Cầu Mỹ Lợi nằm trên quốc lộ 50, nối giữa tỉnh Long An với Tiền Giang - Ảnh: Mậu Trường |
Sáng 29-8, tại buổi lễ thông xe (nối hai tỉnh Long An - Tiền Giang), ông Nguyễn Văn Thể - thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - cho biết dự án đầu tư cầu Mỹ Lợi được phê duyệt từ lâu nhưng do thiếu kinh phí nên phải tạm dừng trong nhiều năm.
Chỉ đến khi chuyển qua hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), liên danh Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt và Công ty cổ phần Bêtông 620 Long An mới ứng vốn đầu tư xây dựng cầu, giúp nối đôi bờ giữa Long An và Tiền Giang.
Ông Thể cũng kêu gọi hai tỉnh Long An và Tiền Giang cần tận dụng cây cầu này để kéo theo những dịch vụ nhằm phát triển kinh tế khu vực như dần hình thành các cảng biển, khu công nghiệp khu vực gần cầu Mỹ Lợi.
Ông Nguyễn Văn Đạt - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt - cho biết công trình cầu Mỹ Lợi chính thức khởi công cuối tháng 1-2014 và hoàn thành đúng tiến độ sau 18 tháng.
Cầu Mỹ Lợi đi vào hoạt động tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Tiền Giang và Long An. Nhiều nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đã hướng về khu vực này.
Cầu Mỹ Lợi nằm trên quốc lộ 50, cách phà Mỹ Lợi khoảng 1km về phía hạ lưu sông Vàm Cỏ với tổng chiều dài gần 2.700m; trong đó phần cầu dài hơn 1.400m, được xây dựng bằng kết cấu bêtông cốt thép và bêtông cốt thép dự ứng lực, tốc độ thiết kế 80 km/giờ.
Mặt cắt ngang cầu rộng 12m đảm bảo hai làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Tổng mức đầu tư dự án cầu Mỹ Lợi khoảng 1.438 tỉ đồng.
Đại diện Ban quản lý dự án 7 - Bộ Giao thông vận tải (đại diện chủ đầu tư dự án cầu Mỹ Lợi) cho hay cầu Mỹ Lợi sẽ thu phí trong vòng 28 năm 4 tháng. Dự kiến việc thu phí cầu Mỹ Lợi được triển khai vào tháng 11-2015, mức phí hiện vẫn chưa được công bố.
Việc thông xe cầu Mỹ Lợi giúp người dân Tiền Giang, Long An và TP.HCM đi lại thuận tiện hơn.
Đưa di ảnh ba má đi ngắm cầu Sáng 29-8, anh Nguyễn Văn Hải (quận Bình Thạnh, TP.HCM), một người anh thân thiết của tôi, ra khỏi nhà từ sớm. Anh mang di ảnh ba má vợ đến đây để đợi thông xe, để ba má anh được “ngắm” cây cầu mà ông bà đã từng ao ước một lần được đi qua kể từ khi cầu khởi công. Dẫu là ba má vợ, nhưng anh luôn xem như ba má ruột, cho nên anh muốn thực hiện tâm nguyện của ông bà. Anh Hải ôm di ảnh đi chuyến phà cuối cùng qua sông Vàm Cỏ. Anh xin tấm vé phà làm kỷ niệm, cô soát vé nói có rất nhiều người như anh xin vé làm kỷ niệm, vé không đủ. Nhưng nghe anh kể câu chuyện xúc động, cô tặng tấm vé cho anh. Ôm di ảnh trong lòng, anh Hải nói thầm: “Ba má đang qua phà. Mấy chục năm ba má đi phà rành quá rồi, hôm nay là chuyến phà cuối cùng”. Tháng 4-2015, má vợ anh (90 tuổi) bị xuất huyết bao tử, cả nhà gọi xe chở lên TP.HCM để cấp cứu. Nhưng trên đường đi, khi đang qua phà má anh không qua khỏi, chiếc xe quay đầu trở về, là chuyến xe cuối cùng trong cuộc đời má anh. Hôm tiễn đưa má vợ anh về nơi an nghỉ cuối cùng ở huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), tôi nghe anh nói: “Má chờ chưa thấy cầu nhưng má cũng đã nằm lại trên vùng sông mà cả đời má đã từng gắn bó đó má”. Cầu thông xe, anh Hải ôm di ảnh ba má đi qua cầu với thật nhiều nỗi niềm. Hai năm trước, ba vợ anh cũng ra đi ở tuổi 90. Lúc còn sống, hai ông bà cứ luôn hỏi các con rằng cầu xong chưa, xây đến đâu rồi. Bây giờ, vừa đi qua cầu anh Hải vừa đưa ảnh các hướng để ba má anh được nhìn cảnh quan thật rõ. Anh nói nhỏ: “Hôm nay cầu thông rồi, ba má đi qua cầu chơi với con nha! Cầu đẹp lắm ba má. Bây giờ ở nơi chín suối ba má cũng nhìn thấy cầu và mãn nguyện rồi phải không ba má!”. Anh Hải nói với tôi rằng anh đi nhiều lần qua cầu nên rất mệt, nhưng anh rất vui vì đã hoàn thành được nguyện ước của ba má. “Từ nay đã có cầu rồi thì anh mong những người khác không phải đi trên những chuyến xe muộn màng như má anh” - anh nói. Mắt anh Hải nhìn xa xăm. Tôi hiểu cây cầu Mỹ Lợi là nỗi chờ mong của biết bao người ở vùng sông nước này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận