17/04/2009 08:11 GMT+7

Du thuyền "khóc" vì kẹt cầu, kẹt cảng

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - 700 khách quốc tế trên tàu Seven Seas Mariner đã bị buộc phải rút ngắn hành trình tham quan TP.HCM và một số nơi ở ĐBSCL trong ngày 16-4 do cảng Lotus không còn chỗ cho tàu đậu.

PHrFUiPD.jpgPhóng to
Tàu khách du lịch Seven Seas Mariner trả và đón khách ở cảng Lotus vì không chui qua được cầu Phú Mỹ (ảnh chụp ngày 16-4) - Ảnh: T.T.D.

Không chỉ tàu Seven Seas Mariner, vấn đề kẹt cảng kẹt cầu cũng khiến trên 10 du thuyền quốc tế khác có hành trình đến TP.HCM đang có nguy cơ bị hủy bỏ do chưa có cảng nào chấp nhận.

Thất vọng

Không nhất thiết phải xây cầu cao

Ông Trần Tấn Phúc - tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển, cơ quan lập quy hoạch cảng biển VN và nhóm cảng biển TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu (nhóm cảng biển 5), cho biết: theo quy hoạch đã được phê duyệt, nhóm cảng biển khu vực TP.HCM sẽ tiếp nhận tàu chở khách có trọng tải từ 50.000 GRT (tương đương 1.500-3.000 khách). Do đó, theo quy hoạch công trình xây dựng trên sông Sài Gòn thì cầu Phú Mỹ có độ tĩnh không 45m là tối thiểu.

Mặt khác, căn cứ vào độ sâu sông Lòng Tàu chỉ cho phép tàu chở hàng 20.000-30.000 tấn và tàu chở khách đến 50.000 GRT cập các cảng TP.HCM là phù hợp. Vì vậy, theo quy hoạch, các tàu chở khách hoặc tàu chở hàng có trọng tải lớn hơn hoặc tàu có tĩnh không cao hơn so với cầu sẽ cập cảng ở khu vực cảng biển ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thành Thái - tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ, việc xây dựng cầu Phú Mỹ có độ tĩnh không cao 45m đã được Cục Hàng hải VN và Bộ Giao thông vận tải chấp thuận, sau đó đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, “số lượng tàu chở khách có độ cao lớn hơn 45m không nhiều nên không nhất thiết xây cầu cao hơn” - ông Thái cho biết.

Mặc dù cho rằng chương trình tham quan bảo tàng, bưu điện, nhà thờ Đức Bà và khu Chợ Lớn ở TP.HCM là thú vị nhưng vợ chồng bà Lynne Doupont, du khách Mỹ, kết luận họ hơi thất vọng khi đến đây. “Chúng tôi hi vọng khám phá thành phố đêm hôm qua, thưởng thức ẩm thực địa phương và chi tiêu một ít tiền nhưng không làm được vì tàu bị kẹt lại ở ngoài xa, không vào cảng được. Thật tiếc!” - bà Lynne nói.

Du thuyền chở 700 khách và 400 thuyền viên này phải neo ngoài Nhà Bè rồi thuê hai tàu cánh ngầm chở khách vào TP.HCM tham quan. Đại diện đại lý tàu Hải Nam giải thích: “Theo chương trình định sẵn, tàu Seven Seas Mariner sẽ cập cảng Lotus từ hôm 15-4 nhưng mãi đến sáng 16-4 mới vào được do cảng bị kẹt tàu hàng”. Tàu Seven Seas Mariner có chiều cao 46m, dài 217m. Vì vậy theo vị đại diện đại lý tàu Hải Nam, tàu này không thể vào sâu các cảng bên trong do kẹt cầu Phú Mỹ, nên đành neo đậu “ké” cảng Lotus, bởi đây không phải nơi chuyên dụng đón tàu biển du lịch.

Giữa trưa 16-4, nhiều du khách quốc tế sau khi tham quan TP.HCM vừa bước xuống xe buýt đã hối hả chạy lên tàu để tránh những “cơn bão” bụi thổi từ con đường dẫn vào cảng. Thomson, một du khách, định ghé lại gian hàng bán đồ mỹ nghệ dựng tạm gần du thuyền thì hứng trọn một cơn lốc bụi vào mặt.

Chưa kịp mua gì để làm quà lưu niệm cũng chẳng thể chuyện trò thêm, vị du khách lớn tuổi này vừa nói lời xin lỗi vừa chạy vội lên tàu tìm thuốc nhỏ mắt. Một nhân viên Công ty du lịch Tân Hồng - đơn vị đưa tàu Seven Seas Mariner đến VN - nói: “Chúng tôi biết cơ sở hạ tầng ở đây không phù hợp để đưa đón khách, nhưng có nơi đồng ý để tàu cập cảng là may mắn lắm rồi! Chúng tôi còn một vài tàu sắp đến TP.HCM nhưng chưa có cảng nào nhận, không biết phải xử lý thế nào đây!”.

Theo kế hoạch, Công ty Tân Hồng sẽ đón tàu Diamond Princess, cao 54m, với 3.000 khách vào cảng Phú Mỹ nhưng cảng này cho biết đang kẹt cứng chỗ cho tàu neo đậu. Tương tự, Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist đang như ngồi trên đống lửa.

Ông Vũ Duy Vũ, phó giám đốc công ty, cho biết từ nay đến cuối năm hàng chục chuyến tàu khác đang có nguy cơ kẹt cảng, kẹt cầu. “Phần lớn tàu này có chiều cao vượt quá độ tĩnh không cầu Phú Mỹ nên chúng tôi đã tính toán đậu ở bên ngoài, nhưng hiện nay vẫn chưa tìm được cảng đậu” - ông Vũ lo lắng.

Sẽ xem lại lịch trình đến VN

Theo ông Vũ, hiện nay không chỉ chuyện tàu lớn không vào cảng được do độ cao của cầu Phú Mỹ mà do cầu đang thi công nên những tàu nhỏ ra vào cũng không thuận lợi, phải theo giờ nên lịch trình tham quan của nhiều chuyến tàu bị phá vỡ hoàn toàn. “Phía đối tác của chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra ở VN. Họ đe phải xem xét lại lịch trình đến VN. Nếu tình hình không thuận lợi có thể họ sẽ hủy bỏ điểm đến TP.HCM, thậm chí hành trình đến những nơi khác của VN cũng bị ảnh hưởng” - ông Vũ nói.

Theo các đơn vị đưa đón du thuyền quốc tế đến VN, thiệt hại lớn nhất do việc kẹt cảng, kẹt cầu là hình ảnh điểm đến VN sẽ bị mất điểm trong mắt các du khách và hãng tàu trên thế giới. “Chúng tôi phải chi hàng trăm triệu đồng do phát sinh chuyện thuê tàu cánh ngầm, thêm xe đưa đón khách, đền bù do hủy tour tuyến… nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ. Họ không đến VN nữa mới là chuyện lớn! Bởi chúng tôi đã bao nhiêu năm thuyết phục, bây giờ họ đến thì gặp tình trạng như thế!” - lãnh đạo một công ty du lịch nói.

Bến tàu khách quốc tế sẽ xây dựng tại khu Nhà Rồng-Khánh Hội

UBND TP.HCM vừa chỉ đạo Sở Quy hoạch - kiến trúc TP phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND Q.4 phối hợp với các sở ngành liên quan nghiên cứu kiến nghị của Công ty TNHH một thành viên cảng Sài Gòn về quy hoạch tàu khách quốc tế tại khu Khánh Hội của cảng Sài Gòn. Trước đó, cảng Sài Gòn đã lập dự án chuyển đổi công năng khu Nhà Rồng-Khánh Hội từ cảng xếp dỡ hàng hóa thành cảng tàu khách du lịch, ga tàu biển trong nước và quốc tế...

Theo quy hoạch, các cảng biển nằm trong nội ô TP phải di dời trước năm 2010 gồm: Tân Cảng, Nhà máy đóng tàu Ba Son, cảng Sài Gòn gồm khu Nhà Rồng và Khánh Hội, cảng Tân Thuận Đông và cảng rau quả. Trong đó, Tân Cảng đã hoàn thành di dời cảng về Cát Lái, Q.2 vào năm 2007. Nhà máy đóng tàu Ba Son đang tiến hành bồi thường giải tỏa đất ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để xây dựng hai nhà máy đóng tàu mới có diện tích 94,5ha. Cảng Sài Gòn đang tiến hành đền bù giải tỏa 100ha ở Hiệp Phước (Nhà Bè) để xây dựng cảng mới.

Cảng Tân Thuận Đông đang tiến hành thuê đất 20,25ha để xây dựng cảng mới ở Khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè). Riêng cảng rau quả đang đề nghị Chính phủ hỗ trợ tạo nguồn vốn di dời cảng.

Cảng đang nghiên cứu di dời sau năm 2010 gồm cảng Bến Nghé và Lotus.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp