Tranh: TƯ LIỆU TTO
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, tại hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đưa ra con số: "Gần 50% mẫu rau quả ở các chợ đầu mối TP.HCM có dư lượng hóa chất, hơn 40% mẫu hải sản chứa kim loại nặng, nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép".
Thông tin trên gây "choáng váng" cho nhiều người tiêu dùng vì lâu nay vẫn nghĩ thực phẩm trên thị trường được quản lý chặt chẽ hơn trước. Tuy nhiên, thực tế thì ngược lại khi nhìn đâu, ăn thức ăn gì cũng có hóa chất độc hại.
Rõ ràng phải thay đổi khái niệm, không phải thực phẩm bẩn, mà là “thực phẩm độc”. Nhẽ ra những người làm chính sách, quản lý phải làm điều này từ lâu rồi.
Ý kiến bạn đọc Thu Hương
Cho rằng để dẫn đến cơ sự này thời gian qua các cơ quan chức năng đã bỏ ngỏ về an toàn thực phẩm trong nước quá lâu, bạn đọc Đức Thành đề nghị: "Đã đến lúc cần tăng cường kiểm tra và từng bước loại bỏ những sản phẩm mất an toàn thực phẩm, chứ không nên phạt, như các sản phẩm xuất đi nước ngoài. Nếu không cương quyết, người tiêu dùng không an tâm và sẽ thường xuyên giải cứu khi dân ưa thích sản phẩm nước ngoài".
Không chỉ dừng lại ở góc độ kinh tế, theo nhiều bạn đọc, việc sử dụng hóa chất độc lại đưa vào thực phẩm là hành vi đầu độc đồng bào mình, cần nên xử thật nặng, mới mong giảm bớt.
Về ý này, bạn đọc Lê Hoàn viết: "Đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp làm thật nghiêm trong vấn đề "thực phẩm bẩn", phải đưa vào danh sách các tội phạm nguy hiểm, phải có luật thật nghiêm về vấn đề này".
"Trồng rau thì để một luống cho nhà ăn, còn lại thì xịt hóa chất cho tốt mượt. Mà đâu ai ăn một loại thực phẩm. Ông trồng rau thì phải ăn thịt cá, ông bán cá phải ăn rau... tự mình hại mình cuối cùng gặp nhau ở bệnh viện" - bạn đọc Lê viết.
Theo bạn đọc Mai Anh, đây là tội ác đầu độc đúng nghĩa. Vấn nạn này cần có giải pháp phù hợp và xử lý mạnh tay mới mong dẹp được. Trong đó, vai trò quan trọng và cốt lõi thuộc về Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phải làm sao có giải pháp, phải ngăn chặn ngay từ đầu các loại hóa chất độc hại, chứ khi thực phẩm đến tay người mua và đều bị nhiễm hóa chất rồi lập đoàn kiểm tra thì là chuyện đã rồi.
Về ý này, bạn đọc Ngô Tuấn Hiển viết: "Đúng là an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối đang được thả nổi và gần như không thể kiểm soát. Cách thức lấy mẫu và phát hiện kết quả cũng chỉ là việc thống kê cho có, chứ không thể có bất kỳ đề xuất kiểm soát gì được".
Để giải quyết tận gốc vấn đề, bạn đọc Ngô Tuấn Hiển đề nghị: "Nhà nước cần phải đặt hàng nghiên cứu và có đề xuất chính sách quản lý từ các tổ chức nghiên cứu đúng quy trình công bố khoa học có giá trị quốc tế, mới giúp thúc đẩy nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm được".
Với suy nghĩ không thể kêu gọi suông, mà nên xem đây là điều vô cùng hệ trọng đối với sức khỏe của toàn dân, bạn đọc nickname Truungvuu75 viết: "Thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phải đầu tư và thực hiện nghiêm túc vấn đề này, mọi hàng hóa nhập về các chợ đầu mối cần phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng".
Ngoài ra, ở vai trò quản lý, theo bạn đọc này, các đơn vị quản lý phải kiểm tra thường xuyên và tuyệt đối nói không với các cá nhân, đơn vị không tuân thủ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Song song đó Nhà nước cũng phải đầu tư các trang thiết bị để các cơ quan chức năng đủ tầm thực hiện việc giám sát.
Chỉ đích danh đúng người đúng việc, bạn đọc Trần Tùng Anh viết: "Tôi thì tin vào bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, sẽ tuần tự kiểm soát được nạn sử dụng vô tội vạ thuốc bảo vệ thực vật và những tạp chất khác trong nông hải sản nhập vào thành phố. Người dân chúng tôi chờ đợi những việc làm thiết thực từ cơ quan này".
Sức khỏe con người là quan trọng, trong một xã hội phát triển, đã đến lúc đưa pháp luật vào cuộc sống, do vậy nhiều bạn đọc cũng đề nghị kinh doanh phải tuân thủ các quy chuẩn về quản lý thực phẩm để các cơ quan thẩm quyền quản lý hiệu quả. Nếu còn chấp nhận cảnh hàng rong, thông cảm hay linh động vì lý do người nghèo, thiếu hiểu biết thì rất khó giải quyết vụ an toàn thực phẩm.
Bạn đọc Bui Xuan Do đề xuất: "Ngăn chặn ngay các loại thuốc tăng trọng, kích thích tăng trưởng, các loại thuốc có nguy hại cho sức khỏe con người. Các bộ, ngành phải làm thật nghiêm túc, xử lý thật nặng những cá nhân, tập thể có hành vi bao che, trục lợi trong vấn đề an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho người dân".
Góp ý thêm cho các cơ quan chức năng, bạn đọc Tran Quoc Nam viết: "Hãy để người dân lựa chọn nơi cung cấp, hãy để người dân điều chỉnh hành vi của người trồng/sản xuất/bán".
Và theo bạn đọc này, khi công khai rõ nguồn gốc sản phẩm bẩn, ai phân phối, ở đâu, từ đó người dân sẽ lựa chọn nơi cung ứng sản phẩm sạch, tẩy chai sản phẩm bẩn. Như vậy, việc sản phẩm bẩn không còn nơi tiêu thụ cũng là hình thức răn đe, giáo dục người trồng cẩn trọng, có tâm hơn trong việc tạo ra sản phẩm, cung cấp cho xã hội.
Quyết liệt hơn, bạn đọc Trung SG kiến nghị: "Cơ quan quản lý cần có biện pháp mạnh để ngăn chặn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phát hiện được gian hàng, cá nhân nhân nào vi phạm thì xử phạt và thu hồi giấy phép, không cho bán hàng ở chợ nữa, đồng thời phát thông báo tới toàn dân từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ. Để người dân tẩy chay không mua hàng nữa xem họ còn dám làm ăn kiểu đó nữa không".
Hằng ngày đối diện với thực phẩm độc hại đang bủa vây bữa ăn mình và gia đình, bạn muốn góp ý gì để giải quyết tận gốc vấn nạn này?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected] và [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận