Trước đó, Bộ GD-ĐT đã thí điểm triển khai mô hình này tại gần 1.500 trường tiểu học trên cả nước. Sau ba năm kết thúc dự án, các trường này tiếp tục duy trì mô hình này. Bên cạnh đó có khoảng 800 trường học khác đã tự nguyện áp dụng toàn phần hoặc một phần mô hình trên, không hưởng kinh phí từ dự án của Bộ GD-ĐT.
Tinh thần chung của mô hình “trường học mới” là tăng quyền chủ động cho nhà trường, cho giáo viên, khuyến khích sáng kiến cải tiến sinh hoạt chuyên môn theo tổ nhóm, chủ động điều chỉnh nội dung dạy học khi thấy có những điều chưa ổn, chưa hợp lý trong tài liệu dạy học; cho phép nhà trường, giáo viên, học sinh được tự chủ cao hơn, miễn sao đạt được chất lượng tốt; thay đổi về cách dạy, cách học, cách thức tổ chức lớp học, cách kiểm tra đánh giá và cách phối hợp tham gia của phụ huynh, cộng đồng vào các hoạt động giáo dục.
“Với mô hình này, học sinh sẽ được học kiến thức tương đương với giáo dục đại trà, nhưng sẽ vượt lên về kỹ năng mềm, vì thế thực hiện theo mô hình này không quá khó và không phải chỉ có thể áp dụng đối với học sinh khá, giỏi” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói.
Tại cuộc tập huấn, nhiều thầy cô giáo bày tỏ quan điểm ủng hộ mô hình này nhưng cũng băn khoăn với nhiều khó khăn như sĩ số học sinh/lớp ở các đô thị quá cao, cơ sở vật chất ở nhiều nơi thiếu thốn, nhận thức của phụ huynh không đồng đều. Bên cạnh đó phần lớn trường THCS không tổ chức học 2 buổi/ngày nên khó khăn trong việc chủ động về thời gian tổ chức dạy học khi chương trình hiện hành đang ở mức quá tải.
Về những khó khăn này, ông Hiển nhấn mạnh các địa phương cần chuẩn bị kỹ mọi mặt để đảm bảo thực hiện có chất lượng, có thể triển khai từng phần, không biến việc triển khai mô hình này thành “phong trào” mang tính hình thức, chạy theo thành tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận