Cụ thể hai nhịp cầu đường sắt Bình Lợi (một nhịp dài 22,9m, một nhịp dài 40,9m) có nguyên giá theo sổ kế toán là 13,888 tỉ đồng, giá trị còn lại theo sổ kế toán là 12,344 tỉ đồng.
Đây là tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được điều chuyển từ Bộ Giao thông vận tải về UBND TP.HCM quản lý, theo quy định của nghị định số 46/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải, UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện bàn giao, tiếp nhận hai nhịp cầu đường sắt Bình Lợi.
Sau khi thực hiện việc tiếp nhận tài sản từ Bộ Giao thông vận tải, UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện việc quản lý, bảo tồn hai nhịp cầu đường sắt Bình Lợi theo quy định.
Trước đó, UBND TP.HCM đã có công văn đề nghị Bộ Giao thông vận tải thống nhất chủ trương và đề nghị Bộ Tài chính quyết định điều chuyển hai nhịp cầu đường sắt Bình Lợi cũ và tháp canh phía Thủ Đức theo nguyên trạng để quản lý và bảo tồn.
Theo UBND TP.HCM, nhịp số 1, số 2 và tháp canh phía Thủ Đức thuộc cầu đường sắt Bình Lợi cũ (km 1.719+089 tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM) được xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 1902.
Đây là công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển của Sài Gòn - TP.HCM và của ngành đường sắt Việt Nam.
Sau khi được bàn giao, tiếp nhận, UBND TP.HCM sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng của thành phố thực hiện bảo tồn nguyên trạng công trình cầu đường sắt Bình Lợi cũ (hai nhịp cầu và tháp canh phía Thủ Đức).
Việc bảo tồn nhằm lưu giữ lại dấu tích của cầu đường sắt Bình Lợi gắn với không gian sông nước để phục vụ việc tìm hiểu, nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển ngành du lịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận