Hang Sơn Đoòng qua hình ảnh 360 độ do tạp chí National Geographic (NatGeo) vừa giới thiệu |
Theo NatGeo, mục tiêu của nhà báo Edstrom là tái hiện hang Sơn Đoòng một cách nguyên sơ để độc giả có thể trải nghiệm chân thực và hi vọng phóng sự ảnh này sẽ giúp thu hút rất nhiều du khách khắp thế giới đến Việt Nam khám phá hang động kỳ vĩ này.
Nhưng anh cũng rất lo ngại kế hoạch xây cáp treo ở hang Sơn Đoòng có thể phá vỡ môi trường nguyên sơ của kỳ quan này.
* Anh đã bày tỏ sự lo ngại về dự án xây cáp treo để phục vụ du lịch hang Sơn Đoòng. Anh có sợ rằng việc quảng bá như thế này sẽ giúp dự án đó được triển khai không?
|
- Điều tốt nhất đối với hang Sơn Đoòng có lẽ là nó được để yên, không bị ai khám phá. Nhưng điều đó chẳng có lợi gì. Chúng ta muốn các nhà khoa học nghiên cứu và chúng ta muốn tất cả mọi người cùng thưởng ngoạn nó. Nhưng chúng ta phải làm điều đó một cách có trách nhiệm.
Du lịch phát triển sẽ giúp cải thiện cuộc sống của các cộng đồng địa phương, và tất nhiên chúng ta phải tìm cách giúp du khách đến tham quan hang Sơn Đoòng một cách dễ dàng hơn. Nhưng không thể làm theo cách khiến số du khách tăng vọt từ số 0 lên đến hàng trăm nghìn chỉ trong một năm.
Chúng ta phải đảm bảo rằng hang Sơn Đoòng được bảo vệ một cách triệt để.
* Tại sao anh lại làm một phóng sự ảnh mang tính tương tác thay vì chỉ cần chụp ảnh hoặc quay phim?
- Tôi đam mê báo chí tương tác bởi độc giả cần một trải nghiệm mang tính tương tác, để tạo ra cảm giác như họ đang đi và khám phá hang động. Với cách này chúng ta có thể thu hút độc giả và giúp họ khám phá một cách chủ động.
Chúng tôi cũng muốn tạo ra một trung tâm dữ liệu bằng hình ảnh về hang Sơn Đoòng ở trạng thái nguyên sơ. Như vậy, chúng tôi đã có trong tay một phiên bản kỹ thuật số của hang Sơn Đoòng để đề phòng việc hang bị du lịch phá hoại.
* Dự án chụp ảnh hang Sơn Đoòng có gì khác so với những phóng sự ảnh trước đây của anh?
- Hang Sơn Đoòng cực lớn và vô cùng hùng vĩ. Rất khó lên kế hoạch thực hiện xét về mặt hậu cần.
* Khó như thế nào?
- Trước hết là vấn đề ánh sáng. Bạn phải rọi sáng một hang động hoàn toàn tối đen. Với nhiếp ảnh thông thường hoặc video, bạn chỉ cần rọi sáng một hướng. Nhưng với nhiếp ảnh 360º, bạn phải có đủ ánh sáng khắp nơi.
Việc chiếu sáng hang động tốn rất nhiều thời gian.
* Anh chiếu sáng hang động khổng lồ đó như thế nào?
- Đầu tiên chúng tôi được trang bị những chiếc đèn cực mạnh do một công ty ở Hà Lan sản xuất. Đó là những chiếc đèn LED di động mạnh nhất tôi từng được thấy. Sau đó ba thành viên của đoàn chúng tôi cầm đèn đi khắp hang động.
Sơn Đoòng dài tới vài kilômet, do đó đoàn chúng tôi phải tản đi và chiếu sáng hang động ở nhiều góc khác nhau.
* Thế còn các máy ảnh?
- Chúng tôi có một hệ thống máy ảnh khổng lồ. Chúng tôi mang theo 25 máy ảnh đủ loại, từ nhỏ, nhanh cho đến máy ảnh lớn, ống kính xịn để chụp được nhiều vị trí.
* Đoàn của anh có gặp phải bất ngờ nào không?
- Chúng tôi phải đối phó với rất nhiều vấn đề hậu cần. Đưa các thiết bị qua các sân bay không gặp vấn đề gì cho đến khi tới Việt Nam. Nhà chức trách muốn thu các giá chụp ảnh. Tôi phải đi nài nỉ, thương thuyết để lấy lại những chiếc giá đó.
Trong hang dù chúng tôi đã chuẩn bị hết sức kỹ càng nhưng hoàn toàn không biết rõ hang Sơn Đoòng lại lớn và kỳ vĩ đến như vậy. Thật là điên rồ. Chúng tôi đã rất may mắn. Thời tiết thuận lợi và không ai trong đoàn bị chấn thương khi khám phá hang.
* Trải nghiệm bằng hình ảnh thú vị đến thế nào?
- Vấn đề không nằm ở sức mạnh hình ảnh mà là khả năng kiểm soát của độc giả. Thông thường bạn đọc tin từ điểm A đến B, hoặc xem phóng sự từ đầu đến cuối. Nhưng với trải nghiệm mang tính tương tác này, bạn trở thành người khám phá chủ động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận