18/10/2021 06:24 GMT+7

Đưa con từ cuộc sống 'số' về cuộc sống 'thật', cũng phải có 'quy trình'

TRỌNG NHÂN ghi
TRỌNG NHÂN ghi

TTO - Sau nhiều tháng quanh quẩn trong nhà, làm bạn với tivi, điện thoại, máy vi tính, trẻ em ở nhiều nơi kiểm soát dịch tốt dần trở lại lịch sinh hoạt như trước đây. Cha mẹ cần làm gì để cùng con chuyển từ cuộc sống "số" sang cuộc sống "thật"?

Đưa con từ cuộc sống số về cuộc sống thật, cũng phải có quy trình  - Ảnh 1.

Một học sinh tiểu học tại TP.HCM học trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19 - Ảnh: TỰ TRUNG

Đã quá quen với cuộc sống gắn liền với các thiết bị số trong một thời gian dài, theo các chuyên gia, việc giúp trẻ trở về cuộc sống "bình thường mới" và giảm dần sự phụ thuộc vào các thiết bị số không phải điều đơn giản.

- ThS Nguyễn Công Bình (phó giám đốc Trung tâm tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức):

"Nhả" dần thiết bị số

Trong giai đoạn "bình thường mới", cha mẹ cố gắng duy trì nhịp sinh hoạt thường ngày của trẻ ở mức ổn định nhất rồi mới điều chỉnh dần. Nếu lập tức thay đổi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, gây lo lắng cho trẻ. Tuy nhiên, một trong các tiêu chí cần gia giảm khi "bình thường mới" là thời gian sử dụng các thiết bị số hằng ngày của các em.

Trong nhiều tháng giãn cách, người bạn quen thuộc của các em thường là máy tính, tivi, điện thoại. Giờ đây, các gia đình cần đặt lại những quy tắc cho trẻ theo hướng giảm thời thời gian dùng thiết bị số và tăng cường các hoạt động khác.

Sự cân bằng giữa hoạt động ngoài trời và trong nhà rất quan trọng. Ở những địa phương tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, việc dần cho con ra bên ngoài như đi công viên, tập thể dục sẽ giúp cải thiện tinh thần sau mùa dịch, giảm bớt các hành vi tiềm ẩn như cáu gắt, chống đối do ở trong bốn bức tường quá lâu.

Khi "bình thường mới", các gia đình sẽ dễ có sự trợ giúp từ người thân như ông bà, anh chị... trước đây không thể tương tác trực tiếp vì hạn chế đi lại. Cho trẻ tiếp xúc lại với người thân cũng là cách gia tăng khả năng tương tác và giảm dần sự phụ thuộc của các em vào các thiết bị công nghệ.

- ThS Nguyễn Minh Thành (giảng viên bộ môn tâm lý học Trường ĐH Hoa Sen, cố vấn chuyên môn cho Tổ chức giáo dục tích cực HEARY tại Việt Nam):

Cân bằng hai hướng giải trí

Ở những địa phương vẫn còn ghi nhận số ca nhiễm đáng kể, hoạt động vui chơi vẫn chưa thể trở lại hoàn toàn. Vì vậy dù là giai đoạn "bình thường mới", sinh hoạt của trẻ em ở những tỉnh thành này vẫn chủ yếu xung quanh khuôn viên nhà. 

Nhưng nhìn chung các điều kiện để tiếp cận với các công cụ giải trí cũng đã đa dạng hơn giai đoạn giãn cách. Do đó, cha mẹ nên đảm bảo các hoạt động giải trí của con cần có đủ 2 loại hình. Một là giải trí độc lập, bao gồm việc để trẻ tự đọc sách, chơi đồ chơi... và hoạt động mang tính kết nối để vừa vui chơi, vừa gắn kết thêm tình cảm gia đình.

Cần nhớ rằng "chất lượng quan trọng hơn số lượng". Cha mẹ khi đã ở bên con hãy biến đó thành khoảng thời gian chất lượng nhất, khi cha mẹ và con cái hoàn toàn gắn kết vào hoạt động và mang lại niềm vui cho mọi người. Không thể vừa chơi vừa tranh thủ nấu ăn, sẽ mất tính gắn kết.

Cần tinh tế quan sát các vấn đề con đang gặp phải. Sau mùa dịch, các em có thể trải qua trạng thái trầm buồn, mệt mỏi, căng thẳng, nhưng lại không nhận thức được mình đang ở trong những trạng thái đó. Vì vậy, thường xuyên đối thoại với con sẽ giúp cha mẹ sớm nhận ra những nguy cơ này để can thiệp.

- TS Lê Minh Thuận (giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM):

Trang bị các kỹ năng "sống chung" với dịch

Khi các hoạt động quay lại bình thường, trẻ sẽ phải đi vào khuôn khổ như đến trường, hạn chế các thiết bị thông minh, sinh hoạt đúng giờ..., do đó trẻ sẽ cảm thấy bị gò bó. Cha mẹ cần thường xuyên bên cạnh an ủi, giải thích, động viên cho con.

Đối với trường hợp trẻ gặp nhiều vấn đề nặng về tâm lý không thể quay lại cuộc sống bình thường, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ kịp thời.

Trong tình hình mới, phụ huynh phải chú ý đến việc dạy trẻ các kỹ năng phòng chống lây nhiễm COVID-19 cần thiết, trong sinh hoạt hằng ngày và đến trường học, trong đó các kỹ năng quan trọng như thường xuyên rửa tay với xà phòng, đeo khẩu trang đúng cách, sát khuẩn tay thường xuyên, giữ khoảng cách tối đa ở các khu vực đông người, hạn chế tụ tập... cần được thuần thục trước thời điểm trở lại trường học trực tiếp.

THU HIẾN ghi

Không vội "ép" trẻ học online dồn dập

Dù "bình thường mới", không ít trẻ em trên cả nước vẫn hằng ngày tham gia các lớp học online. Trong khi đó, một số phụ huynh có tâm lý tận dụng giai đoạn này cho trẻ học thật nhiều các khóa từ học thêm, học tiếng Anh, đến STEM... Cân nhắc thật kỹ trước khi cho trẻ tham gia những khóa như thế.

Thời gian tiếp xúc với màn hình máy tính vượt ngưỡng sẽ ảnh hưởng đến thị lực, đồng thời tạo thêm áp lực lên vai trẻ trước khi trở lại trường.

Các khóa học thêm online nếu có chỉ nên dừng lại ở 1-2 lớp cho mỗi trẻ. Thay vào đó, nên chú trọng hơn vào thời gian học trực tuyến chính khóa. Cha mẹ cần duy trì những hỗ trợ cho các em về sức khỏe và tinh thần để mỗi buổi học các em luôn có sự tập trung tốt nhất.

ThS Nguyễn Minh Thành

Những tiết học giải tỏa căng thẳng sau dịch

Theo BBC, các trường học ở Singapore rất quan tâm đến việc giúp học sinh trở lại cuộc sống bình thường sau giãn cách.

Nhiều trường tiểu học và trung học đã bắt đầu một tuần học bằng các buổi nói chuyện để khuyến khích học sinh bày tỏ cảm xúc của mình, nâng cao khả năng xử lý những mối lo lắng.

Các buổi nói chuyện này đều có các video hoạt hình để giúp học sinh xác định và quản lý căng thẳng, trong khi giáo viên chia sẻ kinh nghiệm cá nhân để khuyến khích trẻ thảo luận tự do.

Ngoài ra, các trường cũng tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức cho giáo viên và đội ngũ tư vấn học đường về những tác động do thời gian ở trong nhà quá lâu đến sự phát triển của trẻ. Qua đó, giáo viên có hướng tiếp cận tốt nhất với các em trong những bài giảng của mình.

img_8480 18-10 1(read-only)

Ngoài những giờ học căng thẳng, cần cho trẻ giải trí bằng các hoạt động trong nhà và ngoài trời - Ảnh: N.HUY

Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cũng đưa ra khuyến cáo cho cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn đến việc giúp con ổn định tinh thần khi trở về cuộc sống bình thường thời "hậu giãn cách".

Cha mẹ cần tạo một môi trường hỗ trợ và khích lệ cho trẻ, lắng nghe và tôn trọng những câu hỏi và biểu hiện cảm xúc của trẻ. Cần thể hiện sự ủng hộ và cho trẻ biết rằng trẻ có quyền cảm thấy bực bội hoặc lo âu để được giải tỏa.

Kế đó, phụ huynh cần giúp con tuân thủ lịch sinh hoạt và vừa học, vừa chơi bằng cách lồng ghép bài học vào các hoạt động thường nhật như nấu ăn, đọc sách hoặc vui đùa cùng cả nhà. Cha mẹ cũng có thể tham gia một nhóm cha mẹ hoặc cộng đồng nào đó để kết nối với những phụ huynh khác cùng hoàn cảnh, từ đó chia sẻ bí quyết và hỗ trợ lẫn nhau.

HOÀNG THI

Con học online, cha mẹ đo thế nào? Con học online, cha mẹ đo thế nào?

TTO - Nhiều phụ huynh chia sẻ ngày ngày nhìn con lên máy tính học online đều đặn nhưng lại không rõ con đã học hành như thế nào, phát triển đến đâu.

TRỌNG NHÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp