Tên đường Trương Quốc Dung (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) ghi không đúng với tên danh nhân Trương Quốc Dụng - Ảnh: TIẾN LONG |
Hết hồn với tên đường
Ở TP.HCM, có một thời gian đô thị phình to nhanh chóng theo kiểu vết dầu loang, các quận vùng ven nào cũng có hàng chục dự án nhà ở, khu dân cư tự phát hình thành mỗi năm kéo theo hàng trăm con đường ra đời mà chính quyền địa phương không kịp làm thủ tục đặt tên theo quy định, thậm chí không kịp nghĩ ra tên để đặt.
Vậy nên đến giờ, có nhiều tên đường không giống ai khiến cho người nghe lần đầu... hết hồn. Lần đầu tiên tôi được một người bạn giới thiệu nhà bạn ở đường Điện Cao Thế (Q.Tân Phú), tôi tưởng anh chàng này chưa có nhà, bịa ra cái tên đường để chọc tôi. Chừng đến tôi mới biết đó là một con đường rộng hẳn hoi và chính giữa đường này có đường dây điện cao thế với những cột điện đồ sộ.
Một tên đường khác mới nghe cũng rờn rợn, là đường Ấp Chiến Lược, bởi gợi nhớ hình ảnh khu dồn dân bao quanh bởi hàng rào thép gai cao quá đầu người trong chiến tranh khiến người nghe không mấy thiện cảm.
Đường Kênh Nước Đen đem lại hình ảnh không mấy thẩm mỹ cho người nghe (nó còn gợi nhắc lại một giai đoạn kênh rạch nào của TP.HCM cũng bốc mùi).
Ở TP.HCM còn có nhiều tên đường số hoặc tên đường vừa có số vừa có tên danh nhân hoặc tên đường là tên của phường có số phía sau. Đường Cao Lỗ ở Q.8 có nhiều đường nhánh mang tên số nhà ngay ngã ba kèm tên vị danh nhân này như 218 Cao Lỗ, 232 Cao Lỗ...
Ở Q.12 có hàng chục con đường mang tên phường và số như Hiệp Thành 13, Hiệp Thành 17, Tân Chánh Hiệp 33, Tân Chánh Hiệp 36...
Khổ nhất vẫn là tên đường số.
Nhiều khu dân cư sầm uất, đã hình thành từ lâu đời nhưng vẫn mang tên đường số, mà mỗi quận có nhiều đường tên số trùng nhau khiến người mới đến đau đầu vì đi tìm nhà.
Ví như Q.Thủ Đức có nhiều con đường số 17 nên trong bảng giá đất, Nhà nước phải phân biệt bằng cách ghi tên đường kèm theo tên phường phía sau như đường 17 P.Hiệp Bình Phước, đường 17 P.Linh Chiểu, đường 17 P.Linh Trung...
Ở Q.9 có một dự án đô thị được chủ đầu tư chăm chút về tên địa danh rất kỹ. Trong khu đô thị này, các tên đường được đặt là tên các nghệ sĩ nổi tiếng như Thanh Nga, Trịnh Công Sơn, Út Trà Ôn... Tên của các block chung cư cũng được đặt theo tên các danh nhân nổi tiếng thế giới.
Chưa nói đến chất lượng nhà ở nhưng cách đặt tên chăm chút cho những công trình công cộng trong dự án đã chiếm ngay được cảm tình của khách hàng. Khu Phan Xích Long ở Q.Phú Nhuận có một khu vực đặt tên đường là các loài hoa từ Hoa Mai, Hoa Đào, Hoa Lan... cũng mang lại ấn tượng và dễ nhớ.
Vì vậy tôi đề xuất đặt tên đường theo cụm. Ví dụ như trong một khu dân cư nên đặt tên đường theo nhóm tên các danh nhân cùng thời hoặc nhóm danh nhân cùng tham gia một hoạt động nào đó, ví dụ cùng tham gia phong trào Cần Vương... Như vậy, người dân dễ nhớ, dễ hình dung, định hướng khi tìm đường mà việc giáo dục tính nhân văn, tuyên truyền về lịch sử cũng được thuận tiện...
Thêm địa danh, làng nghề, đảo xa
Việc các con đường trùng tên ở TP.HCM đã gây nên những khó khăn nhất định cho người dân. Tôi ở Q.Gò Vấp. Nhiều khi tôi hẹn gặp bạn bè hay đối tác của mình tại đâu đó trên đường Phạm Ngũ Lão thì cứ y như rằng người tôi hẹn sẽ đi thẳng ra Phạm Ngũ Lão Q.1.
Tôi biết rằng mình quen miệng quá mà quên nói rõ là ở Q.Gò Vấp. Có lần người thân của tôi hẹn gặp ở đường Nguyễn Đình Chiểu, tôi chạy ra Nguyễn Đình Chiểu Q.1 thì mới biết người thân của tôi đang sốt ruột đợi ở đường Nguyễn Đình Chiểu Q.Phú Nhuận.
Tôi cho rằng lý do cạn kiệt tên đường ở TP.HCM đang đặt ra là do thói quen lấy môtip tên danh nhân, anh hùng mà đặt cho các con đường. Tôi hoàn toàn đồng ý rằng, việc lấy tên một anh hùng nào đó đặt tên đường, sẽ giúp cho người dân nhận thức rõ hơn về tính lịch sử hay ý nghĩa cho việc vì sao lại đặt tên đường như vậy: như đường Nguyễn Văn Trỗi cầu Công Lý Q.3 chẳng hạn.
Tuy nhiên nếu cứ phải dùng tên các vị anh hùng mà đặt tên đường thì bao nhiêu tên cũng sẽ không đủ, đây cũng là lý do các quận thi nhau đặt trùng tên, rồi người dân gặp đủ thứ phiền toái vì nhầm đường.
Tôi nghĩ, nếu khu vực muốn đặt tên đường không có hình tượng một vị anh hùng cụ thể, thì lãnh đạo thành phố nên mở rộng việc đặt tên sang các nhóm khác như tên địa danh, tên làng nghề, tên hoa hay hàng loạt đảo xa của chúng ta vẫn chưa có tên đường cụ thể.
Ví dụ: thành phố Nha Trang có tháp bà Ponagar nổi tiếng, lãnh đạo nơi đây liền đặt tên con đường đối diện là đường Tháp Bà. Tên đường như vậy vừa không trùng mà còn vừa mang nhiều ý nghĩa.
* Hãy học kinh nghiệm một số nước là bên dưới tên đường mang tên danh nhân có ghi chú năm sinh và năm mất, hoặc bên dưới tên sự kiện lịch sử ghi chú tóm tắt sự kiện và thời gian diễn ra. Cả hai ý trên là nhằm tránh sự lạnh lùng, vô cảm của một cái tên trần trụi, đồng thời truyền bá kiến thức lịch sử cho thế hệ hiện tại và cho muôn đời sau. Cách làm này cũng giúp quảng bá hình ảnh đất nước cho du khách nước ngoài mỗi khi họ đi tìm đường và thắc mắc những dòng chữ ghi chú bên dưới tên đường. |
Thay đổi cách làm * Ngoài những danh nhân thế giới đã được công nhận, nên dùng các tên thuộc loại trung tính như cây cỏ, hoa lá, động vật, tên thủ đô, các thành phố lớn, nổi tiếng của các nước, các tỉnh của VN... vì không cần thẩm định gì nhiều. Khi ấy, quỹ tên đường sẽ rất phong phú. Ngoài ra, khi đặt tên đường nên đặt theo cụm, không nên đặt lẻ tẻ. Ví dụ như khu dân cư ở đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) có một loạt đường mang tên các loại hoa, rất hay và tạo sắc thái độc đáo cho khu phố đó. Trước đây, tôi và một người bạn đã đề xuất ý tưởng lấy tên thủ đô các nước đặt cho các con đường ở khu đô thị mới, ví dụ như khu Thủ Thiêm. Tại mỗi con đường mang tên thủ đô nước nào đó, ví dụ Paris, thì yêu cầu các công trình ở đó phải mang những nét đặc trưng của Paris hoặc Pháp (kiến trúc, tên cửa hàng, cao ốc...), để người đi trên con đường này cảm giác như đang ở Paris hay Pháp. Đây sẽ là điểm du lịch rất độc đáo. Tiếc rằng ý tưởng này chưa được tiếp thu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận