Bạn Đoàn Ngọc Lâm đặt câu hỏi "Em muốn học để trở thành Thủ tướng thì học trường nào?" - Ảnh: DUY THANH |
Bạn Đoàn Ngọc Lâm, học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Lợi (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), đặt câu hỏi tại phần tư vấn chuyên sâu nhóm ngành khoa học xã hội: “Em muốn trở thành nhà lãnh đạo thì học ở trường nào? Ở Việt Nam hiện nay có trường đại học nào đào tạo để thành nhà lãnh đạo không?”.
Em muốn học để trở thành Thủ tướng
TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), hỏi rõ hơn: “Có rất nhiều lãnh đạo các cấp, như cấp xã/phường, quận/huyện, tỉnh/thành và Trung ương, em có thể cho biết là em muốn trở thành lãnh đạo cấp nào?”.
Đáp lại, Lâm nói: “Em muốn học để trở thành Thủ tướng”.
TS Hạ nói: “Đến nay ở Việt Nam không có trường nào đào tạo ra các nhà lãnh đạo hoặc Thủ tướng. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là không có trường để đào tạo em thành nhà lãnh đạo hoặc Thủ tướng trong tương lai.
TS Phạm Tấn Hạ cười tươi trước câu hỏi của em Lâm - Ảnh: DUY THANH |
Tôi rất trân trọng ước mơ của em nhưng chúng tôi chỉ là những người làm công tác đào tạo, là những người đi trước, nên chỉ gởi đến em lời khuyên. Em đã có ước mơ thì hãy nung nấu để thực hiện ước mơ cao đẹp ấy.
Nhà lãnh đạo nào cũng khởi đầu sự nghiệp bằng việc học tập, từ những kỹ sư, cử nhân, bác sĩ… Em hãy chọn một trường phù hợp với sở trường, năng lực để học tập và hãy nỗ lực hết sức để đạt kết quả cao nhất, để nuôi dưỡng ước mơ của mình.
Nếu em có tri thức, có tố chất của nhà lãnh đạo, có năng lực của nhà lãnh đạo thì người ta sẽ đề đạt em thành nhà lãnh đạo”.
Các bạn học sinh Phú Yên chăm chú theo dõi tư vấn - Ảnh: DUY THANH |
Tại khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học kỹ thuật, hàng loạt câu hỏi được các học sinh thắc mắc đều là học ngành nào dễ kiếm việc làm. Một học sinh thắc mắc: “Năm nay thi ĐH, những ngành nghề hiện đang có nhu cầu tuyển cao liệu bốn năm nữa khi chúng em ra trường, nhu cầu nhân lực của ngành này còn “hot”?” Nhiều học sinh bày tỏ sự lo lắng trước thông tin nhiều sinh viên ra trường không có việc làm.
Tạo được sự khác biệt, không lo thất nghiệp
Tư vấn về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho rằng những thông tin về số sinh viên tốt nghiệp ĐH thất nghiệp nhiều không hoàn toàn chính xác.
Theo thầy Hùng, thực tế có việc nhiều sinh viên ra trường nhưng chấp nhận “tự thất nghiệp”. Đó là những sinh viên học ở các thành phố lớn sau khi tốt nghiệp không muốn trở về địa phương nên chưa tìm được việc.
Thứ hai, nhiều sinh viên yêu cầu mức lương cao hơn nên không chấp nhận làm việc ở các nơi có mức lương không như mong muốn.
Thầy Hùng cho rằng, trong vấn đề việc làm quan trọng nhất là do bản thân sinh viên quyết định. Nếu tốt nghiệp ĐH loại khá giỏi trở lên, tự trang bị nhiều kỹ năng mềm, ngoại ngữ tốt… chắc chắn sẽ tìm được việc làm tốt.
Những ngành lĩnh vực kỹ thuật hiện nay và trong nhiều năm tới là những ngành rất cần thiết đối với VN. Những ngành này các cơ quan nhà nước cũng cần, các doanh nghiệp tư nhân cũng có nhu cầu tuyển dụng và sinh viên ra trường có thể tự sống bằng nghề của mình.
“Cơ hội việc làm rất nhiều, nhưng tùy thuộc vào bản thân sinh viên. Chúng ta không nên quan tâm nhiều đến những ngành 'hot' mà cần phải tạo ra con người 'hot'. Các em phải tạo ra sự khác biệt so với người khác. Đó là phải giỏi ngoại ngữ, vững chuyên môn, chuyên nghiệp, trang bị được nhiều kỹ năng mềm… Nếu tạo được sự khác biệt như vậy không phải lo thất nghiệp, thậm chí các em còn có thể đặt ngược vấn đề với nhà tuyển dụng về mức lương, điều kiện làm việc”,ThS Lương Đình Thành, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) khẳng định.
Một học sinh Phú Yên đặt câu hỏi với ban tư vấn - Ảnh: DUY THANH |
Giải tỏa được nỗi lo việc làm
Sau buổi tư vấn, gương mặt lo lắng, căng thẳng trước đó của nhiều bạn trẻ Phú Yên đã không còn. Nhiều bạn cho biết đã có thêm nhiều thông tin để tự tin hơn đưa ra quyết định lựa chọn ngành học cho mình.
Ngô Minh Tài, học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh cho biết: “Trước khi đến buổi tư vấn này, em quan tâm đến ngành cơ khí ô tô và cơ khí chế tạo máy nhưng chưa không biết ngành nào sau này có việc làm tốt hơn. Sau khi được các thầy tư vấn em biết được cả hai ngành này đều có triển vọng trong tương lai nên em rất mừng. Chắc chắn em sẽ chọn ngành cơ khí ô tô”.
Kết thúc phần tư vấn chung, một nhóm nữ sinh Trường THPT Trần Suyền nhanh chóng di chuyển đến khu vực tư vấn chuyên sâu để chọn cho mình dãy ghế đầu.
Một nữ sinh trong nhóm tên Huỳnh Thị Mỹ Diễm chia sẻ: “Em quan tâm đến các ngành nông lâm và kỹ thuật nhưng còn băn khoăn không biết học ngành này ra trường làm việc ở địa phương được không…
Qua tìm hiểu và được các thầy tư vấn hôm nay, em đã hiểu rõ hơn rằng việc chọn ngành học dễ tìm việc làm sau khi ra trường rất quan trọng, các bạn cần tham khảo thêm ý kiến của phụ huynh để được tư vấn, lựa chọn ngành nghề phù hợp với mình. Tuy nhiên, quan trọng là các bạn phải chọn ngành học phù hợp với năng lực của mình.”
Học sinh Phú Yên đến dự chương trình tư vấn tuyển sinh sáng 26-2 - Ảnh: DUY THANH |
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TPHCM, tư vấn riêng cho học sinh Phú Yên - Ảnh: DUY THANH |
Th.S Phạm Thái Sơn (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM) tư vấn cho HS Phú Yên - Ảnh: DUY THANH |
Th.S Nguyễn Ngọc Thái (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) giải đáp thắc mắc của thí sinh Phú Yên- Ảnh: DUY THANH |
Trung tá Nguyễn Phong Lưu - phó trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh Phú Yên - tư vấn riêng cho các học sinh ở tỉnh này có quan tâm đến việc xét tuyển vào ngành Công an - Ảnh: DUY THANH |
Th.S Nguyễn Thái Châu (Trường ĐH Tài chính Marketing) trả lời thắc mắc tuyển sinh của HS Phú Yên - Ảnh: DUY THANH |
Học sinh Phú Yên nghiên cứu thông tin tuyển sinh 2017 trên báo Tuổi Trẻ tại buổi tư vấn đang diễn ra tại Trường ĐH Phú Yên - Ảnh: DUY THANH |
Học sinh Phú Yên nghiên cứu và ghi chép lại các thông tin trong chương trình tư vấn tuyển sinh 2017 - Ảnh: THANH TRÚC |
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Phú Yên, Tỉnh đoàn Phú Yên và Trường ĐH Phú Yên phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup. Có hơn 5.000 học sinh đã tham dự chương trình. Nhiều học sinh cho biết các bạn đến với buổi tư vấn đều mang theo một băn khoăn, thắc mắc về những ngành nghề, dự định của mình trước ngưỡng cửa cuộc đời mong được các thầy cô trong ban tư vấn giải đáp. Phát biểu tại chương trình ông Phan Đình Phùng, phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên: từ nhiều năm qua, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT tổ chức là chương trình được đông đảo học sinh và phụ huynh cả nước quan tâm, chờ đợi mỗi mùa thi. “Thành công của chương trình thể hiện qua nội dung thông tin phong phú, kịp thời; phương thức tổ chức đa dạng và sử dụng phương tiện truyền thông hữu hiệu giữa các trường ĐH, CĐ với học sinh và phụ huynh. Đã có nhiều thí sinh nhờ chương trình này đã lựa chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường, từ đó đã đạt được kết quả cao trong học tập và thành công trong nghề nghiệp”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận