20/02/2021 13:17 GMT+7

Dữ liệu cá nhân: Muốn bảo vệ mình, hãy tôn trọng người khác

TUỔI TRẺ
TUỔI TRẺ

TTO - Tiết lộ thông tin cá nhân của người khác có thể bị phạt từ 50-100 triệu đồng. Đây là nội dung dự thảo nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân do Bộ Công an xây dựng. Phạt ai khi chuyện riêng, đời tư được công khai chia sẻ bàn tán hằng ngày?

Dữ liệu cá nhân: Muốn bảo vệ mình, hãy tôn trọng người khác - Ảnh 1.

Minh họa: DAD

Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến bạn đọc xung quanh chuyện này.

Bảo vệ danh tiếng kỹ thuật số của mình

Mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong cách chúng ta giao tiếp xã hội và biết thông tin về nhau. Chúng ta đã đến "ngã ba đường", khi hồ sơ trực tuyến của cả cá nhân và công ty đang được nhìn nhận như một thông số để đánh giá. 

Người tiêu dùng tin rằng các công ty cần chịu trách nhiệm về danh tiếng trực tuyến của họ, giống như việc hành vi của cá nhân trên mạng xã hội cũng được sử dụng để xác định điểm tín dụng của một người, để kiểm tra khả năng được tuyển dụng của một người, và thậm chí để từ chối hoặc chấp thuận yêu cầu thị thực. 

Với những hậu quả trong thế giới thực, chúng ta cần học cách bảo mật quyền riêng tư để đảm bảo an toàn cho danh tiếng kỹ thuật số - điều ngày càng trở nên quan trọng đối với chúng ta.

Danh tiếng kỹ thuật số cũng được liên kết với danh tiếng cá nhân. Tất cả thông tin được đưa lên Internet sẽ vẫn còn ở đó, có thể dẫn đến tình huống khó xử khi bạn phải giải thích những thông tin này với người khác (trong quá trình tuyển dụng chẳng hạn). Chia sẻ càng nhiều, dữ liệu cá nhân của bạn càng gặp nguy.

Theo các chuyên gia bảo mật, ngăn chặn lạm dụng dữ liệu cá nhân, nếu ứng dụng yêu cầu cấp quyền cho dữ liệu nhạy cảm, hãy xem chính sách bảo mật của ứng dụng vì chính sách này có thể tuyên bố rằng dữ liệu của bạn sẽ được chuyển cho bên thứ ba. 

Không cấp quyền cho ứng dụng nhiều hơn mức cần thiết, và cần xem xét kỹ những gì ứng dụng thực sự cần, cũng như ứng dụng có thể làm được gì nếu không được cấp quyền. Cần nhớ rằng bất kỳ thông tin nào bạn đã chuyển giao cho các ứng dụng thì ít có khả năng dữ liệu được hoàn toàn riêng tư.

Ông YEO SIANG TIONG (tổng giám đốc Hãng bảo mật Kaspersky khu vực Đông Nam Á)

Vô tư tán chuyện người khác

Gần đây, mỗi khi có thông tin ca nhiễm COVID-19 mới, thông tin cá nhân của bệnh nhân bị bàn tán, săm soi không ít. Cơ quan chức năng đưa những thông tin lên nhằm thông báo cho những người liên quan, phục vụ công tác truy vết các F1, F2, góp phần hạn chế lây nhiễm. 

Thế nhưng, chuyện bệnh nhân từng đi đâu, ăn gì, ở cùng ai lại thành chuyện để nhiều người bàn tán, thêm thắt, thậm chí bịa đặt, "thêm mắm, thêm muối" cho có kịch tính rồi đưa lên mạng xã hội. Mục đích của nhiều người dùng chỉ đơn giản là để câu like, để thể hiện "chuyện gì ta cũng biết"... nhưng họ không biết rằng đó là hành vi vi phạm pháp luật khi xâm phạm đến thông tin cá nhân của người khác cũng như xúc phạm nhân phẩm, danh dự cá nhân của người khác.

Trên mạng, bất kỳ thông tin, hình ảnh nào của bạn được (hoặc bị) đưa lên đều có thể biến thành con dao hai lưỡi. Thông tin có thể bị chia sẻ hàng nghìn, hàng triệu lần. Những thông tin, hình ảnh đời thường nếu rơi vào tay những người kẻ có ý xấu đều có thể bị "xào nấu" thành những bài viết (post), bình luận (comment) đầy ác ý. Nhiều vụ phiền phức và nguy hiểm đã xảy ra từ việc đưa (và bị đưa) thông tin cá nhân lên mạng.

Việc ra đời của luật bảo vệ thông tin cá nhân người dùng với những hình phạt răn đe là vô cùng phù hợp và cần thiết, nhất là khi cuộc sống của con người ngày càng phụ thuộc vào thế giới mạng. Thông tin trên đó đem lại những kiến thức cho mọi người, đem lại tiền cho các doanh nghiệp, và cũng có thể giết chết cả một con người, phá nát một gia đình, phá sản cả doanh nghiệp... khi nó bị lợi dụng cho những mục đích đen tối.

Song song với việc cẩn trọng với các thông tin cá nhân của mình, cần tôn trọng thông tin cá nhân, đời sống riêng tư của người khác. Đặc biệt, hãy luôn kiểm chứng, xác thực trước khi đưa, chia sẻ bất kỳ thông tin liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức khác lên mạng xã hội!

Bạn đọc HÂN MINH (TP.HCM)

Xử nặng bên sử dụng thông tin

Dự luật cần làm rõ hành vi thu thập thông tin cá nhân và tổ chức một cách trái phép qua các hình thức cho tặng, mua bán giữa các cá nhân và tổ chức.

Thực tế nhiều vụ việc nhỏ lẻ hiện nay rất khó xác định đối tượng thu thập, tiết lộ thông tin cá nhân. Chẳng hạn, các danh sách khách hàng mua nhà, mua xe, mua sắm tại các hệ thống siêu thị... bị trao đổi, mua bán tràn lan trên mạng thời gian qua, nhưng các doanh nghiệp liên quan đều khẳng định không biết, không liên quan.

Các dịch vụ mạng đều đòi người dùng phải cung cấp từ thông tin cá nhân mới được sử dụng dịch vụ. Người dùng từ chối cung cấp thì không được sử dụng. Người dùng buộc phải chấp nhận đánh đổi thông tin cá nhân của mình thì mới được sử dụng dịch vụ.

Một cách tiếp cận khác của dự luật là cấm hoặc phạt thật nặng các tổ chức, cá nhân khai thác quảng cáo khuyến mãi các dữ liệu thu thập mà khách hàng không đồng ý. Nếu làm được điều này, nhu cầu mua dữ liệu quảng cáo sẽ không còn!

Ngô Trần Vũ (giám đốc Công ty bảo mật NTS)

Thăm dò ý kiến

Bộ Công an đề xuất phạt từ 50 đến 80 triệu đồng những ai tiết lộ, chia sẻ trái phép dữ liệu cá nhân của người khác như tên, năm sinh, số điện thoại... Theo bạn:

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Bộ Công an đề xuất: Phạt 100 triệu với hành vi chuyển dữ liệu cá nhân trái phép qua biên giới Bộ Công an đề xuất: Phạt 100 triệu với hành vi chuyển dữ liệu cá nhân trái phép qua biên giới

TTO - Bộ Công an đề xuất mức xử phạt lên đến 80 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ tên, năm sinh, số điện thoại... người khác trái phép và 100 triệu đồng đối với hành vi chuyển dữ liệu cá nhân trái phép qua biên giới...

TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp