UBND TP Hà Nội cho biết thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Sau hoàn hiện, Ban cán sự Đảng UBND TP xin ý kiến Thường trực Thành ủy liên quan một số nội dung trong dự thảo luật.
Theo đó, TP Hà Nội cho biết qua quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học đối với dự thảo Luật Thủ đô, Ban cán sự Đảng UBND TP "nhận thấy một số nội dung quan trọng của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) còn có những ý kiến khác nhau".
Trước thực tế trên, UBND TP Hà Nội vạch ra 16 nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi để đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Hà Nội muốn tăng 25% đại biểu chuyên trách HĐND TP
Trong đó, tại khoản 2, 3, 4 điều 10, dự thảo luật có nêu sẽ tăng số lượng đại biểu và đại biểu chuyên trách HĐND TP (tăng từ 95 lên 125 đại biểu, tỉ lệ chuyên trách 25%). Dự thảo cũng nêu rõ, Thường trực HĐND TP Hà Nội sẽ gồm chủ tịch HĐND, không quá 3 phó chủ tịch HĐND và các ủy viên là chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP Hà Nội, trưởng ban của HĐND Hà Nội.
Ban của HĐND Hà Nội gồm trưởng ban, không quá 2 phó trưởng ban và không quá 4 ủy viên hoạt động chuyên trách.
Với các điều khoản trên, UBND TP Hà Nội đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo Bộ Chính trị thống nhất với đề xuất của Hà Nội.
UBND TP Hà Nội cho rằng đây là nội dung rất quan trọng, liên quan đến biên chế, cơ cấu tổ chức của HĐND TP; khác biệt so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và cũng liên quan đến các quy định của Đảng về tinh giản biên chế. Vì vậy, quy định này cần thiết phải xin ý kiến Bộ Chính trị.
Ngoài ra, tại khoản 3, điều 18, dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, nêu: chủ tịch UBND TP Hà Nội, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, chủ tịch UBND TP thuộc TP Hà Nội được tuyển dụng không qua thi tuyển với cá nhân có năng lực, trình độ cao đang ngoài khu vực nhà nước và bổ nhiệm chức danh quản lý, điều hành ở một số đơn vị sự nghiệp công lập của TP.
Hà Nội đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về vấn đề này.
Bởi theo UBND TP Hà Nội, việc bổ nhiệm chức danh quản lý, điều hành ở một số đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay theo quy định về công tác cán bộ của Đảng cần phải bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, thực hiện theo quy trình công tác cán bộ. Vì vậy, quy định này có thể khác với một số quy định hiện nay của Đảng.
Tuy nhiên, Hà Nội cũng cho rằng nội dung đề xuất này là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về thu hút, trọng dụng nhân tài, lựa chọn người có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất vào vị trí lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, quản lý hạ tầng kỹ thuật, giao thông, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục đào tạo...
Muốn được giữ 100% tiền cho thuê đất
Tại khoản 3 và 4 điều 45, dự thảo luật quy định dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỉ đồng, trừ dự án đường sắt đô thị.
UBND TP Hà Nội cho biết đây là nội dung quan trọng, vì vậy Hà Nội đề xuất không giới hạn về mức vốn. Tuy nhiên, ý kiến một số bộ, ngành và được Bộ Tư pháp tiếp thu thì cần có giới hạn tối đa về mức vốn trên 10.000 tỉ.
Theo đó, nội dung quy định (theo dự thảo của Bộ Tư pháp trình) đã xác định mức vốn tối đa là 20.000 tỉ, trừ dự án đường sắt đô thị thì không quy định mức vốn tối đa.
Vì vậy Hà Nội cho rằng cần xin ý kiến Bộ Chính trị để chỉ đạo về chủ trương, quan điểm cho vấn đề này.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đề xuất được giữ lại 100% tiền sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện nhiệm vụ phát triển vùng thủ đô, hỗ trợ di dời các cơ quan trung ương, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất theo quy hoạch để có quỹ đất phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng.
Hiện dự thảo luật của Bộ Tư pháp trình Chính phủ đang quy định TP được hưởng 95% tiền sử dụng đất, cho thuê đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận