Phóng to |
Anne (Kathy Uyên - trái) và Bảo Trang (Phương Mai) trong thế giới thời trang sôi động hài hước của Âm mưu giày gót nhọn - Ảnh: Galaxy |
“New York là một thành phố không bao giờ ngủ, người người từ khắp nơi đổ về đây với khát khao biến giấc mơ cuộc đời thành sự thật. Nhưng vấn đề là... quá nhiều người cùng nghĩ như thế!” - Anne (Kathy Uyên), nhân vật chính của Âm mưu giày gót nhọn, đã “kết luận” một câu gãy gọn mà trúng phóc như thế trước khi bắt đầu câu chuyện về mình...
Giấc mơ Việt trên đất Mỹ
Khán giả biết đến Kathy Uyên lần đầu trong vai cô cảnh sát xinh đẹp, một bà mẹ đơn thân mạnh mẽ với Chuyện tình xa xứ của Victor Vũ vào năm 2009. Một vai ít đất diễn và chưa bộc lộ khả năng diễn xuất là bao so với cái nền được học hành bài bản của cô. Cho đến năm 2010 khi Để Mai tính ra mắt, Kathy mới được chú ý nhiều hơn nhưng ấn tượng chung vẫn là một cô Việt kiều có giọng nói đớt đớt vui tai, nhan sắc thuộc loại trung bình và...hết!
Và có lẽ nếu cứ ngồi chờ một vai diễn đo ni đóng giày, một sự ưu ái đặc biệt nào đó từ một đạo diễn Việt, làm một bộ phim cho người Việt xem rồi mời một cô Việt kiều sinh ra và lớn lên tại Mỹ như Kathy đóng vai chính thì phải chờ đến...tết Côngô mất! “Lúc đó Kathy nghĩ tại sao mình không tự đứng ra làm một bộ phim dành cho chính mình, về mọi cảm xúc, bỡ ngỡ, suy tư của một cô Việt kiều đang tìm kiếm cơ hội trên quê hương mình? Ở đó mình có thể nói cái giọng đớt đớt (dù đã rất cố gắng học tiếng Việt trong bốn năm qua) mà không sợ bị ai chê cười, vì đó là chính mình” - cô nói. Và thế là một hành trình vui nhộn, đầy nước mắt và tiếng cười đã bắt đầu...
Sườn kịch bản đến với Kathy rất nhanh nhưng phải mất đến hai năm rưỡi câu chuyện của Âm mưu giày gót nhọn mới được hoàn chỉnh tươm tất. “Ngoại trừ chuyện về VN vì sợ bị... giật chồng ra thì tất cả những gì xảy ra với Anne trong phim đều giống Kathy ngoài đời thật” - Kathy kể.
Xem phim cũng thấy Anne là một cô gái có tâm hồn đẹp, nhưng cũng như bao cô gái trẻ thị thành khác, cô sống trong một áp lực khủng khiếp về cuộc sống, tình yêu, gia đình và luôn bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo. Kế hoạch cuộc đời của Anne thoạt nghe có vẻ rất máy móc và hài hước, nhưng làm thế nào để một cô gái vừa phải thật xinh đẹp trong mắt mọi người, vừa phải có một sự nghiệp đáng mong ước, vừa sở hữu một tình yêu ngọt ngào... nếu như cô ấy không tự lập ra một bản kế hoạch nghẹt thở như vậy? Anne không là ai cả, nhưng cũng có thể là hiện thân của rất nhiều cô gái gốc Việt loay hoay với giấc mơ nơi xứ người, để rồi những chuyến ra đi - trở về đã mang họ đến sự kết nối vô hình với những điều thân thuộc nơi quê nhà.
Chọn một đề tài rất lấp lánh, thời thượng và dễ tạo được sự thu hút của đám đông là thời trang, nhưng Kathy không đối xử với sản phẩm đầu tay của mình như một tác phẩm giải trí xem nhanh để rồi quên vội.
Ngoài năng khiếu khéo léo trời cho được thừa hưởng từ mẹ, vốn là một thợ may, tất tần tật các kỹ năng khác từ vẽ thiết kế, trang điểm, tạo phong cách, chọn xu hướng thịnh hành, cô Việt kiều đều phải vác sách đến học ở một lớp thiết kế chuyên nghiệp trong hai tháng.
Có bao nhiêu bạn bè làm stylist, make-up, nhà thiết kế thì bấy nhiêu người bị Kathy “làm phiền”, bởi showbiz Việt khi ấy vẫn là một khoảng tối đầy bí hiểm với một cô Việt kiều lơ ngơ, chân ướt chân ráo mới về như Kathy. Nhưng cũng nhờ vậy mà giới “sành điệu xài túi hiệu” trong Âm mưu giày gót nhọn không chỉ bóng bẩy lướt qua khung hình mà từng chi tiết, nhân vật đều ít nhiều khơi gợi rằng sẽ không dễ phán xét đúng - sai với bất kỳ ai bởi đó đơn giản là những lựa chọn.
Ý tưởng này là của chúng mình!
Sẽ khó lòng có một Âm mưu giày gót nhọn hoàn chỉnh như hôm nay nếu như bộ phim không phải là tiếng nói chung của cả một tập thể những người Mỹ gốc Việt hoặc những người bạn nước ngoài đã bị “lây lan”: đạo diễn Hàm Trần, nhà sản xuất Timothy Linh Bùi, Irene Trịnh và Kathy Uyên, D.O.P Guillermo Rosas (vốn là camera B cho siêu phẩm Titanic), biên kịch Tim Tori, nhạc phim Thanh Bùi (lời Huy Tuấn), diễn viên nam chính Petey Majik Nguyễn...
Bốn năm thai nghén, mười người cả thảy đã cùng nhúng tay chỉnh sửa, đôn đốc kịch bản từ khi còn là bản thảo tiếng Anh cho đến tiếng Việt, Âm mưu giày gót nhọn đóng máy vào đúng đêm 29 Tết Quý Tỵ trong sự sung sướng đến bật khóc bởi cuối cùng giấc mơ của Kathy - hay thật ra là của tất cả những người bạn Việt kiều giống cô - đã phần nào trở thành hiện thực...
Khi hỏi Kathy Uyên làm cách nào để thuyết phục mọi người cùng say mê và đồng lòng với dự án của mình, cô chỉ lắc đầu: “Có thể đó cũng là những điều họ đã mong chờ được thực hiện từ lâu: làm một bộ phim Việt do chính những người Việt xa quê thực hiện. Và chúng tôi tìm đến nhau như thể trở về đại gia đình”.
Những chuyến đi xa, những vùng đất mới có thể làm cho người ta say mê, hứng khởi, mang đến cho ta nhiều hoài bão. Thế nhưng nếu cứ mãi là người phải xách balô lên và tìm kiếm, ta sẽ hiểu được giá trị của một nơi chốn để quay về.
Một nơi ấm áp, thân thuộc, luôn mở cửa, chờ đợi với những cơ hội mới dù rằng nho nhỏ nhưng không kém phần thú vị. “Thế thì sao lại không thử?” - Kathy Uyên hỏi lại nhưng thật ra cô đã có chắc câu trả lời. Và “đứa con lai” đầu tiên này - như cách Kathy gọi bộ phim của mình - chỉ là khởi đầu cho giấc mơ ấy...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận