Môi trường xanh và thân thiện ở trường học vùng cao Lào Cai - Ảnh: N.T.Lượng |
“Do đặc thù vùng cao, trường học ở đây thường đóng trên địa bàn gần núi cao, gần suối, và học trò đều là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Vì vậy, khi thiết kế hệ thống cây xanh trong khuôn viên nhà trường, các trường học ở vùng cao đặc biệt chú ý đến việc lựa chọn loại cây, giống cây để làm sao tạo ra một môi trường vừa thân thiện, vừa xanh mát đối với học trò” - thầy giáo Hoàng Văn Huy, phó hiệu trưởng Trường THPT số 3 Bảo Yên (Lào Cai), cho biết.
Thay cho việc trồng những cây cảnh được cắt tỉa, uốn nắn kiểu cách tạo cảm giác khá xa lạ đối với học trò, nhiều trường học vùng cao đã chọn những loại cây xanh quen thuộc có nguồn gốc bản địa như cây móc rừng, cây cọ, cây vả, cây thiên tuế, cây dừa rừng, hoa ban rừng... để trồng trong khuôn viên nhà trường.
Đặc điểm của các loại cây nói trên là xanh tốt quanh năm, ít rụng lá và khá thích nghi với thời tiết ở vùng cao. Đặc biệt, vào mùa đông khắc nghiệt, những loại cây này vẫn xanh tốt như đang sống ở rừng. Khi đưa cây có nguồn gốc từ rừng xanh về trồng trong khuôn viên trường học, các trường đã chú trọng đến việc sắp xếp những cây này với các loại cây quen thuộc với học đường như bàng, phượng, bằng lăng để tạo nên sự phối hợp hài hòa, tạo bóng mát, màu xanh trong sân trường.
Tại Trường Dân tộc nội trú huyện Mường Khương (Lào Cai), khi chúng tôi đến thăm, không gian sân trường thoáng mát và tràn ngập sắc xanh. Đó là nhờ vào hệ thống cây xanh được nhà trường bố trí hợp lý trên sân trường, và không thiếu những cây xanh có nguồn gốc địa phương. Hằng tuần, học sinh nhà trường có những buổi lao động để chăm sóc cây xanh, vì vậy không gian trường học lúc nào cũng xanh mát và thân thiện.
Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ) là ngôi trường trên quê hương xứ cọ, đồi chè. Do đó, nhà trường đã trồng hai hàng cọ ở hai bên lối đi từ cổng dẫn vào sân trường. Bước qua cổng trường, các em học sinh đã cảm nhận được hình ảnh tán cọ xòe rất thân thiện, biểu tượng của quê hương, xứ sở mình.
Em Hoàng Thị Nhung (học sinh THPT ở Bảo Yên, Lào Cai) chia sẻ: “Chúng em cảm thấy trường học rất gần gũi và thân thiện khi nhà trường trồng xen kẽ những cây xanh mà chúng em vốn rất thân thuộc”.
Ngoài việc trồng cây xanh, nhiều trường học vùng cao còn tạo mảng xanh bằng cách thiết kế những thảm cỏ ở tầm thấp trên sân trường. Để làm được những ô cỏ xanh xen kẽ ô vuông gạch, các trường đã sử dụng giống cỏ mật có nguồn gốc dân dã từ rừng. Đó là giống cỏ thích nghi với mọi loại đất và khí hậu, sinh trưởng và xanh tốt quanh năm, tạo màu xanh dịu mát.
Tại Trường tiểu học Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai), bước vào cổng trường mọi người đã thấy một không gian xanh bởi cây cỏ và nhiều loài hoa đang khoe sắc. Bằng sự nỗ lực của thầy trò, nhà trường đã tạo được một không gian sân trường với những ô cỏ được kẻ ô vuông khá đẹp mắt. Các em học sinh người Tày, người Dao hằng ngày đến trường, vui chơi trên sân trường bên những không gian xanh thân thiện.
Chọn loại cây quen thuộc với học trò Với những trường học vùng cao, khi đưa cây xanh có nguồn gốc bản địa vào trồng trên sân trường, ở khâu lựa chọn giống cây cần xem xét sự phù hợp với cảnh quan nhà trường, có phù hợp và quen thuộc với học trò hay không. Đồng thời, khi trồng cây bản địa, cần chú trọng đến việc bài trí xen kẽ một cách hài hòa với những cây trồng truyền thống; đồng thời cách chăm sóc, cắt tỉa sao cho cây được phát triển tự nhiên như ở môi trường tự nhiên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận