Người vay mong muốn được giãn nợ dài hơn thay vì chỉ 3 tháng như hiện nay - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Không giảm lãi, chỉ giãn nợ
Phản ánh với Tuổi Trẻ Online, chị M.T. (TP.HCM) cho biết từ tháng 6 chị gặp khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát, công ty giảm lương, khi trình bày với ngân hàng thì nơi này không giảm lãi suất cho vay, mà xử lý theo hướng cơ cấu giãn nợ trong 3 tháng, từ tháng 7 đến tháng 9, nhưng đến tháng 10 thì số tiền phải đóng tăng lên do ngân hàng cộng dồn và chia số tiền giãn nợ trong 3 tháng đó vào các kỳ sau.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, đây cũng là cách xử lý phổ biến mà các ngân hàng đang làm hiện nay bên cạnh gợi ý cho vay thêm để trả nợ hoặc... tăng hạn mức thẻ tín dụng như đã đề cập ở bài trước.
Giám đốc vùng một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM cho hay đang xử lý cho khách hàng vay mua nhà gặp khó do thu nhập giảm sút chủ yếu theo hướng cơ cấu nợ trong 3 tháng. Theo đó, trong ba tháng này người vay sẽ không phải trả gốc và lãi, số tiền gốc và lãi này sẽ được chia đều cho các kỳ thanh toán còn lại.
Theo các chuyên gia, với cách xử lý này, khách hàng sẽ được giảm áp lực trước mắt, nhưng gánh nặng hơn trong tương lai vì số tiền phải trả hằng tháng sau thời gian được giãn nợ sẽ tăng lên.
Chưa kể do bản chất của việc xử lý này là ngân hàng cho khách hàng nợ quá hạn 90 ngày nên nếu sau 90 ngày mà khách hàng tiếp tục trễ hạn thì lập tức rơi xuống nợ nhóm 3, đồng nghĩa bị ghi tên vào "danh sách đen" trên Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), ảnh hưởng đến việc vay vốn sau này.
Nhiều người vay cho biết có thở phào đôi chút vì giảm áp lực phải trả nợ trước mắt, nhưng lại lo đến tháng 10 nếu tình hình chưa trở lại như cũ thì lấy đâu nguồn thu nhập để trả nợ khi số nợ phải trả hằng tháng tăng lên.
Nên khoanh nợ để cứu người vay vốn
Một chuyên gia lâu năm trong ngành ngân hàng (đề nghị không nêu tên) cho rằng thực tế dịch còn diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh phía Nam. Hơn nữa, dù có khống chế được dịch trong tháng này thì doanh nghiệp, cá nhân vay vốn cũng phải mất 1-2 năm nữa mới có thể hoạt động bình thường trở lại, có dòng tiền để trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng.
"Do vậy việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ chỉ là giải pháp tình thế và để hỗ trợ căn cơ hơn cho khách vay, vị này đề nghị nên khoanh nợ khoảng 2 năm. Trong thời gian khoanh nợ, người vay không phải trả lãi mà ngân sách sẽ trả thay một phần, còn ngân hàng sẽ giảm một phần. Giả sử tiền lãi sẽ là 2 đồng thì ngân sách sẽ trả 1 đồng cho ngân hàng, còn 1 đồng thì ngân hàng phải lấy lợi nhuận để xử lý", vị chuyên gia này nói.
Theo ông này, lúc kinh tế hoạt động bình thường thì doanh nghiệp và cá nhân vay vốn nộp thuế cho ngân sách nhà nước và trả tiền lãi cho ngân hàng. Còn khi xảy ra dịch bệnh, khó khăn bất biến đặc biệt, chưa từng có như hiện nay thì cần có sự sẻ chia để cứu doanh nghiệp, người vay vốn và vực dậy nền kinh tế.
"Tình hình đang rất cấp bách, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính nghiên cứu và kịp thời đề xuất với Chính phủ để có nghị định về khoanh nợ khoản vay bị ảnh hưởng bởi COVID-19, kiến nghị cần phải kéo dài thời gian cơ cấu trả nợ đến năm 2023 cho khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mốc gia hạn trả nợ đến ngày 30-6-2022 như Ngân hàng Nhà nước đưa ra chưa đủ để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vay vốn bị thiệt hại nặng nề do đại dịch này gây ra", vị này đề nghị.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành thông tư sửa đổi thông tư 01 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Về thời hạn gia hạn trả nợ, tạm thời kéo dài đến ngày 30-6-2022 để hỗ trợ cho doanh nghiệp và cá nhân vay vốn. Vì chưa biết thời điểm nào dịch mới kết thúc.
Về đề xuất khoanh nợ bị ảnh hưởng COVID-19, theo ông Tú, trong luật không có phép khoanh nợ trừ khoản nợ cho vay nông nghiệp nông thôn bị thiên tai, dịch bệnh trên diện rộng mà chính quyền địa phương đề xuất kiến nghị. Còn khoản nợ thiệt hại do dịch COVID-19 đặt ra rất nhiều vấn đề, phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
"Chính phủ vừa thành lập tổ tư vấn đặc biệt của Thủ tướng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Các giải pháp để khôi phục kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch là gì thì tổ này sẽ nghiên cứu như hỗ trợ lãi suất, nguồn vốn… sẽ được xem xét" - ông Tú nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận