Truyền đạt bài chòi và dân ca cho các bạn trẻ tại phố cổ Hội An - Ảnh: THÁI LỘC
Tại Trường THPT Nguyễn Văn Linh (thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, Phú Yên), người ta nghe vang lên tiếng đàn sến luyến láy, tiếng gõ nhịp song loan đều đặn và giọng hát trẻ trung, xao xuyến của các .
Học sinh ca bài chòi
Có khoảng 15 học sinh lớp 11 trong buổi học dân ca bài chòi hôm ấy.
tay ôm cây đàn sến, chân nhịp song loan, hát thị phạm cho các học trò: "Một mình lo bảy lo ba/Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên/Còn duyên kẻ đón người đưa/Hết duyên đi sớm về trưa (mình đây) một mình".
Bốn điệu thức được ông chuyển tiếp truyền đạt cho các em, từ xàng xê, xuân nữ, cổ bản cho đến hò quảng.
Các em vừa hát, vừa nhịp tay xuống bàn theo tiếng song loan thầy gõ. Vẫn còn nhiều giọng bị "lệch", sai âm, rớt nhịp hoặc hát lộn điệu này sang điệu kia. Thầy Thảng cố gắng tập đi tập lại cho từng học trò...
"Thầy ơi, tại sao bài chòi lại có đến bốn điệu mà không phải một? Tại sao mình phải hát điệu này mà không hát điệu kia?" - Kiều Mai, cô học trò "cưng" của lớp học, có giọng hát tốt, đột ngột đặt câu hỏi.
Thầy Thảng cười xòa lý giải: "Bài chòi cổ thì chỉ có 2 điệu xàng xê, xuân nữ. Về sau này khi bài chòi lên sân khấu thì có thêm hai điệu hò quảng và cổ bản nữa!
Điệu xuân nữ trong bài chòi được hát khi vào những đoạn ngọt ngào, tình cảm; điệu xàng xê hát khi nhân vật có tính cương trực, thẳng thắn; cổ bản dành cho nhân vật thể hiện vai phản diện; còn hò quảng thường được sử dụng trong ngữ cảnh đoàn viên, dạo cảnh, vui chơi...".
Nghe giải thích xong, cả lớp vỗ tay ầm ĩ.
Từ 10 năm nay, lớp học dân ca bài chòi ấy diễn ra mỗi tuần một buổi, vào chiều thứ năm, kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ.
Ông Thảng tâm sự do quá đam mê bài chòi nhưng thấy bài chòi ngày càng mai một, ông đánh liều đến Trường THPT Nguyễn Văn Linh gặp thầy hiệu trưởng Nguyễn Đình Diêm xin dạy miễn phí.
"Tôi thật bất ngờ vì thầy Diêm gật đầu, gọi ngay bí thư Đoàn trường tập hợp những em học sinh yêu văn nghệ, muốn học dân ca bài chòi để tôi dạy. Từ đó, các lớp bài chòi ở trường này duy trì 40-50 em, mỗi tuần học 2 buổi, gần đến kỳ thi thì giảm còn 1 buổi" - ông Thảng kể.
Từ thành công bước đầu, ông tiếp tục đến Trường THCS Lương Tấn Thịnh ở thị trấn Hòa Hiệp Trung và cũng được tạo điều kiện để dạy. Nhiều học sinh học ở trường chưa "đã" thì tìm đến nhờ ông "kèm" thêm.
Thầy Nguyễn Đình Diêm mua tặng ông Thảng 1 chiếc loa "kẹo kéo" để sinh hoạt CLB tại nhà tốt hơn, còn Trường THCS Lương Tấn Thịnh thì mua hai cây đàn sến để ông tiện việc trao truyền nghệ thuật bài chòi cho học sinh...
Nhờ vậy, ông có lớp học trò kế cận từ cấp II lên đến cấp III.
"Tiếng lành đồn xa", một số trường học ở các huyện Đông Hòa, Phú Hòa, TP Tuy Hòa... cũng mời ông đến cho học sinh. Cho đến nay, phong trào học bài chòi trong chương trình ngoại khóa được nghệ nhân Bình Thảng mở rộng ra nhiều trường học khác.
Ông chia sẻ: "Mình phải gieo mầm bắt đầu từ tấm bé đến lớn hơn, bài chòi mới mong được nối truyền, không mất đi đâu được!".
Nghệ nhân Bình Thảng trong lớp học bài chòi tại Trường THPT Nguyễn Văn Linh, Đông Hòa, Phú Yên - Ảnh: DUY THANH
Từ mẫu giáo đến trung học
Tại vùng "đất tổ" của bài chòi là huyện Hoài Nhơn, chúng tôi ghé vào Trường mẫu giáo Hoài Thanh Tây và bất ngờ trước sự tồn tại của chín chòi tranh mộc mạc, xinh xắn nằm một bên sân trường; rất nhiều tiếng trẻ em ê a, luyến láy theo điệu bài chòi:
"Con gì kêu tiếng meo meo/Ngày ngày nó ngủ đêm đêm tìm mồi?/Con mèo kêu tiếng meo meo/Ban đêm đi tìm bắt chuột giúp dân. Chòi nào có con mèo đen? Xin chúc mừng chòi số 3 có con mèo đen. Mèo đen vừa mới lên chòi/Hiệu tôi rút tiếp thử coi con gì?".
Đó là một buổi tập bài chòi của một lớp mẫu giáo, và mấy chục lớp của trường đều có mỗi tuần một buổi tập như thế.
Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thạo cho hay trò chơi hô bài chòi 12 con giáp đã được áp dụng ở trường từ vài tháng nay. Nhờ cụ Đào Duy Nhơn, hậu duệ thứ 14 của "cụ tổ" Đào Duy Từ, nội dung 12 con giáp được nhà trường triển khai vận dụng trong bài chòi.
Những câu thai ngắn gọn về những con vật được sáng tạo và truyền đạt lý thú để giúp các em hình thành tình yêu với bài chòi.
"Lâu nay tưởng chừng dần bị mai một, giờ bài chòi được thế giới công nhận rồi, mỗi một người, mỗi một ngành nên tìm cách lưu truyền trong chừng mực của mình vậy" - cô Thạo nói về việc đem bài chòi vào trường mẫu giáo của mình.
Ngoài Trường mẫu giáo Hoài Thanh Tây, ở huyện Hoài Nhơn hiện có 3 trường THCS dùng bài chòi làm môn học ngoại khóa cho học sinh và huyện này đang chủ trương mở rộng vào đủ các cấp học.
Đến nay, có nhiều học sinh tuổi từ 10-15 hát hô bài chòi khá tốt. Cuối tháng 4-2018, lần đầu tiên TP Quy Nhơn tổ chức cuộc thi diễn xướng nghệ thuật bài chòi dành cho học sinh của 21 trường THCS.
Chứng kiến đông đảo học sinh của hàng chục trường tham gia hội thi trong sự hào hứng, vui nhộn, nhiều nhà quản lý và nghệ nhân bài chòi khi được hỏi ý kiến đã xúc động đến rơi nước mắt.
Nghệ nhân Hoàng Việt chia sẻ: "Với tôi, hội thi thành công ngoài sự mong đợi. Sự khởi đầu của việc bắt tay giữa ngành văn hóa và ngành giáo dục trong việc trao truyền nghệ thuật bài chòi rất tốt và rất đúng hướng".
Các em thiếu nhi chơi bài chòi trong Trường mẫu giáo Hoài Thanh Tây, Hoài Nhơn, Bình Định - Ảnh: NGUYỄN VĂN RẠNG
Nghệ thuật chủ lực
"Bình Định đã có chủ trương xây dựng lại nhà hát truyền thống của tỉnh, trong đó có một hội trường phục vụ du khách các loại hình nghệ thuật truyền thống mà bài chòi là một nghệ thuật chủ lực.
Tỉnh tăng cường xây dựng thêm các đội, nhóm bài chòi để cơ động phục vụ du khách tại các điểm, cơ sở du lịch; mở thêm các điểm đánh bài chòi ở TP Quy Nhơn; hỗ trợ nhiều hơn cho 27 CLB bài chòi hiện có ở địa phương và mở thêm CLB.
Tỉnh cũng khuyến khích các địa phương đưa bài chòi vào học đường như một môn học ngoại khóa".
Ông NGUYỄN TUẤN THANH
(phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận