Nhiều người dân và chuyên gia rất quan tâm đến vấn đề này, đồng thời đưa ra những góp ý để luật áp dụng đem lại hiệu quả giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông cao nhất.
Trẻ em dưới 10 tuổi không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe
Cụ thể, các quy định mới trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được người dân quan tâm nhiều nhất như trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe ô tô khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng thiết kế dành riêng cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.
Điểm mới thứ hai là tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, người lái xe phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Không chỉ vậy, ngay tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người lái xe cũng phải quan sát, nếu thấy người đi bộ hoặc xe lăn của người khuyết tật đang qua đường hoặc có tín hiệu qua đường thì phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua.
Thứ ba, xe máy được phép chở ba người trong các trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật, trẻ em dưới 14 tuổi và người già yếu hoặc người khuyết tật.
Như vậy, so với luật hiện hành, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã bổ sung thêm một trường hợp được chở ba là người già yếu, người khuyết tật.
Điểm mới thứ tư là quy định đổi, cấp lại giấy phép lái xe (bằng lái xe) theo phân hạng mới. Cụ thể, giấy phép lái xe hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xilanh từ 50cm3 đến 175cm3 hoặc có động cơ có công suất định mức tương đương.
Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xilanh từ 175cm3 trở lên hoặc động cơ có công suất định mức tương đương và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A2.
Hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A2.
Còn hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ của người lái xe), xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500kg, các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B2.
Như vậy, theo quy định này, giấy phép lái xe đã được cấp theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được tiếp tục sử dụng. Đối với các trường hợp đổi, cấp lại thì theo phân hạng mới.
Đánh giá về những quy định mới nói trên, các chuyên gia nhận định thay đổi hợp lý, phù hợp với thói quen và tình trạng giao thông hiện nay. Dù vậy, chuyên gia góp ý các đơn vị cần nghiên cứu, bổ sung vài điểm cụ thể hơn để quá trình triển khai thuận lợi, phát huy tối đa hiệu quả giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng dễ kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông.
Xây dựng quy định hướng dẫn song song
Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ, anh Phan Văn Hoàng - một người dân ở TP Thủ Đức (TP.HCM) - cho rằng quy định về nhường đường cho người đi bộ, người yếu thế đi qua đường an toàn là rất cần thiết. Điều này thể hiện sự văn minh, đề cao sự an toàn của người đi bộ.
Dù vậy, mật độ xe cộ trên các tuyến đường ở nước ta luôn đông đúc, việc giảm tốc độ bất thình lình có thể không đảm bảo an toàn. Chưa kể đến việc các xe phía sau bị khuất tầm nhìn dễ gây tai nạn. Các đơn vị nên nghiên cứu thêm ở điểm này để điều chỉnh thực sự phù hợp. Có thể tính toán bổ sung quy định chỉ nên nhường đường tại một số tuyến đường như trong khu dân cư, tuyến đường giới hạn tốc độ thôi.
"Có lần, tôi lái ô tô trên đường Điện Biên Phủ (TP.HCM) thì bất ngờ thấy cụ già bán vé số băng qua đường. Không có đèn tín hiệu nhưng tôi vẫn chủ động giảm tốc nhường đường. Nhưng do tôi phanh gấp nên hai xe ô tô đi phía sau tông vào phía sau xe tôi. Trong những trường hợp này mà không quy định chặt chẽ có thể rối loạn giao thông, tạo ùn tắc, tai nạn giao thông", anh Hoàng băn khoăn.
PGS.TS Vũ Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường ĐH Việt Đức) - cho rằng những điểm mới trong dự luật đưa ra là hợp lý bởi đó là xu hướng chung trên thế giới.
Các đơn vị nên nghiên cứu thêm, căn cứ vào đặc điểm giao thông tại Việt Nam mà bổ sung quy định hướng dẫn liên quan đảm bảo thông suốt.
Ông Tuấn phân tích rõ, quy định không cho trẻ em dưới 1,35m ngồi hàng ghế lái cần lập tức triển khai. Các nước trên thế giới họ đã nghiên cứu, chạy mô phỏng tình huống đưa ra và kết luận người ngồi ghế trước có tỉ lệ nguy hiểm (khi xảy ra va chạm) cao hơn người ngồi hàng ghế sau.
Về quy định phân hạng lại bằng lái xe, ông Tuấn mong muốn có hướng dẫn triển khai cụ thể. Trong đó quy định rõ trường hợp nào được tiếp tục sử dụng đến khi hết hạn bằng lái, trường hợp cấp lại, đổi thì thủ tục ra sao... tránh tiêu cực có thể phát sinh. Ông Tuấn cũng góp ý việc cấp lại, đổi nên ưu tiên làm online.
Bên cạnh đó, ông Tuấn đề xuất nên nghiên cứu, xem xét thêm việc bổ sung người già, người khuyết tật được chở ba trên xe máy và nên quy định thêm tốc độ giới hạn trong trường hợp này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận