20/06/2020 07:02 GMT+7

Đưa cầu thủ Việt Nam xuất ngoại: Đừng vì ý chí của các ông bầu

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - Văn Hậu (Hà Lan), Tuấn Anh (Nhật Bản), Công Phượng (Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ), Xuân Trường (Hàn Quốc, Thái Lan)... xuất ngoại để rồi miệt mài ngồi trên băng ghế dự bị hay chỉ chơi cho đội hình dự bị.

Đưa cầu thủ Việt Nam xuất ngoại: Đừng vì ý chí của các ông bầu - Ảnh 1.

Đồ họa: T.ĐẠT

Hợp đồng cho mượn Văn Hậu của CLB Hà Nội với SC Heerenveen sẽ kết thúc vào ngày 30-6. Nếu đàm phán không thành công, Văn Hậu sẽ phải về nước dù anh rất muốn ở lại Hà Lan để tìm kiếm cơ hội thi đấu chính thức. Lại thêm một lần thất bại khi xuất ngoại của cầu thủ Việt, vì sao?

Theo thống kê, mùa giải vừa qua Văn Hậu chỉ có 4 phút ra sân trong màu áo SC Heerenveen tại Cúp quốc gia Hà Lan. Thời gian còn lại anh thi đấu trong đội hình Jong Heerenveen ở giải trẻ. Cuộc xuất ngoại của Văn Hậu được "bầu" Hiển kỳ vọng có thể mang đến thành công, nhưng kết quả không như mong đợi.

Các yếu tố thương mại không sai, không xấu, nhưng không thể là tất cả trong các thương vụ chuyển nhượng của cầu thủ Việt. Nếu chọn đúng những giải đấu vừa sức, việc các cầu thủ Việt ra nước ngoài chơi bóng sẽ có độ thành công cao hơn.

Nhà báo Phạm Tấn

Chưa đủ sức chơi ở nền bóng đá phát triển

Trước Văn Hậu, một số cầu thủ khác cũng từng xuất ngoại là: Tuấn Anh (Nhật Bản), Công Phượng (Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ), Xuân Trường (Hàn Quốc, Thái Lan), hay xa hơn là cựu tuyển thủ Lê Công Vinh (Bồ Đào Nha, Nhật Bản). Cũng như Văn Hậu, các cầu thủ Việt Nam đều miệt mài ngồi trên băng ghế dự bị hay chơi cho đội hình dự bị. Nếu chỉ xét trên góc độ chuyên môn, các cuộc xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam đến lúc này đều thất bại.

Ngày 16-6, ông Võ Lê Trung, tổng giám đốc Công ty cổ phần Thể thao Hà Nội T&T, cho biết CLB SC Heerenveen chưa có đề nghị cụ thể nào với CLB Hà Nội về việc muốn giữ chân Văn Hậu. Sang Hà Lan vào tháng 9-2019, Văn Hậu được đánh giá là cầu thủ hiếm hoi của Việt Nam hội tụ được các tiêu chí chuyên môn và hình thể để có thể cạnh tranh vị trí đá chính trong một CLB tại châu Âu. Xa hơn, chuyến xuất ngoại của Văn Hậu còn là khát khao thể hiện của "bầu" Hiển. Thế nhưng Văn Hậu cũng rơi vào tình cảnh buồn như Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng từng gặp phải.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về nguyên nhân dẫn đến thất bại của Văn Hậu, chuyên gia Lê Thụy Hải khẳng định tất cả bắt nguồn từ yếu tố chuyên môn. Khả năng chuyên môn, thể lực của các cầu thủ Việt còn xa mới có thể bắt kịp được trình độ của các nền bóng đá phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu. Thậm chí ngay ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, cầu thủ Việt cũng khó có thể trụ được.

Ông Lê Thụy Hải chia sẻ: "Cầu thủ châu Âu không chỉ có chuyên môn, sức mạnh, sức bền tốt, thể hình cao lớn, họ còn có kỹ năng sống trong môi trường chuyên nghiệp như sống tự lập, giao tiếp bằng tiếng Anh. Chính vì sự khác biệt đó nên khi ra nước ngoài thi đấu, cầu thủ Việt không bắt nhịp được dẫn đến việc không có cơ hội ra sân. Văn Hậu là hậu vệ trẻ giỏi của Việt Nam, nhưng so với trình độ của các nền bóng đá hàng đầu châu Á, châu Âu, anh còn thua xa".

Xuất ngoại vì hình ảnh của ông chủ

Trong khi đó, nhà báo Phạm Tấn (Truyền hình K+) cho rằng: "Các cầu thủ Việt Nam khi ra nước ngoài chơi bóng hầu hết đều mang một "sứ mệnh" của các ông bầu chứ không đơn thuần về mặt chuyên môn. Và sứ mệnh đó có thể là sự chứng minh cho phương cách làm bóng đá, kết quả đào tạo của các ông bầu...

Các cầu thủ HAGL hay trường hợp của Văn Hậu (CLB Hà Nội) phần nào mang sứ mệnh nói trên. Và chính mục tiêu làm thương hiệu, xây dựng hình ảnh... đã dẫn tới việc lựa chọn điểm đến cho các cầu thủ không phù hợp (quá tầm), hoặc sai về mặt thời điểm (quá sớm so với mức độ trưởng thành trong sự nghiệp).

Việc không xếp yếu tố chuyên môn lên hàng đầu khi ký hợp đồng xuất ngoại thi đấu khiến cho cầu thủ Việt Nam hầu hết đều thất bại. Cũng có thể nói là chúng ta chưa có "xuất khẩu cầu thủ", hay nói chính xác hơn, các ông bầu chỉ mới thực hiện việc đưa các cầu thủ đi làm thương hiệu ở nước ngoài nhưng lại chưa thành công".

Hãy nói "không" với yếu tố thương mại

HLV Lê Thụy Hải cho rằng để khắc phục tình trạng cầu thủ Việt thất bại khi xuất ngoại, ngoài công tác chuyên môn, các cầu thủ phải được đào tạo các kỹ năng mềm để sống trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp như ngoại ngữ, sự tự lập khi sống một mình.

Nhà báo Phạm Tấn cho rằng chỉ có thể chứng kiến cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài được chơi bóng thường xuyên khi các vụ chuyển nhượng cầu thủ Việt phải dựa chủ yếu trên yếu tố chuyên môn thay vì yếu tố khác. Khi đó, CLB nước ngoài sẽ đến với cầu thủ Việt vì chất lượng, trình độ, mức phí chuyển nhượng phù hợp chứ không phải vì những thỏa thuận ngoài chuyên môn với các ông bầu.

Giấc mơ xuất ngoại của Công Phượng và hi vọng của bóng đá VN Giấc mơ xuất ngoại của Công Phượng và hi vọng của bóng đá VN

TTO - Dù rất nỗ lực, thầy trò HLV Park Hang Seo đã không thể viết tiếp câu chuyện thần thoại 1.001 đêm ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) khi thua Nhật Bản 0-1 ở tứ kết Asian Cup 2019.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp