Phóng to |
Bên cạnh các ý kiến đồng tình với bài viết thì cũng có những giải thích, lập luận cho rằng đây là điều nên thông cảm. Một số khác lại cho rằng mọi người cần phải thích nghi vì thay đổi là điều không tưởng...
Có phải đi phỏng vấn xin việc đâu mà đúng giờ?
Tôi thấy tâm lý chung của người Sài Gòn là muốn tới thì nhập tiệc luôn, không phải chờ đợi người khác nữa nên đi hơi trễ. Chứ đi sớm, vào bàn ngồi sớm cũng không biết làm gì, vừa mất công chờ đợi vừa không giống ai, vào thấy sảnh đã đông đông thì đỡ ngại. Bản thân tôi cũng thường đến sau giờ ghi trên thiệp 30 phút, đến nơi vừa đúng lúc khai tiệc, lỡ có chờ cũng không phải chờ lâu. Bạn bè tôi cũng vậy, ít ai đi đúng giờ. Đi đám cưới chứ có phải đi phỏng vấn xin việc đâu mà cần chính xác giờ giấc.
Biết vậy nên đến lượt mình cưới, tôi cũng ước lượng mời thiệp 17g, nhưng 18g mới khai tiệc. Vậy mà đến lúc khách khứa tạm gọi là đông đủ cũng đã 18g30. Là chú rể, việc chờ đợi rất sốt ruột. Mấy ngày cưới đã chạy đôn chạy đáo đủ chuyện, đến giờ cưới cũng bồn chồn không yên, cảm giác rất khó chịu. Nhưng ngẫm đám cưới nào cũng vậy, khách đi “giờ dây thun” đã thành thói quen, tập quán rồi nên đành chịu. Lại nghĩ mình mời giờ đó có khi bạn bè đi làm về chưa kịp, hoặc kẹt xe nên cũng vui vẻ cho qua. Dân mình quen đi trễ rồi mà!
Đám cưới ở quê luôn đúng giờ
Tôi chưa từng đi ăn cưới ở Sài Gòn. Nhưng nghe bạn bè kháo nhau người Sài Gòn đi đám cưới luôn trễ hơn giờ ghi trên thiệp 30 phút đến 1-2 giờ. Ai không biết đến đúng giờ là đợi chờ dài cổ. Tôi thấy rất kỳ lạ. Ở chỗ tôi khách khứa luôn đi sớm. Như tuần rồi tôi cưới, thiệp ghi 11g, 10g30 bạn bè đã đến rồi. Mọi người ngồi nói chuyện, hỏi thăm nhau, hỏi han cô dâu chú rể chuẩn bị đám cưới thế nào, công việc tốt không... 11g các bàn đã kín chỗ, ổn định xong, 11g10 mọi người đụng đũa món đầu tiên. Chưa đến 12g đã vãn tiệc.
Không riêng đám cưới của tôi mà đám cưới nào cũng vậy. Bản thân tôi dự cưới cũng xuất phát trước giờ ghi trên thiệp cả giờ. Thứ nhất là biết trước hôm đó bạn cưới, tôi đã sắp xếp công việc sao cho đến giờ là đi, không phải cập rập. Thứ hai, tôi nghĩ thà mình đợi người ta chứ để người ta đợi mình kỳ lắm. Ba là mình đi sớm sẽ tạo cho cô dâu chú rể cảm giác mình thật sự mừng cho họ, nhiệt tình đến chung vui cùng họ. Bạn bè càng thân lại càng phải đi sớm để thể hiện lòng thành.
Dĩ nhiên, điều kiện giao thông ở quê thoáng đãng hơn so với Sài Gòn gần 10 triệu dân. Công việc nhà quê chủ yếu là đồng áng, có thể tiên liệu, sắp xếp theo ý mình được nên chẳng có lý do đi trễ. Khung thời gian của người Sài Gòn biến động hơn, giao thông Sài Gòn hỗn loạn hơn, nhưng không phải vì thế mà họ không có cách đi đúng giờ. Chỉ cần bạn nghĩ đó là một sự kiện quan trọng, bạn không thích chờ đợi thì người khác cũng thế, để người ta đợi kỳ lắm, ngại lắm... thì bạn sẽ tìm ra cách sắp xếp để đến đúng giờ.
Đi trễ là “chuyện thường ngày ở huyện”!
Không chỉ tham dự các đám cưới với tư cách khách mời, tôi cũng từng làm nhân viên phục vụ tiệc cưới trong khoảng thời gian vài tháng. Chính vì vậy tôi có hình dung khá trọn vẹn về những chuyện dở khóc dở cười xoay quanh vấn đề “giờ dây thun” trong tiệc cưới.
Tôi có thể khẳng định bản thân chưa từng chứng kiến một đám cưới nào diễn ra đúng giờ. Các đám cưới luôn diễn ra trễ hơn từ một tới một tiếng rưỡi so với thời gian ghi trên thiệp.
Theo tôi quan sát, vị khách nào “xui xẻo” đến đúng giờ thường sẽ dễ rơi vào trạng thái chán nản, bực bội bởi không biết làm gì trong thời gian trống và vướng vào một số vấn đề khác. Điển hình như theo quy định của hầu hết nhà hàng, nhân viên phục vụ chỉ dọn đồ ăn ra nếu bàn có hơn tám người (mỗi bàn thường mười người). Thông thường sau khi đợi thêm một thời gian nhất định mà vẫn chưa thấy đủ người thì chúng tôi phải đi thuyết phục mọi người ngồi dồn lại với nhau. Từ đây phát sinh tình huống mọi người trở nên khách sáo, gượng gạo vì phải ngồi gắp đồ ăn, cụng ly cùng những người không thân thiết. Miếng ăn theo đó trở nên kém ngon, niềm vui cũng vơi nhiều.
Không chỉ đám cưới mà trong các bữa gặp mặt ăn uống cùng người thân, bạn bè... thì việc đi trễ đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Trước đây tôi còn bức xúc, nhưng giờ đành chấp nhận dù đôi khi bị cho leo cây... hơn một tiếng đồng hồ!
Chưa từng đi đám cưới nào đúng giờ
Tôi đã tham dự hàng chục đám cưới và cũng chưa từng thấy đám cưới nào diễn ra đúng giờ, có đám cưới trễ đến... hai giờ so với giờ ghi trên thiệp.
Điều đáng nói là có rất nhiều đám cưới mà cô dâu, chú rể đã cẩn thận ghi chú trên thiệp là tiệc sẽ diễn ra đúng giờ (không chờ đợi) và trước ngày cưới cũng điện thoại nhắc từng người... nhưng kết quả vẫn không thay đổi!
Buồn hơn nữa là khi đi những đám cưới mà có người nước ngoài ngồi chung bàn, thấy họ phải chịu đựng chung cảnh ngộ hoặc thậm chí cười, cho biết “không sao, tôi quen rồi”.
Biết là đi trễ sẽ không hay ho gì, tuy vậy tôi vẫn thường đi ăn cưới trễ. Trong công việc tôi là người rất chính xác về giờ giấc nhưng trong đám cưới, tiệc tùng thì tôi tự du di cho mình đi trễ khoảng một giờ. Tôi biết nhiều đồng nghiệp, bạn bè cũng rất trăn trở về những nghịch lý này... nhưng chúng tôi không thể nào thay đổi được, vì gần như là một “tập quán” của người thành thị!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận