Du khách và người dân thưởng thức ẩm thực tại lễ hội ẩm thực đường phố, trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế VN 2017 - Ảnh: V.V.TUÂN |
Kinh phí xúc tiến du lịch quá thấp
Trong báo cáo đề dẫn hội thảo, tổng cục phó Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhắc lại, trong những năm qua, du lịch VN tăng trưởng mạnh, bền vững với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong 7 tháng đầu năm 2017, lượng khách quốc tế đến VN đạt 7,25 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt gần 307.000 tỉ đồng.
Hằng năm, Tổng cục Du lịch tham gia 13-14 hội chợ quốc tế, trong đó có 6 hội chợ tham gia thường kỳ đều dặn như: Travex, ITB Đức, MITT Nga, TTM Plus Thái Lan, JATA Nhật Bản, WTM Anh.
“Việc tham gia các hội chợ quốc tế lớn, đều đặn đang từng bước tạo dựng hình ảnh du lịch VN ở những sân chơi lớn trên thế giới», ông Hà Văn Siêu bày tỏ lạc quan.
Ở trong nước, Tổng cục Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch và các địa phương tổ chức hai hội chợ chính thường niên là VITM tại Hà Nội và ITE HCMC tại TP.HCM.
Các hội chợ du lịch trong nước đã tạo ra sân chơi rộng mở cho các địa phương, doanh nghiệp tăng cường quảng bá, kết nối, giao dịch và kích cầu du lịch mạnh mẽ trong nước và quốc tế.
Ông Siêu cho biết Tổng cục Du lịch đang xây dựng đề án hội chợ du lịch quốc tế tại VN để tập trung vào một thương hiệu mạnh về hội chợ mang tầm vóc quốc tế.
Tuy nhiên, ông Siêu cũng nêu nhiều hạn chế mà công tác xúc tiến du lịch đang gặp phải như xây dựng gian hàng, chuẩn bị điều kiện, nội dung và hoạt động tại gian hàng chưa chuyên nghiệp, hình ảnh hiện diện gian hàng quốc gia chưa ổn đinh; hoạt động truyền thông còn chung chung, chưa có thông điệp; các ấn phẩm, vật phẩm quảng bá còn đơn sơ, nội dung chưa đổi mới hấp dẫn, một số sản phẩm được dùng cho nhiều năm…
Ông Siêu cũng than phiền kinh phí mỗi năm ở trung ương chỉ dành khoảng 30-40 tỉ đồng cho hoạt động xúc tiến du lịch là thấp.
Còn ở các địa phương, số kinh phí xúc tiến du lịch hầu như rất thấp, không đủ để triển khai bài bản. "Việc xã hội hóa cũng bất chợt theo hình thức ăn đong tùy từng sự kiện.
Mặt khác, quy trình cấp kinh phí, thẩm định phê duyệt đề cương, dự toán, đấu thầu… vô cùng phức tạp và mất nhiều thời gian dẫn tới hệ lụy trong triển khai rất bị động và hạn chế hiệu quả", ông Siêu nói.
Thiếu tính chuyên nghiệp
Ông Vũ Thế Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, cũng cho rằng không thể phát triển du lịch chỉ bằng kỳ vọng.
Ông thẳng thắn chỉ ra rằng thực trạng xúc tiến du lịch hiện nay ở VN là thiếu chính chuyên nghiệp. "Nếu không có được những con người chuyên nghiệp, không có hệ thống, tổ chức, mục tiêu rõ ràng thì không thể nói là chuyên nghiệp. Để giải quyết điều này cần cả quá trình gian khổ.
Về tổ chức, Tổng cục Du lịch không có cơ quan chuyên trách về xúc tiến du lịch. Cả nước không có cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia", ông Bình phân tích.
Với số tiền ngân sách cấp khoảng 2 triệu USD mỗi năm cho hoạt động xúc tiến, ông Bình bình luận: "Thực ra đó gọi là dạo chơi trong xúc tiến, chứ làm sao nói xúc tiến được.
Cho nên hội chợ, hội nghị chúng ta đều bé con con, vô cùng gian khổ, phải chạy khắp nơi làm hội chợ. Làm thế khổ quá, không mang ý nghĩa quốc gia khi chúng ta không có tiền”. Kinh phí cho xúc tiến ít, việc giải ngân cũng gặp nhiều khó khăn vì thủ tục rườm rà.
Một trong những điểm yếu nữa của ngành du lịch VN mà ông Vũ Thế Bình chỉ ra là hơn 40% nhân lực chưa qua đào tạo. Các chuyên gia lãnh đạo trong ngành du lịch cũng rất thiếu.
Để duy trì mục tiêu tăng trưởng khách quốc tế từ nay đến cuối năm ít nhất 30%, ông Bình đề nghị nên “dồn sức” cho thị trường khách Đông Nam Á. Còn về lâu dài, theo ông Bình, nếu chỉ hô hào thì mục tiêu đến năm 2020 phải đạt 20 triệu lượt khách quốc tế rất khó đạt được.
Ông Hoàng Nhân Chính (Hội đồng tư vấn du lịch) cũng đồng tình ngân sách quốc gia dành cho quảng bá du lịch hiện nay khoảng 2 triệu USD mỗi năm là rất thấp so với các nước ASEAN.
Hơn nữa, VN cũng không có cơ quan quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia và chưa mở được văn phòng xúc tiến du lịch tại những thị trường trọng điểm.
Vì vậy, ông đề xuất Chính phủ giải ngân ngay quỹ 200 tỉ cho các hoạt động xúc tiến du lịch năm 2017. Đồng thời, VN cần thành lập hội đồng quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia để quản lý, vận hành quỹ, trên nền tảng hợp tác công - tư.
Ông đề nghị công tác xúc tiến du lịch cần tập trung vào các thị trường chi trả cao, lưu trú lâu dài và có tính ổn định với thông điệp rõ ràng như: châu Âu, Trung Quốc, Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Úc, Bắc Á, Nga…
Một hướng khác mà ông Chính đề xuất là cần tập trung vào E-maketing thông qua các kênh như website, Facebook, YouTube… để tiết kiệm chi phí quảng bá.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết đơn vị này sẽ xem xét, đề xuất sớm thành lập cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia và cơ sở dữ liệu xúc tiến du lịch quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận