23/09/2018 10:49 GMT+7

Đưa dân khỏi vùng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long

N.TÀI - L.DÂN
N.TÀI - L.DÂN

TTO - Trước tình trạng sạt lở xảy ra liên tục ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tỉnh thành trong vùng đang có kế hoạch di dời hàng ngàn nhà ở của người dân ven sông rạch.

Đưa dân khỏi vùng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch di dời nhà dân vùng sạt lở. Trong ảnh: một điểm sạt lở ở sông Tiền (Long Thuận, Hồng Ngự, Đồng Tháp) - Ảnh: N.TÀI

Việc gia tăng xây dựng nhà cửa ven sông, rạch được xem là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua, nhưng việc di dời không phải dễ.

Sạt lở đặc biệt nguy hiểm

Tại , 8 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 16 điểm sạt lở, thiệt hại gần 34 tỉ đồng. Qua khảo sát có hơn 154km chiều dài có nguy cơ sạt lở với hơn 2.610 căn nhà cần phải di dời.

Ông Nguyễn Ngọc Hè - giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ - cho biết người dân cất nhà sống ven sông, rạch vừa nguy hiểm vừa là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở. 

TP đã lập kế hoạch phòng chống sạt lở và bố trí lại dân cư ở những nơi có nguy cơ sạt lở. Đến năm 2030 sẽ di dời, bố trí chỗ ở ổn định cho 9.350 hộ dân sống ven sông, rạch.

Trong đó, từ nay đến năm 2020 sẽ di dời hơn 5.000 hộ với hình thức đưa vào 6 cụm dân cư tập trung; xen ghép vào các tuyến dân cư của 33 xã, phường, thị trấn...

Còn tại Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay xảy ra gần cả trăm vụ sạt lở với tổng chiều dài sạt lở 38.370m, ăn sâu vào đất liền có nơi 20-30m. 

Sạt lở không gây thiệt hại về người, tuy nhiên thiệt hại về vật chất ước tính gần 20 tỉ đồng, trong đó có 1.580 nhà bị ảnh hưởng, 1.570 ngôi nhà buộc phải di dời khẩn cấp.

Trong khi đó tỉnh Đồng Tháp hiện đang cần xây dựng 12 cụm dân cư ở 7 huyện, thị xã, TP với tổng diện tích 61ha để bố trí cho 2.440 hộ đang nằm trong vành đai sạt lở đặc biệt nguy hiểm có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

Đưa dân khỏi vùng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 2.

Khu vực sạt lở ven sông Ô Môn (phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) với 34 căn nhà ven sông bị ảnh hưởng - Ảnh: CHÍ QUỐC

Càng cấm, nhà ở ven sông... càng tăng

Điển hình nhất cho tình trạng này là khi 11 năm trước, tỉnh đã có đề án di dời nhà trên sông, kênh, rạch đảm bảo vệ sinh môi trường nhưng đến nay tình trạng này vẫn không giảm mà còn tăng lên. 

Chính quyền các địa phương cũng thừa nhận để xảy ra tình trạng này do còn nể nang, né tránh và thiếu kiên quyết trong xử lý.

Mới đây, câu chuyện ông Nguyễn Văn Viễn - chủ tịch UBND xã Long Điền B (huyện Chợ Mới, An Giang) - kiên quyết không cho một hộ dân xây dựng nhà ven kênh Ông Chưởng liền bị hộ này khiếu nại.

Theo ông Viễn, kênh Ông Chưởng thời gian gần đây liên tục xảy ra sạt lở nặng là do một phần nguyên nhân từ các công trình xây dựng nhà ở kiên cố ven kênh mà chính quyền địa phương lúc trước đã thiếu kiên quyết, không mạnh tay xử lý mới dẫn đến tình trạng nhà dân ven kênh này còn nhiều như hiện nay.

Còn ông Ngô Hoàng Hiếu - chủ tịch UBND huyện Chợ Mới - cho biết trước đây ban ngày họ làm khung sẵn rồi đến tối lại ráp vào nên hình thành nhà rất nhanh. Sở dĩ bà con cất nhà ven kênh là do tách hộ ra nhưng không có đất ở nên cất tạm bờ kênh rất nhiều. 

Hiện tại huyện đang tuyên truyền, vận động và ngăn chặn việc bà con cất nhà ven kênh, rạch, đồng thời xin vốn xây dựng 7 cụm, tuyến dân cư để di dời bà con vào ở ổn định.

Theo Sở Xây dựng An Giang, giai đoạn 2007 - 2013 tỉnh này còn 16.660 căn nhà ven sông, kênh, rạch, giảm 3.020 căn so với năm 2007. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2013 - 2016, tổng số nhà lại tăng lên 21.090 căn ven kênh, rạch cần phải di dời.

Ông Vương Bình Thạnh - chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho rằng thời gian qua do chính quyền làm chưa nghiêm mới để xảy ra tình trạng không giải tỏa, di dời nhà ven kênh, rạch. Vì vậy, bây giờ tỉnh phải kiến nghị, xin vốn Chính phủ để di dời nhà là rất khó khăn.

Đưa dân khỏi vùng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 3.

Nhà dân ven sông Vàm Nao (huyện Chợ Mới, An Giang) và nơi từng xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng khiến nhiều căn nhà trôi sông. Hiện chính quyền đã lấp cát gia cố nhưng chưa cho dân xây cất - Ảnh: C.QUỐC

Các tỉnh than thiếu vốn

Hậu Giang hiện có khoảng 9.800 căn nhà ven sông, rạch thuộc khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở. Ông Trương Cảnh Tuyên - phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - cho biết tỉnh đã ban hành kế hoạch bố trí ổn định dân cư giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025. 

Giai đoạn 2017 - 2020 di dời hơn 5.100 căn, đến năm 2025 di dời khoảng 4.700 căn.

Các hộ dân sống ven sông rạch sẽ được bố trí đến 8 cụm dân cư tập trung, xen ghép vào tuyến dân cư trên địa bàn 33 xã, phường, thị trấn và ổn định tại chỗ trên địa bàn 56 xã, phường, thị trấn. Tổng nguồn vốn thực hiện hơn 646 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Tuyên, việc xây dựng các cụm dân cư đang gặp khó do thiếu vốn. Tỉnh đang quy hoạch xây dựng tuyến dân cư mới phục vụ di dời cho khoảng 1.000 căn nhà ven sông Hậu, sông Cái Côn... nhưng chưa có vốn thực hiện. 

Trong khi chờ trung ương bố trí vốn, những hộ sống ven sông rạch có nguy cơ sạt lở cao sẽ được bố trí vào cụm tuyến dân cư vượt lũ còn trống.

Ông Nguyễn Việt Trí - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh An Giang - cũng cho biết tỉnh chưa có lộ trình cụ thể để di dời nhà ven kênh rạch mà chỉ có vận động xã hội hóa làm các cụm, tuyến dân cư để di dân ven sông, kênh, rạch vào ở. Muốn có lộ trình cụ thể thì phải có nguồn vốn mà số tiền này quá lớn.

"Vài năm qua, tỉnh đã hạn chế không cho phát sinh nhà mới ven sông, kênh, rạch, giảm từng bước và kết hợp với nhiều chương trình khác nhau để dân không ở ven kênh, rạch nữa. 

UBND tỉnh đã có công văn vài năm nay chỉ đạo các huyện, thị, TP không cho phát sinh nhà ở ven sông, kênh, rạch. Nếu địa phương nào để xảy ra thì nơi đó chịu trách nhiệm" - ông Trí nêu giải pháp.

Còn ông Võ Thành Thống - chủ tịch UBND TP Cần Thơ - nói để giải quyết căn cơ tình trạng người dân tái chiếm sông, rạch để cất nhà, TP sẽ có chính sách đền bù cho những hộ dân có giấy tờ. 

Hộ không có giấy tờ thì hỗ trợ, đồng thời có thể cho họ nợ tiền sử dụng đất hoặc có thể hỗ trợ lãi suất ngân hàng khi vay mua đất cất nhà.

TP sẽ ưu tiên vốn để thực hiện các dự án dân cư, bờ kè vừa đảm bảo việc di dời, bố trí dân cư vừa hạn chế sạt lở nghiêm trọng xảy ra.

Đồng Tháp: 900 hộ dân "ăn nhờ ở đậu"

Vì kinh phí quá lớn, tỉnh Đồng Tháp có công văn gửi Tổng cục Phòng chống thiên tai về nhu cầu xây dựng khẩn cấp khu dân cư cho 900 hộ dân nằm trong khu vực sạt lở mà không có nhà ở phải "ăn nhờ ở đậu" người thân.

Bốn địa phương nằm trong báo động đỏ này là huyện Hồng Ngự, huyện Cao Lãnh, TP Cao Lãnh và huyện Thanh Bình.

Trong khi đó, tỉnh vẫn chưa có động thái cấm người dân xây cất nhà dọc các tuyến sông, kênh, rạch. Ông Võ Thành Ngoan - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp - cho biết hiện nay tỉnh có những khuyến cáo, tuyên truyền để người dân hạn chế xây cất nhà ven sông chứ chưa có chủ trương cấm hoặc chế tài.

Hạn chế xây nhà ven sông, rạch

Tại hội nghị về phòng chống sạt lở vừa tổ chức tại Cần Thơ, ông Đinh Công Sản - phó giám đốc Trung tâm Phòng chống thiên tai (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) - cảnh báo tình trạng lấn chiếm mặt bằng làm bờ kè và tình trạng xây dựng các công trình ở bờ sông là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ sạt lở.

Ông Sản dẫn số liệu cho thấy trong giai đoạn 1999 - 2016 dân số ĐBSCL đã tăng hơn 1 triệu người, dẫn đến việc xây dựng công trình hạ tầng, nhà ven sông và ven biển gia tăng.

Do đó cùng với việc xây dựng các công trình chống sạt lở, cần phải quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ven sông, kênh, rạch.

Chuyên gia nói gì?

* PGS.TS Lê Anh Tuấn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ):

Di dời lấy đất làm đường đi

Xu hướng hiện nay của các địa phương là di dời dân ra khỏi sông, rạch càng nhiều càng tốt, lấy đất ven sông rạch làm đường đi.

Những đoạn sông, rạch bị sạt lở sau khi di dời dân cần có khảo sát. Nếu vị trí sạt lở có khả năng ổn định thì gia cố lại, còn nếu khoét hàm ếch quá lớn thì bỏ luôn vì có làm cũng không hiệu quả.

* Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia về sinh thái ĐBSCL):

Chủ động di dời

Đối với biện pháp gia cố công trình trong vấn đề sạt lở chỉ nên làm ở những nơi xung yếu, TP, nơi đông dân cư không thể bỏ được. Còn những vùng nông thôn có đổ bao nhiêu tiền cũng không chạy theo kịp so với sạt lở.

Giải pháp tốt nhất là có chương trình chủ động di dời người dân khỏi những nơi nguy hiểm trước mắt. Việc di dời kèm theo chương trình về sinh kế, an sinh xã hội.

* TS Dương Văn Ni (khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ):

Đảm bảo sinh kế

Bên cạnh các giải pháp khác, giải pháp căn cơ, lâu dài trong việc phòng chống sạt lở ở ĐBSCL, Nhà nước cần có chương trình cho người dân sinh sống ven sông, ven biển đi học nghề, đào tạo nguồn nhân lực để họ di tản đến chỗ khác nhưng vẫn đảm bảo sinh kế.

Không chỉ di dời dân đơn thuần mà không tính đến các yếu tố này.

Người dân muốn gì?

* Ông Bùi Cần Thơ (57 tuổi, xã Mỹ Hội Đông, Chợ Mới, An Giang):

Ở gần sông thuận tiện

Tôi cùng nhiều hộ dân ở khu vực sạt lở này vẫn thích ở gần sông, bởi gần sông sẽ thuận tiện nhiều thứ hơn.

Sau vụ sạt lở, tôi và một số hộ dân ở tổ 12, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông được ngành chức năng khắc phục cơ bản an toàn nên tôi quay lại sinh sống. Lý do quay lại nơi này sinh sống vì miệng "hà bá" đã được lấp đầy cát, đá.

Sống gần sông thuận tiện lắm. Cúp nước cũng có thể tắm dưới sông. Làm nghề câu lưới cũng dễ hơn. Bây giờ tiền đâu mua đất vào khu dân cư sống. Mà vào đó làm gì kiếm tiền sinh sống đây?

* Ông Trương Văn Miên (ngụ P.Thới An, Q.Ô Môn, TP Cần Thơ):

Có kè kiên cố mới dám ở

Vụ sạt lở hồi tháng 5, nhà tôi bị sạt tới hàng ba (trước cửa nhà). Trước đó một tuần lễ một căn nhà cách đó không xa đã bị sạt, tức là có sự "cảnh cáo" trước khi vụ sạt lở ảnh hưởng tới 35 căn xảy ra. Gia đình tôi chỉ ở tạm chỗ khác, không còn dám ở đây.

Cơ quan chức năng có hứa sẽ làm kè khu vực này, rồi làm con đường rộng 2m. Chừng nào làm xong, kiên cố, hết sạt lở tôi mới dám quay về ở.

Phá rừng, xây thủy điện là nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất

TTO - Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tại, từ năm 2010 đến 2017 đã xảy ra 260 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng.

N.TÀI - L.DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp