Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với ông Iwasaki Toshiyuki - chủ tịch Công ty Nohara Sangyo - về việc đưa lao động Việt Nam sang Nhật lao động - Ảnh: THẢO LÊ
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết trong 2 năm 2018 và 2019, Đồng Tháp đã đưa được hơn 3.200 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, lao động chủ yếu tập trung tại thị trường Nhật Bản và Đài Loan.
Đồng Tháp đã ký kết với tỉnh Gangwon (Hàn Quốc) đưa lao động sang làm việc thời vụ. Hai năm qua đã đưa 220 lao động sang Hàn Quốc.
Tuy nhiên, đây chỉ là chương trình thí điểm, chưa có sự thỏa thuận giữa hai Chính phủ. UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Lao động - thương binh và xã hội phối hợp Bộ Lao động Hàn Quốc trình chính phủ hai nước ký thỏa thuận hợp tác đưa lao động đi làm việc thời vụ.
Trao đổi lại, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ủng hộ tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đưa lao động sang Hàn Quốc làm thời vụ, tuy nhiên phải có báo cáo cụ thể với Bộ Ngoại giao và các bộ ngành liên quan để quản lý.
Ông Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: THẢO LÊ
Cục trưởng Cục Quản lý Lao động nước ngoài Tống Hải Nam cho biết hiện nay Đồng Tháp có 139 lao động làm việc Ba Lan theo hợp đồng cá nhân, dễ dẫn đến tình trạng lao động bỏ trốn qua Tây Âu hoặc bị doanh nghiệp chèn ép.
Về vấn đề này, ông Đào Ngọc Dung cho rằng cần có đơn vị quản lý chặt chẽ lao động Đồng Tháp sang Ba Lan làm việc, tránh trường hợp người dân bỏ trốn trở thành lao động bất hợp pháp gây ra hệ lụy như thời gian qua.
Trước chỉ đạo của bộ trưởng, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Đồng Tháp Bùi Thành Nhơn cho biết sẽ cử đoàn sang Ba Lan để thăm hỏi, nắm bắt tình hình lao động tại đây.
Về giải quyết chính sách người có công, theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp, hiện có trên 56.000 người được công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi, trong đó có trên 10.000 đối tượng đang được hưởng trợ cấp thường xuyên với số tiền gần 300 tỉ đồng/năm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự vui mừng khi Đồng Tháp luôn chú trọng chính sách người có công, không để hồ sơ người có công tồn đọng.
Bộ trưởng đề nghị tỉnh Đồng Tháp rà soát toàn bộ, quan tâm hơn nữa đến đời sống của người có công, không để trường hợp gia đình người có công lại thuộc diện hộ nghèo, thực hiện đầy đủ chính sách người có công và đối tượng bảo trợ xã hội.
Về vấn đề trục lợi chính sách, ông Dung khẳng định: "Đã trục lợi chính sách là phải thu hồi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận