Quan chức phụ trách an ninh đặc khu Hong Kong, ông John Lee Ka-Chiu, tuyên bố trước hội đồng lập pháp về việc chính thức hủy bỏ dự luật dẫn độ ngày 23-10 - Ảnh: REUTERS
Đài Foxnews dẫn lời ông John Lee phụ trách an ninh Hong Kong phát biểu trước Hội đồng lập pháp: "Tôi chính thức tuyên bố rút bỏ dự luật này".
Theo hãng tin Reuters, ngay cả với việc bỏ hẳn dự luật gây tranh cãi, đó mới chỉ là một trong 5 yêu sách những người biểu tình đặt ra với chính quyền đặc khu.
Những đám đông biểu tình từng bôi bẩn các tòa nhà công quyền tại Hong Kong trong suốt vài tháng qua, ném bom xăng vào cảnh sát và phóng hỏa trên phố đã luôn tuyên bố trong 5 yêu sách đó họ không chịu nhượng bộ bất cứ điều gì. Theo đó, việc bãi bỏ dự luật dẫn độ được cho là sẽ không làm tình hình căng thẳng hiện nay thay đổi.
Nhà lãnh đạo đặc khu, bà Carrie Lam, từng nhiều lần nói rằng dự luật dẫn độ đã "chết". Tuy nhiên bà Lam cũng nói, những yêu cầu khác, trong đó có tổ chức bầu cử theo phổ thông đầu phiếu và ân xá cho tất cả những người từng bị buộc tội nổi loạn, nằm ngoài tầm kiểm soát của bà.
Người biểu tình cũng yêu cầu bà Lam từ chức và phải tiến hành một cuộc điều tra độc lập với những cảnh sát bị cáo buộc đã ra tay trấn áp tàn bạo với người biểu tình trong mùa hè qua.
"Không có nhiều khác biệt lớn giữa việc đình chỉ và rút bỏ dự luật dẫn độ… Sự việc quá nhỏ và quá muộn", người biểu tình 27 tuổi tên là Connie nêu quan điểm với Reuters nhiều giờ trước khi Hội đồng lập pháp Hong Kong chính thức hủy bỏ dự luật.
"Vẫn còn những yêu cầu khác mà chính phủ cần phải đáp ứng, nhất là vấn đề hành xử bạo lực của cảnh sát", người này tiếp.
Kể từ tháng 6 tới nay, hàng trăm ngàn người đã đổ xuống đường biểu tình, chủ yếu vào mỗi cuối tuần, ban đầu là để phản đối dự luật cho phép dẫn độ các cư dân Hong Kong phạm pháp về đại lục xét xử.
Tuy nhiên sau đó, những người biểu tình tiếp tục mở rộng thêm các yêu sách khác, trong đó có những yêu cầu về cải cách chính trị và trách nhiệm của cảnh sát.
Trong một diễn biến khác liên quan, báo Financial Times ngày 22-10 đưa tin cho biết Chính phủ Trung Quốc đang triển khai các kế hoạch nhằm thay thế bà Lam trước tháng 3 năm sau.
Theo báo Financial Times (FT), bà Lam được bổ nhiệm giữ chức trưởng đặc khu hành chính Hong Kong năm 2014 bất chấp đối thủ của bà khi ấy, ông John Tsang, là chính trị gia được công chúng ở đặc khu ủng hộ nhiều hơn.
Tờ FT dẫn các nguồn tin riêng của họ cho biết mặc dù đã nhiều lần bày tỏ tin tưởng vào bà Lam và chính quyền của bà trong việc có thể chấm dứt những bất ổn, song Bắc Kinh cũng đã lên kế hoạch thay bà Lam bằng một quyền trưởng đặc khu.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cao cấp tại Bắc Kinh cho biết bài báo của FT sai, và không có ai trong số những ứng cử viên được nêu tên trong bài báo của FT có thể đảm nhiệm vị trí của bà ấy căn cứ theo Đạo luật cơ bản có hiệu lực năm 1997 của Hong Kong.
Tuy nhiên vị quan chức này cũng nói Bắc Kinh đã chuẩn bị tất cả những kế hoạch ứng phó với nhiều tình huống khác nhau tại Hong Kong, kể cả tình huống chính quyền của bà Lam mất toàn bộ khả năng kiểm soát tình hình.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói bài báo của FT là một kiểu tin đồn chính trị với những động cơ mờ ám.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận