Mỗi ngày đến trường là một ngày vui! Chuyện này đã rõ. Đó là khẩu hiệu của các trường, mong ước của phụ huynh và của toàn xã hội. Người lớn có khó mấy, phải lo toan thế nào đi nữa nhưng chẳng ai dám dè sẻn bởi ai cũng muốn dành cho trẻ nhưng điều tốt nhất, an toàn nhất, vui nhất.
Ấy vậy mà chuyện 5 học sinh ở Đồng Nai rớt khỏi xe đưa đón lại không thể hiện được mong muốn này. May mắn là cả 5 em học sinh còn giữ được tính mạng. Không ai dám nghĩ đến những tình huống có thể xảy ra tiếp theo sau những cú "tiếp đất" không mong muốn này.
Sau khi "rớt tim" với các vụ việc kể trên, người lớn có giật mình nhớ đến liệu có bao nhiêu chuyến xe như thế đang ngày ngày đưa trẻ đến trường?
Thực tế, đâu đâu cũng có thể thấy những chiếc xe cũ kỹ, hết thời chạy khách, xe cải tạo công năng, thậm chí hết thời đưa đón công nhân cũng được tận dụng đưa vào để "phục vụ" con trẻ.
Nói thật, nếu đặt người lớn lên những chiếc xe này, chắc hẳn nhiều người vừa đi vừa cầu mong sự bình an, đi đến nơi về đến nhà.
Sau hai vụ việc học sinh rớt xuống đường, một bạn đọc bình luận hài hước trên Tuổi Trẻ Online: "Riêng ngành giáo dục Đồng Nai cần phối hợp với ngành giao thông dạy các em kỹ năng sinh tồn khi đi xe đưa rước", chỉ có thể cười ra nước mắt bởi để xảy ra những vụ việc đau lòng như ở Đồng Nai có trách nhiệm của người lớn.
Trách nhiệm đó là gì? Là vì sao xe đưa đón học sinh không phải là những xe đã được chuẩn hóa mà lại là xe quá "đát", xe chở hàng được hoán cải chở người? Một quy định chuẩn hóa xe đưa đón học sinh vẫn chưa được ban hành, dù đã có chỉ đạo của Chính phủ sau cái chết đau lòng của một trẻ bị bỏ quên trên xe đưa đón. Vì sao để xe chở học sinh luôn chở quá số người quy định, thậm chí cho các em đứng ngay cửa sau của xe...?
Sau trách nhiệm đó là gì? Cần xử lý nghiêm khắc bao gồm chủ xe, tài xế, hợp tác xã quản lý xe, hiệu trưởng, giáo viên đưa đón các em (nếu có đi theo xe), xe do phòng Giáo dục và Đào tạo, nhà trường ký hợp đồng đưa xuống thì phải xử lý trách nhiệm...
Một bạn đọc ở phường Trảng Dài (Biên Hòa, Đồng Nai) còn kể chuyện tận mắt thấy có trường hợp tài xế mở cánh cửa sau cho học sinh xuống thì cũng có 2 em rơi xuống do còn đứng dựa lưng vào thành cửa sau xe mà không để ý...
Quá nhiều chuyện có thể kể ra, nhưng như một phụ huynh kể chuyện từng chứng kiến con mình trong cảnh như thế, từng đấu tranh với nhà trường nhưng... cuối cùng đành tự đưa đón con. Xem ra vị phụ huynh này còn may mắn vì sắp xếp được thời gian để đón con chứ với tình hình hiện tại, nhiều gia đình không muốn vẫn phải gửi gắm việc đưa đón con cho nhà trường.
Người lớn nghĩ sao về trách nhiệm của mình, từ nhà trường, giáo viên, tài xế, chủ xe? Ngành giáo dục và thậm chí cả những nhà quản lý đô thị nghĩ sao về trách nhiệm để trẻ được an toàn hơn, "mỗi ngày đến trường là một ngày vui" và để khẩu hiệu "Tất cả vì học sinh thân yêu" đi vào cuộc sống?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận