06/06/2015 10:39 GMT+7

​Thượng nguồn đắp đập, Hội An “liêu xiêu”

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TT - Lãnh đạo TP Hội An (Quảng Nam) đang lo ngại về nguy cơ xóa sổ bãi biển Cửa Đại - nơi gắn liền và làm nên tên tuổi thương cảng Hội An từ xưa đến nay. 

Cửa Đại bị sạt lở nghiêm trọng đang đe dọa đến sự phát triển của Hội An - Ảnh: Tr.Trung
Cửa Đại bị sạt lở nghiêm trọng đang đe dọa đến sự phát triển của Hội An - Ảnh: Tr.Trung

Mất bãi biển này cũng đồng nghĩa với một mảng văn hóa biển của Hội An không còn nữa. Cùng với đó là sự tác động khủng khiếp đến du lịch của thành phố này.

Tại nhiều cuộc hội thảo khoa học để tìm lời giải cho “bài toán” tìm phương án chống sạt lở Cửa Đại (sạt lở trầm trọng từ tháng 10-2014 đến nay), các nhà khoa học đều có chung nhận định tác nhân chính gây ra hệ lụy thảm khốc mà Cửa Đại phải gánh chịu chính là việc đập thủy điện chặn dòng phù sa, bùn cát ở thượng nguồn và việc khai thác cát bừa bãi ở hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn.

Hội An là thành phố du lịch, sau phố cổ là biển đảo. Sạt lở bờ biển đã gây tổn thương lớn cho Hội An
Nguyễn Sự (bí thư Thành ủy Hội An)

Thượng nguồn “chặn” phù sa

PGS.TS Vũ Thanh Ca (Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam) cho rằng mực nước dâng do biến đổi khí hậu tại Cửa Đại không quá lớn, khoảng 30cm, mức độ xói lở nhỏ hơn rất nhiều so với hiện trạng hiện nay.

Vì thế, nguyên nhân của tình trạng xói lở bờ biển không phải do biến đổi khí hậu mà chủ yếu do thay đổi cán cân bùn cát tại khu vực. Mà nguồn chính cung cấp cát cho bờ biển là hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn.

Tuy nhiên, trong ba năm gần đây có sự gia tăng đột biến của các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn nên cũng gia tăng đột biến về lượng bùn cát bồi lắng trong lòng hồ (theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, có 10 dự án thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn và 32 dự án thủy điện vừa và nhỏ khác).

Các hồ chứa trên thượng nguồn đã chặn một lượng rất lớn bùn cát và gây thiếu hụt nghiêm trọng bùn cát tại cửa sông. Đây là nguyên nhân chính gây gia tăng xói lở ở Hội An.

GS Hitoshi Tanaka (ĐH Tohoku, Nhật Bản) nhìn nhận: “Việc suy giảm bột cát do xây dựng các hồ chứa ở thượng lưu và việc khai thác cát trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn là nguyên nhân tất yếu gây xói lở bờ biển Hội An. Việc xói lở không xuất phát từ ngay bờ biển mà liên quan đến hệ thống thượng nguồn”.

Tự cứu bằng cách nuôi... bãi cát

Những ngày này, dọc theo sông Thu Bồn cùng các nhánh sông nhỏ khác như Vĩnh Điện, cầu Chìm... các mỏ khai thác cát phục vụ công trình xây dựng mọc ra nhan nhản. Bất cập ở chỗ giờ đây Hội An phải tốn kém nhiều tỉ đồng để tự cứu mình bằng cách nuôi... bãi cát.

Theo ông Bùi Văn Ba, trưởng phòng khoáng sản (Sở TN-MT Quảng Nam), hiện có 15 đơn vị được cấp phép khai thác cát trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Ngoài ra còn 40 đơn vị đang làm thủ tục xin cấp phép khai thác cát.

LÊ TRUNG

Một bất cập mới nảy sinh là việc bờ biển Hội An bị xói lở buộc các khách sạn, resort phải tự cứu mình bằng cách làm bờ kè. Nhưng chính bờ kè lại có “tác dụng phụ”.

Theo TS Lê Đình Mầu (Viện Hải dương học Nha Trang), khu bờ bắc Cửa Đại hiện bị xói lở khốc liệt do tác động của công trình bảo vệ tại các khu resort ven biển phía bờ đông đường Âu Cơ và Lạc Long Quân.

Những bờ cát xen giữa các resort chạy theo đường Âu Cơ dài gần 2km bị xói lở mạnh, có nơi bị ăn sâu vào đất liền gần 100m, việc tự gia cố lại làm mất cảnh quan, gây xói lở cho bờ biển bên cạnh.

Thách thức lớn của Hội An

TS Vũ Thanh Ca “hiến kế” cần nghiêm cấm mọi hình thức hút cát tại hạ lưu sông Thu Bồn và toàn bộ dải ven biển Quảng Nam; sử dụng kè lát mái để bảo vệ bãi biển Cửa Đại.

Trong khi PGS.TS Trần Thanh Tùng (ĐH Thủy lợi) cho biết cần ứng dụng phương pháp nuôi bãi - sử dụng nguồn vật liệu là cát để bù đắp cho lượng bùn cát bị thiếu hụt, bổ sung cát cho bãi biển.

Các nhà khoa học cũng đề nghị cần phải trồng rừng phòng hộ nhằm hạn chế cát bay, chống xói lở, tạo cảnh quan ở Cửa Đại; thiết kế các kè phá sóng nằm cách bờ biển khoảng 50-200m.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hiền, trưởng Phòng tài nguyên - môi trường Hội An, cho biết: “Hội An không có bãi biển thì chẳng còn gì là thành phố du lịch. Phương án cần làm lúc này là vừa phải kè chắn, vừa phải nuôi bãi bồi”.

Còn ông Nguyễn Sự - bí thư Thành ủy Hội An - cho rằng hiện còn hàng loạt vấn đề phải giải quyết đồng bộ, tổng thể từ đầu nguồn cho đến chính Hội An. Việc xây dựng các đập thủy điện chặn lượng bùn cát từ thượng lưu và kể cả việc xây dựng các dự án ven biển cũng ảnh hưởng tới bãi biển.

"Trong đó có lỗi của mình nữa, mình ứng xử với biển không ngay ngắn nên phải trả giá. Đây là một bài toán hóc búa, một thách thức quá lớn với Hội An”- ông Sự nhìn nhận.

Ông Sự cũng chia sẻ thêm: “Hội An là thành phố du lịch, sau phố cổ là biển đảo. Đặc biệt 7km bờ biển Cửa Đại là địa chỉ hấp dẫn thu hút du khách, nơi giữ chân du khách ở lại Hội An lâu hơn”.

Theo ông Sự, không chỉ Hội An mà bất cứ điểm du lịch nào có biển sẽ là điểm cộng trong mắt du khách. Vì thế, việc sạt lở gần 4km bờ biển đã khiến Hội An không còn như xưa nữa, một sự tác động dữ dội đến du lịch của thành phố cổ này.

Không chỉ vậy, việc sạt lở bờ biển còn tác động đến văn hóa biển. Người dân phải di dời xa hơn vào đất liền, cơ cấu dân cư, những nếp văn hóa biển tốt đẹp được lưu giữ từ xa xưa cũng sẽ bị mất. Một sự thay đổi diện mạo hình thái cư dân biển mới.

“Sạt lở bờ biển đã gây tổn thương lớn cho Hội An”- ông Sự nhận định. 

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp