13/07/2023 13:41 GMT+7

Đưa điện ra Bắc: Thượng khẩn!

"Thượng khẩn" - đó là tinh thần mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa ra khi xây dựng đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối để hoàn thành vào tháng 6-2024. Nếu không Đưa điện ra Bắc, năm sau miền Bắc lại thiếu điện.

“Thượng khẩn” là tinh thần được Tập đoàn Điện lực Việt Nam quán triệt để thi công đường dây 500KV đưa điện ra Bắc. Trong ảnh: công nhân thi công đường dây từ các trạm 500kV tại Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Thượng khẩn” là tinh thần được Tập đoàn Điện lực Việt Nam quán triệt để thi công đường dây 500KV đưa điện ra Bắc. Trong ảnh: công nhân thi công đường dây từ các trạm 500kV tại Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - Nam Định I - Phố Nối có tổng chiều dài 515km đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh và được giao cho Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư nhằm tăng năng lực truyền tải từ miền Trung ra Bắc, từ đó hạn chế hiện tượng nghẽn mạch trên lưới truyền tải Bắc Trung Bộ - Bắc Bộ.

Đường dây 500kV mạch 3 tải điện ra Bắc

Đặt trong bối cảnh miền Bắc thiếu điện trong thời gian vừa qua, dự án trên được đánh giá càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp nâng cao năng lực truyền tải điện trục Bắc - Trung. Thực tế hiện trạng hệ thống điện Việt Nam cho thấy cơ cấu nguồn điện miền Bắc chủ yếu là thủy điện và nhiệt điện, với tốc độ tăng trưởng nguồn điện khoảng 4,7%/năm nhưng tốc độ tăng trưởng phụ tải lại cao nhất cả nước, lên tới 9,3% trong giai đoạn qua. 

Trong khi đó, tại miền Trung, hệ thống điện có tỉ trọng lớn là thủy điện, điện mặt trời với tốc độ tăng trưởng nguồn lên tới 16,5%/năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng phụ tải lại thấp nhất nên dẫn tới hệ thống điện ở miền Trung "thừa nguồn" với tỉ lệ chênh lệch giữa công suất lắp đặt và nhu cầu phụ tải ở mức cao nhất, có thời điểm lên tới 237%.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, chính vì lý do trên nên vào các giờ trưa khi nguồn điện mặt trời phát cao, công suất nguồn miền Trung sẽ có xu hướng truyền tải ngược ra Bắc. Chưa kể, tăng trưởng hệ thống điện miền Nam giai đoạn qua cũng tăng mạnh lên tới 21%, nhưng tốc độ tăng trưởng phụ tải cao nhất chỉ đạt 7%. 

Vì vậy, hệ thống điện miền Nam thay vì phải nhận lượng điện lớn từ hệ thống truyền tải liên miền như trước đây (có thời điểm cao nhất là 20 tỉ kWh) thì nay sản lượng điện truyền tải theo chiều từ miền Nam ra miền Trung cũng xuất hiện và tăng lên gần 2 tỉ kWh, chủ yếu vào các giờ trưa khi nguồn điện mặt trời phát ở mức cực đại.

Trong bối cảnh truyền tải liên miền có xu hướng chuyển dịch từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc, việc xây dựng dự án đường dây 500kV mạch 3 là hết sức cấp bách. Bởi hiện nay khả năng truyền tải điện kéo dài từ miền Trung ra Bắc chỉ hơn 2.200 MW. EVNNPT tính toán nếu dự án này đi vào vận hành sẽ giúp tăng thêm năng lực truyền tải giữa miền Trung và miền Bắc từ mức hiện nay là 2.200 MW lên mức 5.000 MW, cung ứng thêm điện cho miền Bắc. 

Đặc biệt thời gian qua, để đảm bảo cung ứng điện, đưa điện ra Bắc thì hệ thống truyền tải hiện hữu có thời điểm phải vận hành liên tục ở công suất từ 2.500 - 2.700 MW khiến lưới điện bị đầy tải, có nguy cơ rã lưới, ảnh hưởng đến an toàn vận hành hệ thống.

Công nhân Điện lực TP.HCM bảo dưỡng hệ thống điện cao thế khu vực TP Thủ Đức - Ảnh: TỰ TRUNG

Công nhân Điện lực TP.HCM bảo dưỡng hệ thống điện cao thế khu vực TP Thủ Đức - Ảnh: TỰ TRUNG

Vẫn chưa có chủ trương đầu tư

Việc triển khai xây dựng đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối hiện vẫn đang rất ngổn ngang khi chưa hoàn thành các thủ tục và được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. 

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, từ năm 2016, sau khi Quy hoạch điện 7 điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, EVNNPT đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Khi đó, dự án xây dựng trục đường dây từ Nhiệt điện Vũng Áng 3 - Quỳnh Lập - Thanh Hóa nhằm "tăng cường truyền tải công suất từ các nhiệt điện Bắc Trung Bộ (bao gồm các nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập, Vũng Áng 3, Nam Định I) để cung cấp nguồn ra khu vực phía Bắc.

Tuy nhiên, các dự án nguồn điện trên đều chậm tiến độ hoặc dừng thực hiện, vướng mắc kéo dài do có sự thay đổi, cộng thêm sự không đồng bộ của các dự án nguồn điện, các yếu tố kỹ thuật nên dự án phải điều chỉnh cho phù hợp. Cùng với đó, các thủ tục pháp lý chuẩn bị đầu tư kéo dài nên đến nay EVNNPT chưa hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án trên.

Đến nay, sau khi Quy hoạch điện 8 được phê duyệt, các dự án thành phần trong dự án đường dây 500kV vẫn đang triển khai thủ tục đầu tư. Cụ thể, với dự án đường dây 500kV đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, hiện đang trong giai đoạn xin chấp thuận chủ trương đầu tư sau khi đã lấy ý kiến thẩm định của các bộ ngành, địa phương mà đường dây đi qua. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và dự thảo báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các dự án đường dây 500kV đoạn Thanh Hóa - Nam Định I - Phố Nối dù đã được phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy hoạch cũ. Tuy nhiên, hiện EVNNPT đang phải trình điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, do nhà máy nhiệt điện Nam Định I chậm tiến độ, khiến sơ bộ tổng mức đầu tư tăng thêm 20% và thay đổi quy mô diện tích đất sử dụng trên 10% khi phải điều chỉnh một số đoạn đường dây, tăng số lượng cột.

Còn với dự án đường dây 500kV Nam Định I - Thanh Hóa, cũng do thay đổi quy mô đầu tư và điều chỉnh đường dây nên EVNNPT đã có tờ trình và hiện EVN đã phê duyệt dự án để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định chủ trương đầu tư dự án. Về vốn cho các dự án, được biết EVNNPT đã cân đối trên cơ sở sử dụng vốn tự có và vốn vay ngân hàng. Theo đó, EVNNPT đã được 4 ngân hàng cam kết bằng văn bản cho vay vốn để thực hiện các dự án trên.

Đánh giá về khả năng hoàn thành dự án trên vào tháng 6-2024, một đại diện của ngành điện cho rằng "rất khó khả thi". Bởi theo kinh nghiệm thực tế đã thực hiện đối với các dự án truyền tải có quy mô lớn là khó khả thi do khối lượng công việc và thủ tục rất lớn. 

Với dự án này, sẽ phải xây dựng mới hai mạch đường dây 500kV với tổng chiều dài khoảng 515km đi qua 8 tỉnh, có khối lượng bồi thường giải phóng mặt bằng lớn, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đáng chú ý là đến thời điểm này vẫn chưa có dự án nào hoàn thành thủ tục phê duyệt hoặc được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Dữ liệu tổng hợp: Bộ Công Thương, EVN - Tổng hợp: N.AN - Đồ họa: TUẤN ANH

Dữ liệu tổng hợp: Bộ Công Thương, EVN - Tổng hợp: N.AN - Đồ họa: TUẤN ANH

Phải thần tốc mới xong đường dây

Một chuyên gia ngành điện tính toán: trong trường hợp triển khai dự án theo đúng các quy định pháp luật, tháo gỡ nhanh các thủ tục đầu tư, dự án có thể hoàn thành vào tháng 5-2025. Tuy nhiên, nếu mốc thời gian đưa dự án vào vận hành là tháng 6-2024, cần phải có những cơ chế thần tốc hơn nữa, thực hiện song song việc phê duyệt các thủ tục cho dự án mới có thể kịp hoàn thành tiến độ.

Đặc biệt cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống, sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, sự tham gia tích cực của các bộ ngành và chính quyền địa phương.

Đường điện 220kV đi qua tỉnh Đồng Nai  - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đường điện 220kV đi qua tỉnh Đồng Nai - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Không được chậm trễ, khẩn trương mỗi ngày

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần thẩm tra trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án thành phần nằm trong dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối ngay trong tháng 7-2023.

Đó là điều mà lãnh đạo EVNNPT kiến nghị đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ngoài ra, EVNNPT cũng kiến nghị các cấp thẩm quyền cần chấp thuận dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Phố Nối là các công trình điện cấp bách trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và được áp dụng cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.

Đối với chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng và tác động vào rừng để triển khai xây dựng các dự án, EVNNPT cũng kiến nghị Thủ tướng thông qua số liệu trên cơ sở báo cáo của UBND các tỉnh. Vấn đề này cần giao trách nhiệm cho Bộ NN&PTNT hướng dẫn các tỉnh triển khai thực hiện, chịu trách nhiệm với các nội dung khác liên quan đến quy định Luật Lâm nghiệp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Ngoài ra, EVNNPT cũng kiến nghị Bộ Công Thương thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi song song với việc phê duyệt chủ trương đầu tư; thẩm định thiết kế kỹ thuật đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi. Bộ Tài nguyên và Môi trường được tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định đánh giá tác động môi trường (ĐTM) song song với quá trình trình duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt kết quả thẩm định ĐTM không muộn hơn 5 ngày sau khi chủ trương đầu tư được phê duyệt.

Đồng thời, EVNNPT cũng đề nghị UBND các tỉnh có trách nhiệm giữ nguyên hướng tuyến đã thỏa thuận và cập nhật vào các quy hoạch của địa phương, không để việc chồng lấn với hướng tuyến đường dây điện đã được UBND tỉnh thỏa thuận.

Các địa phương cho phép chuyển đổi đất lúa sang đất năng lượng để thực hiện dự án nhằm chủ động trong công tác đền bù. Trường hợp hết hạn mức đã được phê duyệt, địa phương báo cáo Bộ NN&PTNT để trình Chính phủ bổ sung sau.

Các tỉnh cũng được kiến nghị phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, bàn giao mặt bằng cho thi công.

Tại cuộc họp của Bộ Công Thương vào cuối tuần trước nhằm triển khai dự án trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối lưới điện liên miền, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc. Theo đó, Thủ tướng đã có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt và yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành đưa vào vận hành trong tháng 6-2024.

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, ngay sau cuộc họp do bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVNNPT đã tổ chức cuộc họp để triển khai dự án. Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân chủ trì cuộc họp và nhấn mạnh EVN sẽ ưu tiên dành nguồn lực, giải quyết thủ tục EVNNPT trình trong thời gian nhanh nhất. EVN cũng sẽ thành lập ban chỉ đạo cấp EVN để tập trung giải quyết công việc nhanh nhất.

Tuy nhiên, ông Nhân yêu cầu EVNNPT hoàn chỉnh lại các báo cáo, xây dựng các mốc tiến độ chi tiết cụ thể từ nay đến tháng 6-2024 và các cơ chế, chính sách cần sự hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để EVN báo cáo Thủ tướng và các bộ, ngành.

Việc xây dựng đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối hiện nay là cấp thiết, do đó cần phải giải quyết những vướng mắc để đưa dự án vào thực hiện sớm nhất có thể.

Tất cả phải "thượng khẩn"!

EVNNPT cũng tổ chức họp triển khai dự án với sự chủ trì của Tổng giám đốc Phạm Lê Phú, yêu cầu các đơn vị tập trung mọi nguồn lực và thực hiện các giải pháp đảm bảo hoàn thành các mốc tiến độ chính của dự án để phấn đấu khởi công dự án trong tháng 10-2023. Theo đó, các đơn vị tập trung toàn bộ các nhân sự ưu tú có nhiều kinh nghiệm của đơn vị tham gia thực hiện các dự án, trường hợp cần thiết điều động bổ nhiệm nhân sự thì báo cáo.

Các đơn vị liên quan lập kế hoạch, tiến độ điều hành chi tiết của từng dự án, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm rõ ràng. Đảm bảo công tác tổ chức thực hiện khoa học, áp dụng tối đa các giải pháp rút ngắn thời gian thực hiện của từng giai đoạn để hoàn thành đóng điện với dự án đáp ứng yêu cầu. Khẩn trương thành lập ban điều hành, ban tiền phương của các dự án, trong đó phân công rõ chức năng, nhiệm vụ của từng thành viên, phương án tổ chức thực hiện, chế độ báo cáo...

Lãnh đạo EVNNPT cũng yêu cầu xử lý các công việc, văn bản liên quan đến các dự án tối đa không quá một ngày, các công văn đi cần ghi "thượng khẩn" để được giải quyết nhanh, báo cáo ngay lãnh đạo nếu có vướng mắc. Hằng ngày họp điều độ tiến độ các dự án, hằng tuần báo cáo tiến độ triển khai, đánh giá thời gian thực hiện và đề xuất các giải pháp rút ngắn thời gian các bước triển khai tiếp theo để bù thời gian bị chậm.

Tổng giám đốc EVNNPT cũng nhấn mạnh việc phối hợp đơn vị tư vấn bám chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất. Yêu cầu các đơn vị tư vấn khẩn trương khảo sát lại hiện trạng các vị trí giao chéo đường giao thông, vượt sông, giao chéo với các đường dây 110kV, các đường dây thông tin... cập nhật vào hồ sơ thiết kế kỹ thuật, tuân thủ các quy trình, quy định khảo sát, khoan địa chất, lập nhật ký thi công, nhật ký giám sát tại công trường.

Chuyên viên Điện lực TP.HCM vận hành hệ thống điện tại Trung tâm điều độ hệ thống điện TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Chuyên viên Điện lực TP.HCM vận hành hệ thống điện tại Trung tâm điều độ hệ thống điện TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Thiếu điện: nhiều đơn vị phải kiểm điểm

Cuộc họp được tổ chức nội bộ giữa Bộ Công Thương và các bên liên quan sau hơn một tháng cơ quan này thực hiện thanh tra về cung ứng điện. Kết luận thanh tra đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong công tác chỉ đạo, điều hành cung cấp điện giai đoạn 2021-2023. Thông tin được Bộ Công Thương phát đi tại cuộc họp, kết luận đã chỉ ra các đơn vị chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện; chậm khắc phục sự cố tổ máy của một số nhà máy nhiệt điện làm giảm khả năng cung cấp điện.

EVN và các đơn vị cũng không chấp hành nghiêm chỉ thị số 29 và các chỉ đạo liên quan về kế hoạch cung ứng điện, biểu đồ cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện làm bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng. Ngoài ra việc điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện.

Việc chỉ đạo, điều hành, lập lịch, điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia mùa khô năm 2023 cũng có vi phạm. Theo đó, EVN và các đơn vị liên quan để gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc, từ nửa cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6-2023.

Từ những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm nêu trên, Bộ Công Thương đã đề nghị EVN, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam căn cứ kết luận thanh tra, tổ chức kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định với các vấn đề đã được nêu.

Kết luận thanh tra cũng yêu cầu Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Vụ Dầu khí và than tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực được giao, tiến hành xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm nếu có.

Ngày 12-7, Bộ Công Thương đã họp công bố kết luận thanh tra chuyên ngành về cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị có liên quan đến cung cấp điện.

Phải làm rõ vì sao thiếu nguồn và lưới điện

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng các nội dung kết luận thanh tra Bộ Công Thương chỉ ra đã đáp ứng được phần nào nhu cầu, mong mỏi của người dân về việc chỉ rõ trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng thiếu điện vừa qua.

Tuy nhiên, đại biểu Hòa cho rằng một trong những nội dung lớn được nêu trong kết luận thanh tra là việc chậm đầu tư, hoàn thiện một số dự án nguồn và lưới điện lại chưa thấy Bộ Công Thương làm rõ trách nhiệm. Bởi hiện nay có thực trạng trong cả nước miền Trung và Nam không thiếu điện, hoặc thậm chí là thừa điện, nhưng miền Bắc lại thiếu điện.

Bên cạnh việc các ngành sản xuất được đầu tư, tập trung lớn tại miền Bắc thời gian qua, đại biểu Hòa đánh giá việc triển khai nguồn và lưới điện tại đây chậm tiến độ, cần làm rõ trách nhiệm. Vì vậy, đại biểu Hòa đặt vấn đề là nếu chỉ kiểm điểm EVN và các đơn vị liên quan cung ứng điện thì năm 2024 có khắc phục được tình trạng thiếu điện hay không?

"Chúng tôi cho rằng cần phải có thanh tra cấp cao hơn, vì thanh tra Bộ Công Thương chỉ trong phạm vi quyền hạn nhất định. Vấn đề cung ứng điện liên quan đến các dự án nguồn và lưới điện chậm triển khai, có nhiều vướng mắc là nội dung lớn liên quan trách nhiệm nhiều đơn vị, bộ ngành.

Vì vậy, giải pháp sắp tới sẽ thế nào, năm 2024 có cam kết không để tình trạng thiếu điện nữa hay không? Chính vì thế cần nâng cao vai trò Bộ Công Thương, EVN và các đơn vị liên quan trong việc đảm bảo triển khai xây dựng các hệ thống nguồn và lưới điện, không để chậm tiến độ" - đại biểu Hòa nhấn mạnh.

Kết luận thanh tra: EVN dự báo không sát, có trách nhiệm một số đơn vị Bộ Công ThươngKết luận thanh tra: EVN dự báo không sát, có trách nhiệm một số đơn vị Bộ Công Thương

Bộ Công Thương vừa họp công bố kết luận thanh tra về quản lý, vận hành cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị liên quan. Vậy những vướng mắc, tồn tại và vi phạm trong hoạt động cung ứng điện được thanh tra kết luận thế nào?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp