Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh: Lê Kiên |
“Quy định thế này làm sao người ta cựa quậy được nữa”
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, thực tế quản lý trang thiết bị y tế hiện rất lỏng lẻo, cần có các quy định pháp luật để điều chỉnh.
“Nhưng nếu các đồng chí định quy định như thế này thì sẽ dẫn đến tình trạng không sản xuất được, không nhập khẩu được, không lưu hành được. Quy định như thế này thì làm sao người ta cựa quậy được nữa. Cho nên cuối cùng buôn gian bán lậu ngày càng tăng mà thôi. Quản lý thì tưởng là rất chặt nhưng hàng lậu vẫn cứ về ngang nhiên” - ông Hùng nói.
So sánh với tình trạng “trước đây quản lý thuốc cũng thế. Suốt ngày đưa lên Quốc hội là giá thuốc, giá thuốc, giá thuốc… Nguyên nhân sâu xa nhất là chỉ có mấy anh được nhập khẩu thôi. Khi chúng ta mở ra một cái là thấy giá thuốc xuống”.
Rồi Chủ tịch Quốc hội đặt hàng loạt câu hỏi: “Ngành y tế làm được không? Sản xuất có kiểm soát được tất cả các loại không? Nhập khẩu cũng có kiểm soát hết được không? Đây là vấn đề chuyên môn, một cái hội đồng của Bộ Y tế không làm được đâu, bởi vì cái này nó rất chuyên môn, rất kỹ thuật, rất trình độ. Cái này là ngành sản xuất, nó chuyên môn lắm, bây giờ các đồng chí định nhảy vào làm đủ kiểu thế này thì có dẫn đến tiêu cực không?”
“Ngành y tế có trở thành ngành tiêu cực trong mấy cái thứ này không, giống như trước đây có tình trạng bệnh viện, bác sỹ trở thành mấy anh đi tiếp thị cho những nhà nhập khẩu thuốc, bán thuốc”.
“Không thể cứ đụng cái là phải xin giấy phép”
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Chúng ta là kinh tế thị trường, đâu chỉ có một cái công ty nhà nước sản xuất hoặc nhập khẩu. Kinh tế thị trường, các đồng chí quy định điều kiện gì thì kể ra đây, ai đủ điều kiện thì người ta làm. Không thể cứ đụng một cái là phải xin giấy phép, đụng một cái là phải nộp phí. Nếu thế thì trang thiết bị ở VN đắt nhất thế giới."
"Ông là nhà quản lý thì ông công bố điều kiện, tôi thấy đủ điều kiện thì tôi đăng ký, còn trách nhiệm của ông là kiểm tra xem tôi có đủ điều kiện không chứ, nếu tôi không đủ điều kiện thì ông xử lý, đóng cửa”.
“Quy định như thế này là trở về bao cấp thời xưa chứ không phải bao cấp thời nay nữa. Nếu quy định như vậy thì lại đổ hết vào đầu người bệnh thôi. Quy định như vậy thì cứ mỗi anh cán bộ sở y tế xuống lại đặt ra vài điều kiện, rồi thu đủ thứ phí thế này thì người ta sống sao nổi? Tôi xin cảnh báo trước là không có phí nào ở đây đâu đấy” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trước đó, trình bày tờ trình về nghị định này, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nói: “Trang thiết bị y tế là một loại hàng hóa đặc biệt có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, chất lượng của công tác y tế, hỗ trợ cho người thầy thuốc trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân được chính xác, nhanh chóng, an toàn và hiệu quả”.
“Tuy nhiên, trang thiết bị y tế lại có đặc thù là chủng loại đa dạng, luôn được cập nhật ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, thế hệ công nghệ luôn thay đổi. Do vậy, trang thiết bị y tế phải được quản lý chặt chẽ theo chu trình vòng đời của sản phẩm, từ giai đoạn sản xuất, thử nghiệm, lưu thông trên thị trường đến quá trình sử dụng và bảo hành, bảo dưỡng đối với sản phẩm” - ông Tiến nói tiếp.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Hiện nay việc quản lý cấp giấy phép nhập khẩu chỉ thực hiện đối với 50 chủng loại trang thiết bị y tế nhưng trên thực tế thì số lượng chủng loại trang thiết bị y tế lớn hơn số đang quản lý rất nhiều. Bên cạnh đó việc quản lý trang thiết bị y tế nhập khẩu cũng chưa đáp ứng các yêu cầu về quản lý chất lượng đối với sản phẩm hàng hóa nhập khẩu cũng như các quy định hội nhập quản lý trang thiết bị y tế của khu vực và thế giới”.
Bộ Y tế giải thích rằng “theo quy định của dự thảo Nghị định thì trình tự, thủ tục để công bố hoặc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoặc cấp phép gồm rất nhiều hoạt động như thẩm định hồ sơ, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu về quản lý trang thiết bị, in ấn phát hành các giấy tờ có liên quan... và các hoạt động này đòi hỏi phải có nguồn kinh phí”.
Do đó, bên cạnh việc quy định các thẩm quyền cấp phép và kiểm soát, Bộ Y tế đề nghị được thu các loại phí, gồm: “Lệ phí công bố đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế; công bố tiêu chuẩn trang thiết bị y tế thuộc loại A; công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế; Phí cấp mới, cấp lại, gia hạn số lưu hành; Phí thẩm định cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Bộ Y tế chuẩn bị lại dự thảo nghị định này.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đếm được dự thảo nghị định có 78 điều thì đến 45 điều quy định về các loại thủ tục hành chính. “Quá nhiều thủ tục, tôi không biết với chừng ấy thủ tục rườm rà thì các sở y tế có đủ sức làm nổi không?” - bà Ngân bình luận. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận