Phóng to |
Hình ảnh quen thuộc của Trần Lý Trí Tân (bìa phải) trong vai trò đạo diễn trẻ Ảnh nhân vật cung cấp |
Theo đó, Vagaev Filmproduktion GmbH sẽ hỗ trợ kinh phí (tối thiểu là 50%) cho dự án phim dài đầu tay (90 phút) mang tên Ðò ôm do chính Tân viết kịch bản và tiến hành quay trong năm nay.
Xuất thân con nhà võ, “ăn ngủ” cùng tiểu thuyết Kim Dung trong suốt thời ấu thơ... đó là những “chất liệu” đầu tiên hình thành trong cậu bé Trần Lý Trí Tân suy nghĩ: lớn lên chắc phải làm... đạo diễn phim hành động! Nhưng xô đẩy thế nào anh lại thi y, rồi học kiến trúc... Quăng quật, giằng xé mãi cho đến một ngày đẹp trời giữa năm 2006, Trí Tân mới dám sống hết mình cho giấc mơ điện ảnh thuở nào.
Từ những ám ảnh nhỏ...
Nụ cười hiền lành, dáng điệu trẻ trung và cách nói chuyện cởi mở, câu chuyện với Trần Lý Trí Tân vì thế tưởng chừng như có thể kéo dài vô tận nếu buổi trưa Sài Gòn không trở nên quá oi bức.
Tân kể: “Không biết bao nhiêu ý tưởng làm phim đã đến với tôi từ những buổi như thế này. Có khi tôi chỉ ngồi một chỗ và chăm chú theo dõi một ông già bán bắp nhưng lúc nào cũng rao “Bắp ế đây!”, có lúc chạnh lòng khi vừa nhìn một đám mây trong veo ở Sài Gòn vừa nghe tin quê tôi đang có bão dữ... Tất cả đều dễ dàng ám ảnh và ở lại thật lâu trong tiềm thức của tôi mà chỉ có điện ảnh mới khiến tôi giải tỏa được hết”.
Và, thật “đáng sợ”, Tân đã truyền được sự ám ảnh của chính mình đến khán giả thông qua những thước phim ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn 7 phút, 10 phút, 15 phút ấy... Ðiều kỳ diệu đã không đến vào giây phút cậu bé mong mỏi sự trở về của người cha trong Ðiều kỳ diệu, 500.000 đồng có thể khiến một con người trở nên tha hóa, mụ mị trong Ðánh cắp của kẻ cắp... Những dằn vặt kiểu ấy, người xem vẫn ngỡ ngàng đón nhận trong từng câu chuyện của Tân.
Nuôi tư duy của một nhà làm phim trẻ độc lập nên chưa bao giờ Tân đặt nặng chuyện phim của mình cần trở nên đình đám hơn, cần phải chi tiền mạnh tay hơn, sản xuất và phát hành có hệ thống hơn... Ðơn giản chỉ cần chúng tử tế, sạch sẽ và thu hút người quan tâm bằng lối kể hấp dẫn là đủ.
Ðiển hình như Ðò ôm lần này, thực chất ban đầu đây chỉ là một dự tính rất cá nhân, một bộ phim như bao bộ phim khác Tân đã làm: tự bỏ tiền túi, quay HDV và... truyền tay bạn bè. Nhưng một lần tình cờ, Tân đã có dịp làm quen với một đại diện của Vagaev Filmproduktion GmbH. Thích thú về cách khai thác câu chuyện của Tân trong các phim ngắn, họ gợi ý về một kịch bản dài hơi hơn và ngay lúc đó, Tân đã nói về Ðò ôm. Chuyện kể về những cô gái làm nghề lái đò. Các cô bán sức lao động chứ không bán tâm hồn và thể xác.
Kịch bản của Ðò ôm đến với Tân tự nhiên khi anh vô tình đọc được phóng sự về những cô gái làm nghề lái đò chở khách từ bến tàu ra các thuyền lớn câu cá giải trí ở Vũng Tàu. “Tôi bị ám ảnh vì câu trả lời của cô lái đò khi được hỏi chị làm nghề này thì gia đình ra sao? Cô chỉ cười buồn đáp “Làm cái nghề đưa chân lên trời (lái đò ở đây chèo đò bằng chân chứ không phải bằng tay) như chúng tôi thì còn màng chi đến chuyện gia đình”. Câu trả lời ấy đã theo tôi hơn bốn năm qua trong từng giấc ngủ, bữa ăn... Và cứ từng chút một, mỗi ngày, mỗi ngày tôi đều viết cho đến khi Ðò ôm trở thành một kịch bản hoàn chỉnh”.
Con đường ở phía trước
Ðứa bé nhìn thấy lửa - câu chuyện về con đường chinh phục nghệ thuật của một cô gái trẻ - là bộ phim tài liệu đầu tay đánh dấu chất riêng của Tân trong dòng phim này: ít lời bình, lời dẫn nhưng mọi ngóc ngách trong tâm hồn nhân vật đều được phơi bày. Ngoài những dự án nhằm hiện thực hóa khao khát làm phim tài liệu bằng những xêri dài kỳ, trước mắt vào cuối tháng 6 này, Trí Tân sẽ giới thiệu bộ phim tài liệu thứ 5 với tên gọi Chúng ta cùng thăng hoa đến khán giả.
Phim có độ dài 30 phút, kể về một nhạc sĩ tự do người Ðức đang sống tại Sài Gòn, người đã có công tạo dựng một ban nhạc gồm những nghệ sĩ Việt chuyên chơi những sáng tác của ông và đặc biệt là các ca khúc dân ca Việt Nam. Mỗi lần ban nhạc cất tiếng đàn thì cũng là lúc những họa sĩ, điêu khắc gia ngồi phía dưới đi tìm cảm hứng sáng tác cho chính mình...
“Nhiều người hỏi tôi rằng: Vì sao từ bỏ con đường bằng phẳng của lý trí để bước vào ngã rẽ cảm xúc chông chênh? Ðơn giản là vì tôi đã nhìn thấy lửa!”. Nhân vật của Tân trong Ðứa bé nhìn thấy lửa đã nói vậy. Và “ngọn lửa” ấy không chỉ nóng ấm trong những thước phim của Trần Lý Trí Tân về nhân vật mà có lẽ nó đã ngấm dần vào tâm trí anh.
Bởi chính anh cũng đã nhìn thấy lửa - lửa của nhiệt huyết và đam mê. Còn lúc này, Tân lại cười hiền khi nghĩ về những chuyến đi sắp tới của mình: tháng 9 lên đường sang Hàn Quốc “tận hưởng” phần thưởng dành cho nhà làm phim trẻ của Sài Gòn Media, tháng 10 bắt tay vào Ðò ôm, con đường phía trước của chàng đạo diễn trẻ chỉ mới bắt đầu...
<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Năm 2007 mới bắt đầu tập tành làm phim, nhưng tính đến thời điểm này, “gia tài” của Tân cũng đã hòm hòm với hàng chục phim ngắn và tài liệu ngắn như Ðiều kỳ diệu, Ðánh cắp của kẻ cắp, Cắt, Sám hối, Mặt nạ, Bướm đêm, Ðứa bé nhìn thấy lửa, Ðứa bé, Ẩn ngữ từ Phai Phô... Năm 2007, Sám hối, phim đầu tay Tân biên kịch và làm đạo diễn, nhận được bằng khen của Hội Ðiện ảnh tại Liên hoan phim ngắn toàn quốc. Tháng 12-2008, kịch bản Ðiều kỳ diệu của Tân đã lọt vào top 5 kịch bản xuất sắc nhất và là một trong ba kịch bản được tài trợ làm phim tại cuộc thi sáng tác Phim trẻ do Hội Ðiện ảnh TP.HCM tổ chức. Tháng 10-2009, phim tài liệu ngắn Ðứa bé nhìn thấy lửa được trình chiếu trong hội thảo Asian Focus thuộc Liên hoan phim sinh viên thế giới diễn ra tại Poitiers, Pháp. Hai phim ngắn Cắt và Ðứa bé nhìn thấy lửa cũng từng được vào vòng trình chiếu tại Liên hoan phim cộng đồng người Việt diễn ra ở Mỹ vào năm này. Sau đó phim ngắn Cắt được mời tham gia trình chiếu ở Liên hoan phim châu Á diễn ra tại San Diego... Cuối năm 2010, Hãng Vagaev Filmproduktion GmbH của Ðức đã quyết định mua bản quyền hai phim ngắn Ðiều kỳ diệu và Ðánh cắp của kẻ cắp để phát hành. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận