29/09/2019 15:42 GMT+7

Dư luận Mỹ ‘soi’ đặc phái viên về Ukraine liên quan tới cuộc điều tra ông Trump

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Áp lực dành cho đặc phái viên Mỹ về Ukraine Kurt Volker ngày một lớn hơn, bất kể ông này đã từ chức sau vụ lùm xùm liên quan tới cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump.

Dư luận Mỹ ‘soi’ đặc phái viên về Ukraine liên quan tới cuộc điều tra ông Trump - Ảnh 1.

Ông Kurt Volker, cựu đặc phái viên của tổng thống Mỹ về Ukraine - Ảnh: REUTERS

Ông Volker giữ vai trò đặc phái viên về tình hình Ukraine từ giữa năm 2017, với nhiệm vụ giúp chính quyền Washington thực thi cam kết ủng hộ Ukraine và tìm giải pháp hòa bình, nối lại quan hệ giữa Ukraine và Nga.

Tuy vậy Volker đã từ chức hôm 27-9 sau khi bị đề cập trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Cuộc điện đàm này bị giới chức đối lập ở Mỹ chỉ trích. Họ cho rằng ông Trump có biểu hiện "nhờ vả" Tổng thống Ukraine điều tra cha con ông Joe Biden, ứng viên tranh cử tổng thống của Đảng Dân chủ. Phe Dân chủ khẳng định ông Trump lạm dụng chức quyền để tấn công đối thủ chính trị.

Báo Politico hôm 29-9 cho rằng giờ đây, bất kể đã từ chức, ông Volker rất nhiều khả năng sẽ tiếp tục gặp rắc rối cho công việc của mình vì những nghi án xung đột lợi ích.

Cụ thể, trong thời gian đảm nhiệm các cuộc đàm phán liên quan tới Ukraine, ông Volker là người ủng hộ mạnh mẽ chính sách tăng cường vũ trang cho Ukraine. Trong số này có các hợp đồng tên lửa diệt tăng Javelin.

Vấn đề nằm ở chỗ vai trò đặc phái viên được xem là "nghề tay trái" của ông Volker. Trong khi thuyết phục ông Trump tăng cường vũ trang cho Ukraine, ông Volker lại đang làm việc cho một công ty vận động hành lang BGR Group. Ngoài ra, Volker cũng làm việc cho McCain Institute, một viện nghiên cứu.

Cả BGR Group lẫn McCain Institute đều liên quan mật thiết về tài chính với Raytheon Company, công ty sản xuất hệ thống tên lửa diệt xe tăng Javelin, vốn dĩ "nhận hàng triệu USD từ quyết định của ông Trump", theo Politico.

Cho đến nay, Volker chưa bị cáo buộc xung đột lợi ích trong công tác của mình. Dù vậy, việc ông từ chức có thể sẽ thúc đẩy các cuộc điều tra nhằm vào mối quan hệ của ông với luật sư riêng của ông Trump, tức Rudy Giuliani. Hai người này bị nghi đóng vai trò "thay mặt ông Trump" gây áp lực lên quan chức của Ukraine.

Theo báo cáo từ người tố cáo ẩn danh, ông Volker ghé thủ đô Kiev của Ukraine ngày 26-7, chỉ một ngày sau cuộc điện đàm gây tranh cãi giữa ông Trump và ông Zelensky.

Người tố cáo nói ông Volker đi cùng Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu Gordon Sondland. Họ gặp ông Zelensky và các quan chức khác, rồi cố gắng giúp họ thông hiểu và đạt thỏa thuận với ông Giuliani.

Nhưng xuất hiện trong một chương trình truyền hình ngày 28-9, ông Giuliani cầm chiếc iPad có nội dung tin nhắn được cho của Volker, đồng thời khẳng định ông Volker và những người khác trong Bộ Ngoại giao Mỹ hoàn toàn nhận thức được những gì vị cựu đặc sứ này làm ở Ukraine.

Ông Giuliani nói: "Ông ta (Volker) nên giải thích những gì mình đã làm. Người tố cáo kia đã đưa ra cáo buộc sai trái rằng tôi tự tiện hành động. Vâng, tôi chưa hề tự tiện hành động!".

Một số chuyên gia về chính sách đối ngoại nói rằng nghi vấn nên được đặt ra về việc bổ nhiệm Volker cho vai trò đặc phái viên. Cụ thể là vì sao lại cho phép ông này vừa làm công việc "bán thời gian", làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng Ukraine, trong khi cùng lúc lại đảm nhiệm các công việc khác.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp