09/08/2019 08:15 GMT+7

Đưa đón học sinh: Không chỉ trách nhiệm mà phải tận tâm

QUẾ CHI (Quảng Nam)
QUẾ CHI (Quảng Nam)

TTO - Phản hồi vụ một trẻ lớp 1 tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón, bạn đọc viết: 'Rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Hi vọng câu chuyện này góp thêm một góc nhìn cho độc giả và gửi một lời về trách nhiệm của mỗi người với công việc của mình'.

Đưa đón học sinh: Không chỉ trách nhiệm mà phải tận tâm - Ảnh 1.

Tài xế cùng cô giáo đón trẻ lên xe - Nguồn: busanedu.net

Tôi có một đồng nghiệp người Hàn Quốc, cha mẹ cô ấy làm công việc đưa đón trẻ em mỗi ngày. Họ đã đảm đương vị trí tài xế đặc biệt này hơn 5 năm. 

Bác trai hiện là hội trưởng hội nhạc sĩ thành phố D, nghệ sĩ kèn clarinet; bác gái từng có một cửa hàng may mặc riêng, thực hiện phục trang các vở múa.

Sát hạch tính cách và kỹ năng tài xế

Ở Hàn có nhiều loại xe đưa rước trẻ, có loại 7 chỗ, 16 chỗ và cả 29 chỗ, tùy theo mật độ dân số của thành phố hoặc quy mô của trường, cụm dân cư. Cha mẹ bạn tôi phụ trách loại 7 và 16 chỗ. 

Thông thường, quãng đường đón đứa trẻ đầu tiên đến đứa trẻ cuối cùng không dưới 8km, nhưng cũng mất ít nhất 45 phút vì giờ vào học thường là 8h sáng với tiểu học nên cả hai đã phải rời nhà từ 6h.

Để làm công việc này, cả hai đã phải trải qua nhiều kỳ sát hạch về tính cách (điềm đạm, gần gũi với trẻ nhỏ), về kỹ năng lái xe, xử lý tình huống khẩn cấp trên đường. Họ còn được yêu cầu tính cẩn thận, chu đáo. 

Bởi dù luôn có ít nhất một cô giáo trực (với xe nhỏ, hai cô với xe lớn) cùng làm chung một ca nhưng việc quản một nhóm trẻ ở độ tuổi nhỏ, nhất là cấp mầm non, cần phải thật tập trung cao độ. 

Cô giáo phụ trách việc đưa đón cũng được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc trẻ.

Hằng ngày, hai bác ra khỏi nhà với bộ đồng phục, bắt đầu công việc với nụ cười trên môi, luôn nhắc nhở chính mình phải tỉnh táo. 

Áp lực lớn nhất của công việc đặc biệt này không chỉ đảm bảo an toàn trên đường mà còn làm sao để mọi đứa trẻ đi đến nơi về đến chốn. 

Nhưng là con người, không phải một cỗ máy nên đôi khi sức khỏe, cảm xúc, thời tiết... cũng ảnh hưởng đến sự tập trung của họ. 

Và chuyện đưa đón học sinh ở Hàn cần sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại như điện thoại, công nghệ cảnh báo, sự phối hợp đầy trách nhiệm của các cộng sự cùng một ca, cũng như mối quan hệ của gia đình - nhà trường, cùng đảm bảo an toàn cho trẻ tốt nhất có thể.

Đưa đón học sinh: Không chỉ trách nhiệm mà phải tận tâm - Ảnh 2.

Nhân viên Trường Gateway kiểm đếm học sinh trước khi đưa lên ôtô về nhà chiều 7-8

Lắp đặt hệ thống phát hiện trẻ ngủ quên

Trẻ vừa lên xe, ngồi vào chỗ đã ngủ vùi là chuyện bình thường dù bên cạnh bạn bè đang nghịch ngợm đùa giỡn với nhau. 

Cô giáo phụ trách và tài xế phải thường xuyên để mắt đến bọn trẻ, không chỉ nhắc nhở, giúp thắt đai an toàn, mà còn phải đánh thức trẻ khỏi những cơn ngủ ngắn. 

Dù vậy, đã có những trường hợp trẻ ngủ quên trên xe dẫn đến ngạt thở, tử vong vào năm 2016 và 2018. 

Người dân đã kiến nghị văn phòng tổng thống, yêu cầu chính quyền ban hành quy định đảm bảo an toàn cho học sinh trên các chuyến xe đưa đón của trường học (xe buýt màu vàng).

Theo đó, tất cả các trường học, cơ sở chăm sóc trẻ ban ngày phải lắp đặt hệ thống "sleeping child check" (tạm dịch: phát hiện trẻ ngủ quên) trên xe đưa đón để tránh trường hợp trẻ em ngủ quên, bị bỏ lại một mình trên xe. 

Năm 2018, "sleeping child check" lần đầu được lắp đặt trên 53 xe đưa đón của các trường tiểu học công lập ở thủ đô Seoul. 

Cũng năm 2018, chính quyền TP Seoul đã phân bổ ngân sách 4,09 tỉ won (khoảng 3,67 triệu USD) để lắp đặt "sleeping child check" cả trong và ngoài xe đưa đón học sinh.

Trong hệ thống phát hiện trẻ ngủ quên còn có thiết bị buộc tài xế phải nhấn nút xác nhận trong vòng 3 phút kể từ khi tắt máy xe và rút chìa khóa. 

Trước đó, tài xế sẽ đi một vòng kiểm tra rồi nhấn nút ở cuối xe. Giáo viên phụ trách cũng phải đi rà soát một lượt và nhấn công tắc xác nhận. Kết quả sẽ được gửi đến điện thoại của tài xế, phụ huynh và quản trị viên tại trường. 

Trong trường hợp người lái xe không thực hiện các bước kiểm tra, hệ thống cũng sẽ gửi cảnh báo đến cha mẹ học sinh và nhà trường. 

Tài xế có thể bị phạt tiền lên tới 130.000 won (khoảng 100,8 USD) nếu không tuân thủ đúng các bước này.

Trở lại câu chuyện buồn ở nước mình, tôi tìm thấy sự đồng cảm với suy nghĩ của đại biểu Hội đồng nhân dân Hà Nội - Đỗ Thùy Dương: "Cần có sát hạch, tuyển chọn kỹ càng bởi không phải lái xe nào cũng được phép lái xe đưa đón học sinh, người lao động nào cũng đủ năng lực trông trẻ, người bảo vệ nào cũng phù hợp để là người đầu tiên chào đón trẻ nơi cổng trường...". 

Mỗi công việc đều có yêu cầu riêng nhưng cần nhất, trên hết là tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ của mình để giảm rủi ro đến mức thấp nhất.

Sớm chuẩn hóa dịch vụ đưa đón học sinh

Câu chuyện ở Trường tiểu học Gateway đã chỉ mặt đặt tên cho sự thả nổi trong quy trình đưa đón học sinh. Xe đưa đón trong câu chuyện này do nhà trường tổ chức, câu chuyện trường học giữ an toàn cho trẻ cũng là vấn đề cần chú trọng hơn nữa.

Nói thế nào cũng phải thừa nhận thực tế rất nhiều phụ huynh cần dịch vụ đưa đón con từ nhà đến trường mỗi ngày. Ôtô vẫn an toàn, tiện lợi và văn minh hơn chuyện nhà nhà đưa con đi học bằng xe máy.

Trường không tổ chức vẫn có nhiều người tự làm dịch vụ này bằng xe riêng theo thỏa thuận với phụ huynh.

Và câu chuyện này nhắc chúng ta về quy chuẩn nào cho dịch vụ xe đưa đón học sinh, sớm nhất, trong mùa tựu trường này?

TRẦN XUÂN TIẾN

Cần kỹ năng và kết nối

Trẻ con ở Hàn đi học ở trường một buổi, có trường học bán trú, phần lớn trẻ lại dành nhiều thời gian đi học các lớp luyện thêm kỹ năng bên ngoài.

Nhiều trẻ em ở Hàn đang được đưa rước trên những chuyến xe như thế này hằng ngày.

Từ nhỏ các em đã được trang bị kỹ năng tự đi học, về nhà mở cửa, tự lấy đồ ăn trong tủ lạnh, làm nóng để ăn rồi lại đi học tiếp, kỹ năng kêu cứu, thoát nạn...

Phụ huynh trang bị điện thoại có định vị, liên lạc cho trẻ mẫu giáo. Nhà trường thường xuyên cập nhật tình hình học trong ngày với phụ huynh qua tin nhắn, báo tin những thay đổi đột xuất.

Việc này giúp cả nhà trường lẫn phụ huynh phối hợp kịp thời nếu chẳng may có sự cố.

Đưa đón trẻ đi học: Mỗi nơi mỗi cách

TTO - Phải chăng ở Việt Nam đang không có chuẩn nào cho việc sử dụng phương tiện giao thông đưa trẻ đến trường?

QUẾ CHI (Quảng Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp