Cảnh báo của cư dân trên mạng chống kẻ lừa đảo
Hình thức lừa đảo phổ biến là người bán rao những mặt hàng lương thực, thực phẩm mà người dân đang rất cần trên các group cư dân, thậm chí ngay trong những group "Đi chợ cho dân" của các phường, rồi chặn Facebook sau khi nhận tiền chuyển khoản của người mua hàng.
Nhiều người dân đã làm đơn tố cáo các đối tượng lừa đảo tới cơ quan công an sau khi bị các đối tượng này lừa chuyển tiền mua thực phẩm, vật tư y tế...
Bị chặn Facebook, Zalo... sau khi chuyển tiền
Chị Hằng (ngụ quận 3, TP.HCM) cho biết để lo thực phẩm cho cả nhà, chị phải tham gia gần 20 group khác nhau để tìm người bán và giao hàng nội quận. Các group này gần như món gì cũng có, phần lớn rao là hàng từ quê nhập lên. Nhưng trong những lần mua hàng đó, chị cũng bị lừa mất tiền hai lần.
"Tôi đặt mua hải sản gồm tôm thẻ và mực của một người bán, nhưng tiền vừa được chuyển xong thì tài khoản này chặn luôn Facebook của tôi" - chị Hằng bức xúc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lợi dụng chuyện khó mua hàng hóa hiện nay, các đối tượng lừa đảo luôn yêu cầu chuyển khoản trước rồi chặn Facebook, Zalo... sau khi nhận được tiền.
Gửi đến chúng tôi danh sách các nạn nhân, chị Hạnh (quận Bình Thạnh) cho biết có kẻ giả mạo làm từ thiện, có giấy đi đường nên trong thời gian ngắn đã lừa cả hàng trăm người dân ở nhiều quận huyện.
Chỉ trong vài ngày qua, người có tên tài khoản ngân hàng là Nguyễn Trung Nghĩa (số điện thoại là 0788622209) đã bị nhiều người dân tố lừa đảo số tiền lớn, có nạn nhân bị lừa đến vài triệu đồng. Nhiều người đã làm đơn tố cáo đối tượng này lên công an.
Chị Nga (quận Phú Nhuận) cũng cho biết đã bị lừa đến hai lần trong một tuần với số tiền gần 1 triệu đồng.
Theo chị Nga, những tay lừa đảo đăng bán hàng thực phẩm lên hàng loạt trang Zalo, Facebook, nhóm mua chung ở nhiều địa bàn rất chuyên nghiệp, dễ dàng lấy niềm tin người dùng. Tuy nhiên, ngay sau khi chuyển tiền trước như yêu cầu, các tay này liền chặn Facebook của chị.
Theo chị Thu (chủ tiệm tạp hóa tại TP Thủ Đức), rất ít người kinh doanh đàng hoàng lại yêu cầu khách chuyển khoản trước trong bối cảnh hiện nay vì rất khó đủ hàng, chưa kể khó giao hàng đúng lịch.
"Tâm lý sợ khách bom hàng là có, nhưng phần lớn người bán chấp nhận rủi ro này và cố gắng bán những đơn hàng sau gỡ lại vốn" - chị Thu khẳng định.
Nhà bán lẻ cũng là nạn nhân
Ngoài lừa bán hàng, nhiều người còn giả mạo siêu thị để lừa khách chuyển tiền.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 4-9, đại diện Bách Hóa Xanh cho biết thời gian qua đã nhận được nhiều phản ảnh của khách về tình trạng các trường hợp mạo danh nhân viên, Zalo của đơn vị để yêu cầu khách chuyển tiền, lừa đảo trúng thưởng. Đơn vị đang gửi đơn đến cơ quan công an nhờ can thiệp.
Hệ thống siêu thị này cho biết chỉ có một fanpage Zalo (có dấu xác nhận từ Zalo) và các group chat Zalo được liên kết trực tiếp từ website, mỗi cửa hàng sẽ cung cấp một số tài khoản cá nhân để nhận tiền khách.
"Quy trình chuyển tiền sẽ được hướng dẫn trên website, khách chỉ chuyển khi nhận được tin nhắn xác nhận đơn hàng của siêu thị, được cung cấp hình hóa đơn chi tiết, số tài khoản đúng như số tài khoản công khai" - vị này khuyến cáo.
Theo đại diện Satra, Trung tâm điều hành Satrafoods đang phối hợp những địa phương có cửa hàng Satrafoods để tăng cường phục vụ đi chợ hộ. Trong đó, cho phép các quản lý của cửa hàng mở các nhóm chat trên ứng dụng Zalo để tiếp nhận đơn hàng, trên nhóm chat nhân viên phục vụ có thể trao đổi trực tiếp với khách hàng.
Nhân viên Satrafoods cùng "tổ đi chợ hộ" của chính quyền địa phương giao hàng đến tận nhà khách hàng.
Để hạn chế các nhóm lừa đảo, nhân viên cửa hàng bắt buộc mặc đồng phục của cửa hàng, đeo bảng tên Satrafoods, trình giấy giới thiệu của quản lý cửa hàng và giấy đi đường do công an cấp.
"Các cửa hàng Satrafoods sẽ không nhận chuyển khoản trước đơn hàng, mà tất cả sẽ được thanh toán sau khi nhận hàng" - vị này khẳng định.
Saigon Co.op cũng ghi nhận nhiều đối tượng mạo danh đơn vị để lừa khách chuyển tiền, yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản. Theo đại diện đơn vị này, các siêu thị và cửa hàng của hệ thống không yêu cầu khách cung cấp những thông tin cá nhân như mật khẩu Facebook, mật khẩu ngân hàng... khi mua sắm online.
"Thông thường, chúng tôi chỉ đề nghị khách cung cấp số điện thoại di động, địa chỉ để tiện ghi đơn hàng và giao nhận" - vị này thông tin.
Chỉ "tiền trao cháo múc" với giao dịch lần đầu
Bà Phan Thị Việt Thu - chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM - cho rằng người dân cần cảnh giác với những người bán yêu cầu chuyển tiền trước. Nếu cần, nên chọn nguồn cung đã từng mua và được giới thiệu từ chính quyền hoặc tổ chức, hiệp hội.
"Khi bị lừa, nên lưu giữ bằng chứng và gửi đến cơ quan công an kèm đơn tố cáo để được can thiệp, giải quyết" - bà Thu khuyến cáo.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử VN - cũng cho rằng đừng chuyển khoản trước nếu cảm thấy người bán chưa đáng tin cậy.
Theo ông Dũng, việc giao dịch trên các mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều rủi ro với người mua hàng vì chỉ dựa vào niềm tin giữa hai bên. Do đó, chỉ nên "tiền trao cháo múc" với các giao dịch với người lạ hoặc mới mua bán chưa đủ độ tin cậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận