiểu cơ hội làm ăn. Quảng Nam là nơi có nhiều sản vật đặc trưng, các đặc sản nổi tiếng xưa nay. Đây là nguồn tài nguyên lớn, nếu có hướng đi đúng cùng với việc quảng bá thích hợp thì sẽ giúp bà con tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống" - ông Bửu nói.
Doanh nghiệp, chủ cơ sở phải thay đổi tư duy
Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu LNS Việt Nam, ông Hồ Hùng, cho biết doanh nghiệp này đã kết nối và đưa rất nhiều đặc sản làng quê trên cả nước qua thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu... Cộng đồng người Việt trên thế giới rất đông, dù sống ở xa nhưng họ vẫn nhớ về quê nhà và có nhu cầu thưởng thức các món ăn mang hương vị quê nhà.
"Mỗi doanh nghiệp xuất khẩu cần phải có tư duy sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp, làm theo tiêu chuẩn mà vẫn không đánh mất bản sắc hương vị các món ăn. Ngoài ra để duy trì xuất khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp xuất khẩu cần phải đảm bảo tuân thủ và duy trì xuyên suốt các tiêu chuẩn và phải trung thực với các tiêu chí đã đưa ra của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Vì FDA có thể kiểm tra sản phẩm của doanh nghiệp bất kỳ lúc nào, nếu không đạt hàng sẽ bị trả về" - ông Hùng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận