Một trong hai gốc hoa Fuji cổ thụ 150 năm tuổi công viên Ashikaga - Ảnh: An Văn |
Fuji - hoa tử đằng là loài cây hoa leo thường nở vào mùa cuối xuân đầu hè tại Nhật. Nhật Bản có hai địa điểm nổi tiếng về hoa Fuji là công viên Ashikaga (Ashikaga Flower Park) ở tỉnh Tochigi và Kawachi Fuji Garden ở Kitakyushu.
Trong đó công viên Ashikaga là nơi trồng nhiều loài hoa này nhất và lễ hội hoa Fuji tại đây thì đúng là một bữa tiệc thật sự bởi công viên này rộng tới 92.000m2 với rất nhiều loài hoa, còn vườn hoa Fuji danh tiếng thì có tới hơn 350 cây hoa.
Với người Nhật, hoa Fuji mang ý nghĩa tình yêu bất diệt, vì rễ cây bám sâu và chắc nên được đưa vào thơ ca, nhạc họa rất nhiều. Tại công viên Ashikaga - nơi có những thác hoa Fuji, những người trồng hoa cho biết để chăm sóc cây đến độ cho hoa đẹp, rủ xuống thành chùm dày, thì ngoài vun bón, tưới nước trong suốt nhiều năm (10-15 năm) còn phải tạo cho cây có thế để leo cao đến 20m khỏi mặt đất và lan rộng trên 10m theo chiều ngang. Khi đó, phải có giàn vững chắc cho cây, phải cắt tỉa gọn gàng để đến mùa hoa trổ đều các hướng, tiện cho du khách thưởng thức… Để đạt được điều đó, người chăm hoa phải rất kiên nhẫn, từ thế hệ này sang thế hệ khác. |
Ashikaga Flower Park ban đầu được xây dựng để chăm sóc và bảo vệ hai cây hoa Fuji cổ thụ 150 năm tuổi. Sau đó trở thành trung tâm chăm sóc, nhân giống hoa Fuji. Ngoài Fuji, công viên còn rất nhiều loài hoa khác nên mùa nào cũng có thể đón du khách vào ngắm hoa.
Một lợi thế hơn là tỉnh Tochigi nằm không xa Tokyo (2 giờ chạy xe) nên rất tiện cho việc vui chơi ngắm hoa trong ngày.
Còn Kawachi Fuji Garden là một vườn hoa nhỏ ở Kitakyushu nổi tiếng với đường hầm hoa Fuji như một vườn thiên đàng cổ tích. Nhưng du khách muốn ngắm phải đi máy bay hay tàu lửa nên hơi bất tiện và cũng hơi ngán giá tiền.
Từ tháng 4, các trang web du lịch đã rộn ràng quảng cáo cho lễ hội hoa Fuji ở Ashikaga Flower Park, cũng như các bích chương treo tại các nhà ga. Do thời điểm hoa nở có khác nhau nên du khách phải xem thông báo để đi ngắm cho phù hợp.
Trong hai cây hoa Fuji cổ thụ với tán cây rộng đến cả 70m, cây hoa màu trắng đã được các nghệ nhân dùng hệ thống giàn vĩ đại để tạo thành một đường hầm hoa dài 80m vốn được giới du lịch tôn vinh là đường hầm hoa đẹp lãng mạn nhất thế giới.
Nhưng với tôi, kỳ vĩ nhất vẫn là bức tường hoa trắng cao vời vợi như một căn nhà phủ hoa cao đến 50m mới có vài năm gần đây.
Tại công viên Ashikaga, ngoài Fuji trắng, Fuji tím có sức hút hơn do có mùi thơm mạnh hơn. Hoa cũng kỳ ảo hơn dù hương của hoa khá đậm và hạt cũng rất độc. Trong khoảng thời gian hoa nở, lễ hội hoa chính là về đêm, khi những ngọn đèn nghệ thuật lung linh tỏa sáng lên những bức rèm hoa Fuji đang dịu dàng tỏa hương sắc.
Có nhiều cách để đi tới Ashikaga, các chuyến đi tàu thường mất khoảng hai giờ, chi phí mất khoảng 1.500-2.000 yen. Tàu đi về vùng xa thì phải chờ, có khi hơn một giờ nên trước khi đi du khách phải chịu khó tra giờ có tàu cho chính xác.
Đi vào đúng dịp lễ hội, sẽ luôn có những tình nguyện viên hướng dẫn chỉ đường nhiệt tình. Còn nếu không, cứ đi theo dòng người tay cầm máy ảnh, vai khoác balô là tới nơi.
Chùm hoa Fuji trước nhà tác giả ở ngoại ô Tokyo - Ảnh: An Văn |
Cận cảnh những bông hoa Fuji tím - Ảnh: An Văn |
Bức tường hoa Fuji trắng cao sừng sững - Ảnh: An Văn |
Gốc hoa Fuji trắng cổ thụ ở công viên Ashikaga - Ảnh: An Văn |
Gốc hoa Fuji 150 năm tuổi ở công viên Ashikaga - Ảnh: An Văn |
Một cây hoa Fuji có hoa giống chùm nho - Ảnh: An Văn |
Một bức rèm hoa Fuji tím - Ảnh: An Văn |
Khi ánh sáng tự nhiên và ánh sáng đèn kết hợp đã tạo nên một sắc màu tuyệt đẹp - Ảnh: An Văn |
Tấm màn hoa Fuji về đêm - Ảnh: An Văn |
Trong khi đi tìm những tài liệu cũ về cây hoa dây leo Fuji mà ở Việt Nam còn được biết với cái tên hoa tử đằng, tôi được biết hoa Fuji từng hiện hữu từ lâu tại Việt Nam, cụ thể là vùng cao nguyên Đà Lạt, qua hành trang trở về từ Pháp của cố kỹ sư Lương Văn Sáu với cái tên đậu tía. Cây đậu tía tên khoa học là Wistaria, tên thường gọi là Slycine, có 2 màu xanh lơ và trắng hương rất thơm. Tài liệu viết hoa của kỹ sư Lương Văn Sáu có nguồn gốc từ Đài Loan. Khi đó, người Đài Loan và Trung Quốc quyền quý thường chọn để trồng trước cổng nhà. Kỹ sư Sáu đã lấy gốc từ Đài Loan về trồng tại vườn hoa TP Đà Lạt vào năm 1963. Đến nay thì không nghe nhắc đến nữa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận