06/02/2018 14:45 GMT+7

Dự trữ thực phẩm tươi ngon, an toàn những ngày tết

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh

Thức ăn được mua càng tươi, kết hợp bảo quản đúng cách thì khi chế biến vẫn giữ được các chất dinh dưỡng và mùi vị vẫn thơm ngon.

Dự trữ thực phẩm tươi ngon, an toàn những ngày tết - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: pinterest.com

Ngày Tết là dịp gia đình sum họp, bạn bè cũ gặp nhau và chắc chắn là không thể thiếu những bữa tiệc linh đình với các món ăn ngon. Để có món ăn ngon trong những ngày Tết thì thực phẩm phải thật tươi và bảo quản đúng cách. 

Hãy nhớ rằng, thức ăn khi mua càng tươi, kết hợp bảo quản đúng cách thì khi chế biến vẫn giữ được các chất dinh dưỡng và mùi vị vẫn thơm ngon không khác gì thức ăn mới mua. 

Thức ăn nếu được dự trữ đúng cách sẽ hạn chế sự phát triển của vi khuẩn và hạn chế tối đa sự mất các chất dinh dưỡng.

Bảo quản thịt cá tươi ngon

Trước đây, chúng ta thường mua thực phẩm dự trữ trong những ngày Tết để có đủ thực phẩm dùng khi chợ nghỉ bán dài ngày. Ngày nay, với hệ thống siêu thị khá phổ biến, việc mua thức ăn cũng rất thuận tiện. 

Do vậy, chúng ta không nên trữ nhiều thức ăn trong những ngày Tết, mà chỉ nên mua vừa đủ dùng, vì thực phẩm dự trữ lâu sẽ mất chất dinh dưỡng, và thức ăn nào dù ngon đến mấy nhưng quá dư thừa cũng sẽ cảm thấy ngán. 

Hơn nữa, khi tủ lạnh bị quá tải bởi một lượng thực phẩm quá nhiều, tủ sẽ không giữ được độ lạnh cần thiết để đảm bảo chất lượng thực phẩm. Khi đó, thực phẩm sẽ mau hư hỏng hơn.

Thịt, cá, tôm, mực… tươi sau khi mua về nên sơ chế sạch sẽ, rửa sạch và để ráo nước. Nếu có khăn sạch thấm khô càng tốt. Sau đó phân chia thành từng phần vừa đủ chế biến cho một bữa để tiện lấy ra sử dụng. 

Cũng có thể tẩm ướp sẵn từng phần thức ăn nếu đã có ý định sẽ dùng để chế biến món gì. Cho từng phần này vào các hộp riêng biệt có nắp đậy kín hoặc bịch nilon cột kín rồi cho vào ngăn đá để ăn dần trong những ngày Tết. Tránh để các thức ăn sống này chung ngăn với thức ăn chín hoặc ngăn tạo nước đá để tránh bị nhiễm khuẩn.

Giữ rau củ lâu hư

Rau củ sẽ bảo quản được lâu hơn rau lá. Chọn rau thật tươi, sạch sẽ và rau phải khô (nghĩa là không nhúng hoặc rưới nước lên), bỏ lá giập, cắt gốc, giũ sạch đất cát, chia thành từng phần đủ dùng cho một lần ăn. Sau đó bọc từng bó rau bằng nilon bọc thức ăn thật kín. Hoặc gói rau trong giấy xốp để hút ẩm, rồi cho vào bao nilon có đục lỗ để thoát hơi. 

Tránh gói rau bằng giấy báo dù có thể hút ẩm tốt nhưng mực in từ giấy báo có rất nhiều chì rất độc. Để ở ngăn mát riêng biệt trong tủ lạnh. Ăn gói nào thì mở gói ấy ra, nhặt lá và rửa sạch. Không nên để rau và trái cây ngay bên dưới ngăn đá vì sẽ dễ bị giập.

Đối với bông cải, cà rốt, hành tây, hành lá, chanh, gừng… nếu được bọc nilon (loại dùng để bọc thức ăn) sẽ giữ rau củ tươi rất lâu.

Tránh rửa rau củ trước khi cho vào tủ lạnh vì độ ẩm có thể làm rau hư rất nhanh.

Thức ăn đã chế biến an toàn

Đối với thức ăn đã nấu chín, cũng nên cho từng phần đủ dùng cho một lần ăn vào từng hộp sạch, để cho nguội hẳn rồi mới đậy nắp, cho vào tủ lạnh. Việc đậy kín thức ăn vừa giúp cho thức ăn không bị khô, bốc mùi lây sang các món ăn khác, vừa bảo đảm vệ sinh cho thức ăn đã nấu. Không được để thức ăn đã nấu chín chung với thực phẩm tươi sống. Nên hâm nóng trước khi ăn. Có thể dùng loại hộp sử dụng được lò vi sóng sẽ rất thuận tiện khi hâm nóng.

Bảo quản bánh chưng, bánh tét, giò chả

Các loại bánh mang hương vị Tết như bánh chưng, bánh tét rất tiện lợi cho các bữa ăn sáng, vừa đầy đủ chất cũng cần chú ý bảo quản tránh bị mốc. Trong thời tiết nóng của những ngày tết thì bánh chưng, bánh tét rất dễ bị hỏng. 

Do đó, sau khi cúng xong, nên bảo quản trong tủ lạnh, khi ăn thì hấp nóng lại bằng hơi nước hoặc bằng lò vi sóng. Tránh để bánh bên ngoài nhiều ngày vì nhiệt độ nóng sẽ làm bánh dễ bị mốc.

Giò chả cũng chỉ mua đủ dùng trong vài ngày, nên được bảo quản ở ngăn mát trong tủ lạnh. Ăn đến đâu sẽ cắt đến đó, phần còn lại vẫn được giữ nguyên trong bao lá, mặt cắt thì nên bọc nilon kín lại.

Bảo quản thức ăn thừa

- Thức ăn còn thừa sau khi dùng nên để riêng biệt trong hộp có nắp đậy kín hoặc để trong chén, tô bọc nilon kín. Tránh cho thức ăn đã dùng vào chung nồi hoặc hộp thức ăn mới.

- Nên bảo quản thức ăn thừa trong vòng 2 giờ sau khi chế biến. Nghĩa là, khi ăn xong nên dọn cất ngay, tránh để thức ăn ở nhiệt độ phòng quá lâu vì vi khuẩn phát triển rất nhanh sẽ làm hỏng thức ăn.

- Tránh để đồ hộp đã mở nắp trong tủ lạnh vì sẽ làm cho thức ăn chứa trong hộp bị nhiễm vị kim loại. Tốt nhất là nên trút thức ăn còn thừa ra một cái hộp đậy nắp kín và bảo quản trong tủ lạnh.

- Không nên để quá nhiều thức ăn trong tủ lạnh vì khí lạnh sẽ khó lưu thông nên sẽ không đảm bảo nhiệt độ an toàn bên trong tủ.

Bảo quản thức ăn đúng cách sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của cả gia đình và các khách mời dùng bữa. Ngày Tết sẽ vui hơn nếu cả nhà được thưởng thức bữa ăn vừa ngon, vừa bổ dưỡng, mà lại hết sức an toàn.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp