Ông Hỷ nói: “Tôi nghĩ do tên gọi của trung tâm nên dư luận đã hiểu không chính xác. Ra đời năm 2007, lẽ ra nơi này có tên là Trung tâm Tập huấn bóng đá quốc gia nhằm giúp các đội tuyển quốc gia có nơi ăn tập chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế. Tuy nhiên, để có được sự đầu tư kinh phí của Nhà nước cũng như từ FIFA cho việc đào tạo bóng đá trẻ, chúng tôi đã đặt tên là Trung tâm đào tạo trẻ VFF.
Ở các nước, chẳng LĐBĐ nào mở trung tâm đào tạo trẻ, nhưng do cơ chế của VN, muốn được cấp kinh phí đầu tư cho bóng đá thì phải đặt tên như vậy để Nhà nước đầu tư cho bóng đá nước nhà. Mới đây, chúng tôi đã tiến thêm một bước để hoàn thiện chức năng đúng như tên gọi của Trung tâm đào tạo trẻ VFF qua việc khai giảng hai lớp U-16 nam và U-19 nữ vào ngày 24-9”.
* Ông nói rõ hơn về hai lớp này?
- Bốn tháng trước, chúng tôi đã cử lực lượng chuyên môn đi đến các CLB thương thảo và tuyển chọn 60 cầu thủ cho hai lớp U-16 nam và U-19 nữ theo chỉ đạo của Tổng cục TDTT nhằm chuẩn bị cho lớp kế cận của bóng đá nữ VN cũng như cho lứa cầu thủ tham dự Asiad 2019. Kinh phí cho hai lớp này là 8 tỉ đồng/năm và kéo dài đến năm 2019.
U-19 nữ được HLV Trần Vân Phát chọn từ các CLB nữ Hà Nội, TP.HCM, Than Khoáng Sản VN, Hà Nam, Thái Nguyên. Còn U-16 nam được tuyển chọn từ các lò đào tạo trẻ SHB Đà Nẵng, Sông Lam Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Khánh Hòa và Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá VN (PVF, TP.HCM).
* Nhưng lấy quân của các CLB về đào tạo có phải là cách làm hợp lý? Bởi các CLB liệu có tin tưởng giao những cầu thủ trẻ xuất sắc của mình cho một trung tâm bị nói khá nhiều thời gian qua?
- Tất nhiên không thể tránh khỏi chuyện các CLB không đưa lên trung tâm những cầu thủ xuất sắc nhất của mình bởi trung tâm chỉ mới mở lớp đào tạo đầu tiên nên chưa tạo được sự tin tưởng. Đó còn là chuyện cầu thủ giỏi đó có muốn rời lò đào tạo trẻ của CLB để lên trung tâm, rồi gia đình cầu thủ đó có đồng ý hay không vì sợ xa gia đình và chuyện học văn hóa của con em mình.
Thiện ý của chúng tôi là muốn chia sẻ việc đào tạo trẻ với các CLB. Họ có nhân tài nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay cũng gặp khó trong việc chăm lo và đào tạo cho các cầu thủ trẻ. Về hiệu quả, chúng tôi tính toán mỗi năm sẽ tổ chức đợt sát hạch có sự tham dự của HLV ở các CLB có cầu thủ lên trung tâm. Ai vượt qua sẽ ở lại tập luyện và ai không vượt qua phải trở về, chúng tôi lại bổ sung cầu thủ khác vào đội.
Xen kẽ đó, chúng tôi sẽ cho các em đi thi đấu các giải quốc tế để cọ xát. Đến năm 2018, thời điểm cuối cùng để chuẩn bị cho Asiad Hà Nội 2019, chúng tôi lại sàng lọc và bổ sung cầu thủ giỏi ở các địa phương để thành lập đội tuyển chính thức đi tập huấn nước ngoài. Nếu trung tâm làm tốt công tác đào tạo trong 1-2 năm đầu tiên, tôi nghĩ các CLB sẽ thay đổi suy nghĩ và ủng hộ bằng cách đóng góp các cầu thủ xuất sắc.
* Nhưng với những HLV không nổi tiếng lắm, đầu ra của trung tâm liệu có chất lượng?
- Phụ trách chính đội U-16 nam là HLV Lê Tuấn Long, từng là HLV trưởng đội tuyển U-19 VN. Còn đội U-19 nữ thì có các cựu tuyển thủ Phùng Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Mai Lan. Trong năm 2014, chúng tôi sẽ thuê giám đốc kỹ thuật người nước ngoài để hỗ trợ tốt hơn. Chúng tôi đã đặt vấn đề với LĐBĐ Nhật Bản để tìm giúp và họ cho biết sẽ hỗ trợ 1/2 tiền lương. Tôi nghĩ nếu có được giám đốc kỹ thuật nước ngoài giỏi, mọi thứ sẽ diễn ra trôi chảy và chúng ta có thể hi vọng.
[box]Vài nét về Trung tâm đào tạo trẻ VFF
Theo trang web của VFF, Trung tâm đào tạo trẻ VFF là đơn vị đào tạo bóng đá trẻ đầu tiên và duy nhất được Chính phủ và VFF đầu tư thành lập với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 140 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 80-85%, số còn lại do VFF đầu tư và FIFA tài trợ. Với diện tích xấp xỉ 7,2ha, trung tâm gồm bốn sân bóng đá 11 người (ba sân cỏ tự nhiên và một sân cỏ nhân tạo), phòng tập thể lực, hai khu nhà nghỉ VĐV...[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận