05/12/2024 10:21 GMT+7

Dự thảo thông tư xác định chỉ tiêu tuyển sinh: Trường được lợi, trường thiệt thòi

Dự thảo thông tư xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến có nhiều điểm mới so với thông tư trước đây. Lợi cũng có mà hại cũng nhiều.

Dự thảo thông tư xác định chỉ tiêu tuyển sinh: Trường đắc lợi, trường thiệt thòi - Ảnh 1.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh vào Trường đại học Công nghệ TP.HCM - Ảnh: XUÂN DUNG

Dự thảo thông tư này được ban hành để thống nhất thông tư chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Theo nhiều chuyên gia, phần lớn trường đại học có lợi nhưng cũng có nhiều điều bất cập.

Lượng thí sinh nhiều năm nay hầu như ít thay đổi trong khi chỉ tiêu tăng lên. Trường này tuyển nhiều dĩ nhiên trường khác sẽ không còn người để tuyển.

Ông Võ Văn Tuấn

Chỉ tiêu tuyển sinh sẽ tăng vọt

Theo dự thảo, tỉ lệ sinh viên/giảng viên toàn thời gian được xác định là 40. Quy định này không tính quy đổi theo học hàm, học vị như trước đây: thạc sĩ 25, tiến sĩ 50, phó giáo sư 75, giáo sư 150 sinh viên.

Cũng theo dự thảo, chỉ giảng viên làm việc toàn thời gian tại trường mới được tính xác định chỉ tiêu, giảng viên thỉnh giảng không được tính.

Đây là điểm mới đáng chú ý trong dự thảo. Ngoài ra dự thảo cũng đưa ra mức tuyển vượt không quá 20% chỉ tiêu mà các trường xác định. Mức 20% này được cho là rất thuận lợi cho các trường trong tuyển sinh. Trước đây các trường chỉ cần tuyển vượt 3% là bị phạt tiền, trừ chỉ tiêu vào năm sau.

Đánh giá về cách xác định chỉ tiêu mới, ông Võ Văn Tuấn - phó hiệu trưởng Trường đại học Văn Lang - cho rằng chỉ tiêu các trường sẽ tăng mạnh.

"Theo quy định mới, trường nào nhiều thạc sĩ sẽ có lợi, chỉ tiêu tăng lên. Trong khi đó trường có nhiều tiến sĩ chỉ tiêu có thể sẽ giảm. Với tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các trường còn thấp nên phần lớn các trường đại học sẽ có lợi với quy định mới khi chỉ tiêu tuyển sinh tăng lên. Ngoài ra việc cho phép các trường tuyển vượt không quá 20% cũng là điều thuận lợi cho các trường" - ông Tuấn nói.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Anh - phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ TP.HCM - cho rằng tính toán thực tế cho thấy chỉ tiêu của nhiều trường có thể tăng 30-50% so với năm 2024 nếu quy định mới được áp dụng.

Khoảng 70% giảng viên ở nhiều trường đại học có trình độ thạc sĩ nên với việc tăng từ 25 lên 40 sinh viên/giảng viên, chỉ tiêu đã tăng 1,6 lần. Cùng với việc được phép tuyển vượt không quá 20% chỉ tiêu xác định, số lượng thực tuyển của nhiều trường sẽ cao hơn rất nhiều so với năm 2024.

Đây cũng là quan điểm của đại diện nhiều trường đại học như Bách khoa, Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), Công Thương TP.HCM khi cho rằng quy định mới có lợi cho các trường khi xác định chỉ tiêu.

Ông Thái Doãn Thanh - phó hiệu trưởng Trường đại học Công Thương TP.HCM - nói về cơ bản, quy định mới có lợi cho các trường nhiều thạc sĩ khi chỉ tiêu sẽ tăng lên.

"Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ cũng như thạc sĩ khi xác định chỉ tiêu theo quy định mới. Vì số lượng giảng viên có trình độ thạc sĩ chiếm phần lớn nên chỉ tiêu mặc nhiên sẽ tăng lên. Quy định cho tuyển vượt 20% cũng giảm bớt tình trạng trường nơm nớp vì sợ tuyển vượt" - ông Thanh nói thêm.

Nhiều lo lắng

Bên cạnh các thuận lợi, không ít trường đại học cũng lo lắng về những bất cập của quy định mới khiến việc tuyển sinh, phát triển đội ngũ gặp trở ngại.

Ông Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng quy định trong dự thảo dẫn đến những bất thường trong hệ thống. Trường có đội ngũ giảng viên bình thường, thạc sĩ nhiều thì chỉ tiêu lại tăng lên trong khi trường có giảng viên có học hàm, học vị tiến sĩ nhiều lại bị giảm chỉ tiêu.

"Hơn 65% giảng viên Trường đại học Bách khoa có trình độ tiến sĩ. Chỉ tiêu của trường cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, một số giảng viên chuyên dạy thực hành lại không được tính khi xác định chỉ tiêu. Đây là những người có năng lực tay nghề cao, chuyên dạy thực hành ở khối ngành kỹ thuật, y khoa. Ở lĩnh vực y khoa có quy định công nhận họ là giảng viên trong khi ở lĩnh vực khác lại không có. Đó là điều bất hợp lý" - ông Thắng cho hay.

Cùng nhận định này, ông Đinh Đức Anh Vũ - phó hiệu trưởng Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường hiện khoảng 70%. Theo quy định mới của dự thảo, chỉ tiêu của trường sẽ giảm.

Tương tự, ông Cù Xuân Tiến - trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) - nói quy định mới có thể ảnh hưởng đến việc nâng cao trình độ của giảng viên đại học. Trường có giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ càng nhiều sẽ càng thiệt khi xác định chỉ tiêu khi bị giảm rất nhiều.

Ngoài ra chỉ tiêu chương trình liên kết được xác định trong tổng chỉ tiêu nhưng giảng viên thỉnh giảng không được tính khiến trường gặp khó khăn.

"Chương trình, giảng viên, bằng cấp do đối tác nước ngoài điều phối, cấp bằng. Giảng viên do trường đối tác điều qua dạy trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu làm việc toàn thời gian, họ phải ở lại Việt Nam và xin giấy phép lao động. Điều đáng nói việc xin giấy phép lao động đối với chuyên gia, giảng viên nước ngoài rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Do đó nên có cơ chế riêng về giảng viên với các chương trình liên kết" - ông Tiến đề xuất.

Cho rằng quy định mới có nhiều thuận lợi nhưng đại diện một số trường cũng bày tỏ lo lắng khi nguồn tuyển bị cạn. Ông Võ Văn Tuấn phân tích: khi chỉ tiêu phần lớn các trường đều tăng cộng với việc được tuyển vượt đến 20%, tổng số lượng tuyển của các trường tốp trên, tốp giữa sẽ rất lớn.

Ngoài ra ông Tuấn cũng kiến nghị cần phải tính nghiên cứu viên khi xác định chỉ tiêu. Hiện tại nghiên cứu viên vừa nghiên cứu vừa giảng dạy nhưng họ không được tính khi xác định chỉ tiêu. Theo ông Tuấn, có thể không tính hệ số 40 như giảng viên nhưng có thể tính ở mức 20-30.

Cần đảm bảo chất lượng

Liên quan đến tương quan chỉ tiêu, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, ông Thái Doãn Thanh cho biết nếu quy định mới được áp dụng chắc chắn chỉ tiêu của trường sẽ tăng. Tuy nhiên trường tính toán mức tăng phù hợp để đảm bảo chất lượng.

"Năng lực đội ngũ giảng viên của trường không vấn đề gì nhưng trường phải tính toán bài toán chất lượng cùng với chỗ học, trang thiết bị thực hành, thí nghiệm. Do đó nếu chỉ tiêu có tăng cũng ở mức hài hòa, đảm bảo chất lượng chứ không tăng kịch trần" - ông Thanh nói.

Dự thảo thông tư xác định chỉ tiêu tuyển sinh: Trường đắc lợi, trường thiệt thòi - Ảnh 2.Dự thảo thông tư tuyển sinh đại học 2025: Tháo gỡ nỗi lo tuyển vượt chỉ tiêu

Đại diện các trường đại học nhận định những điểm mới trong dự thảo thông tư tuyển sinh đại học lần này đều hợp lý và cần thiết. Đặc biệt quy định mới sẽ giúp các trường đỡ sợ tuyển vượt chỉ tiêu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp